Thực tiễn ứng dụng blockchain tại một số sàn chứng khoán trên thế giới


Việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trên thị trường chứng khoán đã và đang được nghiên cứu và áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn để phân tích, tổng hợp các ứng dụng của công nghệ blockchain trên thị trường chứng khoán thông qua lược khảo các kinh nghiệm trên thế giới, từ đó trao đổi và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng blockchain cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lợi ích của blockchain đối với thị trường chứng khoán

“Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số phân tán không thể thay đổi được, ghi nhận các giao dịch kinh tế. Blockchain có thể được lập trình để ghi lại không chỉ các giao dịch tài chính mà hầu như tất cả mọi thứ có giá trị khác” - tuyên bố này là một trong những định nghĩa phổ biến nhất về blockchain, được phát triển bởi Tapscott and Tapscott (2017).

Việc ứng dụng blockchain đòi hỏi phải có nền tảng về kỹ thuật và đội ngũ nhân lực giỏi về chuyên môn. Do đó, để có thể thành công trong triển khai ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các sàn giao dịch chứng khoán cần phải mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống, đồng thời có chiến lược tuyển dụng đội ngũ nhân lực giỏi tin học và thuật toán riêng để kịp thời hỗ trợ.

Blockchain là công nghệ đằng sau các loại tiền kỹ thuật số khác nhau (Chatterjee & Chatterjee, 2017). Hình thức kỹ thuật số này là một lợi thế, cho phép chúng được lưu trữ, chuyển giao, mua và bán hoàn toàn trực tuyến bằng cách sử dụng hệ thống blockchain.

Các giao dịch này có thể được thực hiện hoàn toàn ngang hàng, nghĩa là không cần sự hỗ trợ và xác minh của bên thứ ba đáng tin cậy (chẳng hạn như ngân hàng) (Chatterjee & Chatterjee, 2017)

Lý do chính khiến blockchain hấp dẫn và thu hút các doanh nghiệp là công nghệ này là mã nguồn mở. Điều này có nghĩa là những người dùng hoặc nhà phát triển khác có cơ hội sửa đổi nó khi họ thấy phù hợp.

Hiện nay, công nghệ blockchain đã và đang dần được áp dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như: Tài chính, đường sắt, lĩnh vực năng lượng, chuỗi cung ứng... Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, blockchain được gọi là “tương lai của cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính” (Treleaven, Brown và Yang, 2017).

Blockchain cho phép các giao dịch ngang hàng (P2P) và giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp được hoàn thành mà không cần đến bên trung gian thứ ba. Bên trung gian này thường là ngân hàng thương mại, trong trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán, trung gian là môi giới hoặc sàn giao dịch chứng khoán. Vì không cần bất kỳ người trung gian hoặc bên thứ ba nào, giao dịch trên blockchain có thể giúp giảm chi phí cho người dùng hoặc doanh nghiệp theo thời gian.

Một lý do quan trọng khác khiến blockchain trở nên hấp dẫn là không có một trung tâm dữ liệu nào cả (Tapscott & Tapscott, 2017). Các sàn giao dịch chứng khoán và ngân hàng truyền thống luôn có một trung tâm dữ liệu khổng lồ, được dùng để xác minh các giao dịch, tuy nhiên, hệ thống blockchain không như vậy. Công nghệ này cho phép mỗi một giao dịch có thể tự xác thực một cách hợp lệ và hệ thống được ủy quyền để thực thi các ràng buộc giao dịch đó. Thông tin trên một blockchain cụ thể được cắt thành các khối và được tự sao chép, lan truyền khắp thế giới trên rất nhiều máy chủ riêng lẻ. Nhờ vậy, blockchain đảm bảo rằng trong trường hợp thông tin này rơi vào tay những người hoặc tổ chức không mong muốn (ví dụ như tội phạm mạng), chỉ một lượng nhỏ dữ liệu bị tác động chứ không phải toàn bộ mạng lưới, do đó, thông tin luôn được bảo toàn (Osmani et al., 2020)

Thực tiễn cho thấy, lợi ích nổi bật mà công nghệ blockchain mang lại khi được ứng dụng trong các giao dịch chứng khoán đó là đẩy nhanh việc thanh toán các giao dịch này. Công nghệ blokchain có thể làm cho các giao dịch chứng khoán trở nên nhanh chóng hơn thông qua tự động hóa và phân quyền. Công nghệ blockchain cũng có thể giúp gây quỹ và quản lý tài sản, cũng như tài trợ ký quỹ, thanh toán sau giao dịch, theo dõi việc cho vay chứng khoán và theo dõi rủi ro hệ thống (Mire, 2018).

Về cơ bản, blockchain cho phép nhà đầu tư và tổ chức giao dịch bất kỳ cổ phiếu nào thuộc bất kỳ sở giao dịch chứng khoán hoặc quốc gia nào miễn là được kết nối với blockchain. Quan trọng hơn, blockchain giúp giảm trùng lắp các quy trình, giảm thời gian giải quyết và giảm các yêu cầu về tài sản thế chấp và chi phí hoạt động. Qua đó, giúp các thị trường chứng khoán tiết giảm được nhiều khoản chi phí, tăng chi phí cho công tác phòng vệ rủi ro, phòng, chống rửa tiền.

Tình hình ứng dụng blockchain tại một số sàn chứng khoán trên thế giới

Hiện nay, trên thế giới, một số sàn giao dịch chứng khoán nổi bật đã và đang tìm cách tận dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) để cải tiến cơ chế truyền thống. Blockchain đang dần được các sàn giao dịch bảo mật hàng đầu chấp nhận như một giải pháp khả thi. Điển hình như:

Sàn Giao dịch Chứng khoán Nasdaq (Hoa Kỳ)

Nasdaq - Sàn Giao dịch Chứng khoán lớn thứ 2 Hoa Kỳ là một trong những sàn giao dịch chứng khoán tiên phong áp dụng công nghệ blockchain cho các giao dịch chứng khoán. Ở giai đoạn đầu, Nasdaq đã triển khai công nghệ blockchain trên thị trường thứ cấp mà nó đã xây dựng, the Nasdaq Private Market, để cho phép phát hành và chuyển nhượng an toàn cổ phiếu của các công ty tư nhân. Từ đầu năm 2015, Nasdaq đã công bố việc sử dụng công nghệ sổ cái blockchain Nasdaq Linq để hoàn thành và ghi lại thành công các giao dịch chứng khoán riêng tư cho Chain.com - khách hàng đầu tiên của Nasdaq Linq.

Nasdaq cũng đã phát triển một nền tảng điện tử để các cổ đông bỏ phiếu về việc mua lại, phát hành cổ phiếu mới, bầu cử hội đồng quản trị, đồng thời cấp phép cho nó ở một số nơi - đầu tiên là trong một chương trình thử nghiệm ở Estonia và sau đó, vào đầu năm 2018, cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán của Nam Phi để giám sát thị trường cổ phiếu và trái phiếu của quốc gia đó.

Sở Giao dịch chứng khoán Australia (ASX)

ASX cũng được vận hành theo hướng thay thế Hệ thống đăng ký điện tử phụ của Trung tâm thanh toán bù trừ (CHESS) bằng blockchain để quản lý hoạt động thanh toán bù trừ, thanh toán và các giao dịch trao đổi khác đối với chứng khoán Australia kể từ năm 2015. ASX đã chọn công ty khởi nghiệp blockchain Digital Asset Holdings, LLC có trụ sở tại Hoa Kỳ để phát triển các giải pháp dựa trên sổ cái phân tán để thanh toán và bù trừ giao dịch.

ASX đã đầu tư 14,9 triệu USD để có được 5% lãi vốn cổ phần trong tài sản kỹ thuật số, sau đó đã được tăng lên 8,5% thông qua một khoản đầu tư bổ sung. Lịch trình dự án của ASX đề cập rằng, cuối năm 2017 là thời điểm quyết định quan trọng để triển khai sổ cái phân tán blockchain hoặc công nghệ thay thế để thay thế CHESS (Reuters, 2017).

Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE)

LSE cũng đang tập trung nguồn lực chuyển sang ứng dụng công nghệ blockchain. LSE kỳ vọng blockchain như một giải pháp công nghệ giúp cải thiện các hoạt động hậu giao dịch. Tháng 7/2018, LSE đã ký kết với công ty IBM (Miraz & Donald, 2018) triển khai công nghệ blockchain vào họa động của Sở.

Sàn Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX)

Thời gian qua, KRX đã ra mắt Thị trường khởi nghiệp Hàn Quốc (KSM) với công nghệ blockchain, cho phép cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp được giao dịch trên thị trường mở. Tháng 12/2017, một tập đoàn trực thuộc KRX được thành lập với các công ty đầu tư tài chính và công nghệ blockchain hàng đầu để “hoạt động như một tổ chức tư vấn blockchain hàng đầu trong thị trường vốn địa phương”. Đây là một dự án thử nghiệm của KRX với quy mô đầy đủ về các dịch vụ tài chính dựa trên blockchain (Yoo, 2017).

Sàn Giao dịch chứng khoán Deutsche Börse  và Deutsche Bundesbank (Đức)

Tập đoàn Deutsche Börse có trụ sở chính tại Frankfurt, đây là một trong những tổ chức chứng khoán lớn nhất trên toàn thế giới. Tháng 11/2016, Sàn Giao dịch Chứng khoán Deutsche Börse và Deutsche Bundesbank (Đức) đã ra mắt mẫu thử nghiệm thanh toán chứng khoán dựa trên công nghệ blockchain. Hoạt động này giúp họ “phân tích hiệu suất kỹ thuật và khả năng mở rộng của ứng dụng blockchain này” (Bott, 2017).

Sở Giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE)

Đầu năm 2017, NSE đã tiến hành thử nghiệm blockchain cùng với các ngân hàng hàng đầu của quốc gia, bao gồm: IDFC, Kotak Mahindra, ICICI, IndusInd và RBL và HDFC Securities. Thử nghiệm blockchain này liên quan đến dữ liệu xác nhận danh tính khách hàng (KYC), đã được kích hoạt bởi công ty khởi nghiệp blockchain Elemential. NSE là sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu ở Ấn Độ và lớn thứ 4 trên thế giới tính theo khối lượng giao dịch cổ phiếu (Akgiray, 2019).

Nhìn chung, bất chấp những rào cản phía trước, nhiều người tin rằng blockchain vẫn được cho là có thể cách mạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng cốt lõi của thị trường vốn trên toàn cầu, do đó mang lại sự minh bạch và hiệu quả hơn. Tiềm năng của blockchain cho phép các sàn giao dịch chứng khoán giảm đáng kể chi phí, độ phức tạp và tăng tốc độ của các quy trình giao dịch và thanh toán một cách an toàn.

Nhằm tận dụng ưu thế và lợi ích của blockchain, các sàn giao dịch trên thế giới đang hướng tới việc cung cấp những tính năng dễ sử dụng, minh bạch và giảm chi phí để khuyến khích các nhà đầu tư và nhà giao dịch tham gia thị trường tích cực hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ blockchain trên thị trường chứng khoán còn bị ràng buộc về nhiều mặt, nhất là về tiêu chuẩn chung, quy định pháp luật và luật pháp.

Đề xuất, khuyến nghị đối với Việt Nam

Blockchain được kỳ vọng là một trong những giải pháp giúp cải thiện thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai. Thực tế ở Việt Nam, blockchain chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, các nghiên cứu về vấn đề này tuy đã có nhưng vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn nhiều hạn chế về mô hình, dữ liệu, chuyên môn.

Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm về blockchain và các ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực tài chính nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Hướng nghiên cứu cần phân tích cụ thể ưu nhược điểm, cơ hội và thách thức của việc ứng dụng này, cũng như đề xuất các mô hình thử nghiệm cụ thể. Đặc biệt, tập trung vào một số khả năng ứng dụng có tính chất khả thi nhất như: Hỗ trợ xử lý xác thực sau giao dịch; hỗ trợ công bố, trao đổi thông tin; quản lý cổ đông, trái chủ; biểu quyết điện tử, biểu quyết ủy quyền; mua/bán cổ phiếu quỹ, chứng chỉ quỹ.

Các tổ chức, công ty cũng cần có sự đầu tư phù hợp về nhân lực và vốn để có thể có những kết quả nghiên cứu hữu dụng, ứng dụng được, chứ không phải chỉ trên giấy tờ. Có thể thấy, việc liên minh giữa các tổ chức là cần thiết, giúp gia tăng sức mạnh tập thể, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm tuy đã có những trao đổi về việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực chứng khoán, song vẫn cần tăng cường hơn nữa về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, các bộ, ngành cần bàn thảo, nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ mới sáng tạo như: Blockchain, hợp đồng thông minh, trí tuệ nhân tạo… Hành lang pháp lý cũng là cơ sở và động lực để các tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ blockchain vào trong thực thiễn cuộc sống.

Việc ứng dụng blockchain đòi hỏi phải có nền tảng về kỹ thuật và đội ngũ nhân lực giỏi về chuyên môn. Do đó, để có thể thành công trong triển khai ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các sàn giao dịch chứng khoán cần phải mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống, đồng thời có chiến lược tuyển dụng đội ngũ nhân lực giỏi tin học và thuật toán riêng để kịp thời hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Akgiray, V. (2019), The potential for blockchain technology in corporate governance;
  2. Chatterjee, R., & Chatterjee, R. (2017), An overview of the emerging technology: Blockchain;
  3. Paper presented at the 2017 3rd International Conference on Computational Intelligence and Networks (CINE);
  4. Miraz, M. H., & Donald, D. C. (2018), Application of blockchain in booking and registration systems of securities exchanges. Paper presented at the 2018 International Conference on Computing, Electronics & Communications Engineering (iCCECE);
  5. Mire, A. S. (2018), Blockchain for Stock Markets: 11 Possible Use Cases. In;
  6. Osmani, M., El-Haddadeh, R., Hindi, N., Janssen, M., & Weerakkody, V. J. J. o. E. I. M. (2020), Blockchain for next generation services in banking and finance: cost, benefit, risk and opportunity analysis;
  7. Tapscott, D., & Tapscott, A. (2017), How blockchain will change organizations. MIT Sloan Management Review, 58(2), 10.

 (*) ThS. Lê Vũ Linh Toàn - Trường Đại học Văn Lang.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 7/2021.