Luật PPP cần đột phá và linh hoạt
Tại Tọa đàm trực tuyến “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?”, diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Luật PPP cần có các quy định mang tính đột phá và linh hoạt hơn để thu hút đầu tư.
Theo đại diện Ban soạn thảo, dự Luật PPP được xây dựng đến nay đã qua nhiều vòng tiếp thu ý kiến. Tuy nhiên, còn không ít vấn đề mà nhà đầu tư băn khoăn.
Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư, dự thảo Luật chỉ quy định 5 nhóm lĩnh vực thực hiện PPP. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật nên quy định mở, linh hoạt hơn, giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này. Hay, về hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với dự án PPP, dự thảo Luật quy định không quá 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam. Các nhà đầu tư khuyến nghị nên bỏ mức trần này và giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất Chính phủ phê duyệt cho từng dự án.
Liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro đối với phần tăng, giảm doanh thu của dự án PPP, các nhà đầu tư cho rằng, điều kiện đưa ra còn quá chặt, khu vực tư nhân bị áp dụng nhiều điều kiện hơn khu vực công. Một số ý kiến đề nghị, nên quy định để đàm phán trong hợp đồng về mức bảo lãnh doanh thu tối thiểu, điều kiện cụ thể của bảo lãnh doanh thu tối thiểu tùy thuộc vào bản chất của từng dự án.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung nguyên tắc các ưu đãi trong đấu thầu cho tất cả nhà đầu tư đề xuất dự án PPP. Vấn đề ưu đãi này, nghị định hướng dẫn thi hành quy định. Dự thảo Luật cũng không nên bắt buộc sử dụng nhà thầu và thầu phụ trong nước.
Liên quan đến vấn đề tài trợ vốn của dự án PPP, cần bổ sung làm rõ quyền của bên cho vay (ngân hàng) với tư cách là bên nắm giữ tài sản bảo đảm, họ cần có quyền đề xuất nhà đầu tư khác thay thế nhà đầu tư cũ để tiếp tục thực hiện hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán…
Đại diện Ban soạn thảo cho rằng, đây là một dự án Luật rất khó. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý từ các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét.
Một chuyên gia soạn thảo dự Luật PPP cho rằng, nếu Luật quá chặt chẽ mà không tính đến sự linh hoạt, thì khi thực thi sẽ rất nhiều vướng mắc. Ban soạn thảo cần rà soát lại xem các quy định có quá chặt không, cần điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở khả thi trong thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo được tính pháp quyền của Luật.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Yêu cầu tăng cường đầu tư PPP để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam rất cấp thiết. Nếu không có cơ chế đột phá, hấp dẫn, linh hoạt thì rất khó cạnh tranh thu hút nguồn lực PPP. Luật PPP nói chung, Hợp đồng PPP nói riêng phải đảm bảo được sự hài hòa về lợi ích của tất cả các bên liên quan, bình đẳng, chia sẻ rủi ro.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:
Phạm vi thực hiện Luật PPP cần rộng mở hơn, không nên quy định cứng và hẹp thì mới có thể huy động được sáng kiến, trí tuệ của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng quốc tế…