Lực cản từ khối ngoại khiến thị trường chứng khoán giảm điểm

PV.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại trong 8 phiên liên tục khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có những phiên giảm điểm. Tuy nhiên, điều này có thể không làm nhà đầu tư trong nước lo lắng vì đã quen với điệp khúc xả hàng của khối ngoại trong thời gian qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong phiên ngày 17/8, trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 21,57 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.383,41 tỷ đồng, tăng 10,44% về lượng và 44,41% về giá trị so với phiên trước đó. 

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng 1,74 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 56,3 tỷ đồng, tăng 118,33% về lượng và 42,28% về giá trị so với phiên trước. Trên sàn UPCoM, dù đã mua ròng 496.280 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 24,62 tỷ đồng, tăng 5,24% về lượng nhưng lại giảm 26,42% về giá trị so với phiên trước.

Trong phiên 18/8, theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, VN-Index chưa thể vượt ngưỡng 1.380 điểm do liên tiếp gặp áp lực từ khối ngoại. Đây là phiên bán ròng thứ 8 liên tiếp và hôm nay cũng là phiên bán ra mạnh nhất của khối này.

Cụ thể, trong phiên ngày 18/8, khối ngoại bán ròng 1.886,1 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 41,61 tỷ đồng trên HNX và mua ròng UPCoM với giá trị 41,54 tỷ đồng. Tổng cộng, khối này có phiên bán ròng 1.886 tỷ đồng và vượt quy mô bán ra của phiên hôm qua.

Trước xu thế bán ròng của khối ngoại, chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm nhẹ 2,15 điểm (-0,15%), xuống 1.360,94 điểm với 172 mã tăng và 197 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 689,8 triệu đơn vị, giá trị 24.406,7 tỷ đồng, giảm hơn 10% về khối lượng và 5,3% về giá trị so với phiên trước đó.

Tuy nhiên, điều này có thể không làm nhà đầu tư trong nước lo lắng vì họ đã quen với điệp khúc xả hàng của khối ngoại trong thời gian qua. Và không ít thời điểm, nhà đầu tư nội trở thành điểm tựa vững chắc cho thị trường chứng khoán để tạo lập thêm những kỷ lục mới.

Thực tế cũng cho thấy, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân mới trong nước đã khiến khối lượng giao dịch trên thị trường bùng nổ. Sự gia tăng này đã làm quá tải hệ thống giao dịch của HOSE và gây ra một số gián đoạn, bao gồm việc HOSE đóng cửa sớm vào chiều ngày 1/6/2021.

Theo ông Michael Kokalari - Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, tỷ lệ tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư trong nước dù còn khiêm tốn so với những “Con hổ châu Á” như Đài Loan khi nền kinh tế Đài Loan ở giai đoạn phát triển tương tự với kinh tế Việt Nam hiện tại và các mảng dịch vụ đã tạo nên một thị trường chứng khoán hiện đại vẫn đang được sắp xếp để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng kỳ vọng. Đồng thời, đây là một bước tiến mới trong sự phát triển của thị trường chứng khoán mà VinaCapital dự đoán sẽ diễn ra trong suốt những thập kỷ tới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, để thị trường chứng khoán thực sự là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cần sớm triển khai mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư cá nhân (80 - 90%) trong khi đó nhà đầu tư tổ chức ngày càng thu hẹp lại. Do vậy, cần cải thiện nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức lên cao hơn.