Lực cầu tín dụng sẽ tăng mạnh hơn khi cơ chế chính sách đi vào cuộc sống

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tăng trưởng tín dụng tiếp tục chuyển biến tích cực. Mặt bằng lãi suất đã giảm phù hợp với tình hình lạm phát. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7- 9%/năm. Tín dụng tăng, lãi suất giảm cùng các biện pháp miễn, giảm thuế, giãn thuế... đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Theo Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, lực cầu tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm khi có nhiều cơ chế chính sách đi vào cuộc sống.

Lực cầu tín dụng sẽ tăng mạnh hơn khi cơ chế chính sách đi vào cuộc sống
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phóng viên: Xin Bà cho biết những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh…?     

Bà Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ tiền tệ để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực chủ động phối hợp với doanh nghiệp để rà soát khâu kinh doanh và trên cơ sở đó thì cơ cấu lại hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vốn vay cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các địa phương tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Tại các hội nghị này, các vướng mắc của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã được tháo gỡ và có những kiến nghị, vướng mắc Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục ghi nhận và xử lý.

Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ, trong đó giảm lãi suất cho vay có thể coi là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Lãi suất đã giảm khá mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng mặc dù đã tăng nhưng chưa phải là cao?

Đúng là mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng chưa ở mức cao. Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện còn đang thấp trong khi vốn khả dụng của tổ chức tín dụng dư thừa và sẵn sàng nguồn cung. Tuy nhiên tín dụng chưa tăng cao bởi các doanh nghiệp chưa có đầu ra tốt, hàng tồn kho giảm nhưng sản xuất bị thu hẹp, lãi suất giảm nhưng nhu cầu vay vốn cũng không cao. Thứ hai, khả năng tiếp cận vốn hạn chế qua phản ánh tại các hội nghị do ngân hàng tổ chức tại các tỉnh và thành phố trong thời gian vừa qua cho thấy, các doanh nghiêp đủ điều kiện vay vốn, dự án khả thi thì tiếp cận vốn dễ dàng và thậm chí họ còn được vay với lãi suất thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do họ có tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án và cũng không chứng minh được dòng tiền và hầu hết tài sản của họ đã được thế chấp để bảo đảm cho các nghĩa vụ của các khoản vay cũ và đến nay chưa trả nợ được nên không có tài sản bảo đảm cho các khoản vay mới. Thứ ba, về các tổ chức tín dụng có xu hướng thận trọng hơn khi cho vay, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp còn đang khó khăn, nợ xấu còn cao và đây cũng là một điểm mà các tổ chức tín dụng rút ra từ bài học tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong thời gian vừa qua đã dẫn đến nợ xấu và vẫn còn đó bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công ở châu Âu và  nguồn gốc là việc cho vay dưới chuẩn gây rủi ro đối với hệ thống.

Thời gian gần đây trên thị trường có tín hiệu mới cho thấy triển vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn trong các tháng cuối năm, chẳng hạn như việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, xuất khẩu tiếp tục tăng cao… Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?

Rõ ràng, kinh tế vĩ mô thời gian qua mặc dù khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu khá tích cực thể hiện tổng cầu đã có tín hiệu tăng. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 73,47 tỷ USD, tăng 15%. Tình hình xuất nhập khẩu tích cực là tín hiệu thể hiện sản xuất kinh doanh trong nước đang phục hồi. Các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị nhập khẩu những hàng hóa và nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng tốc giải ngân cho vay mua nhà ở theo Thông tư số 11 và Thông tư số 07 của Bộ Xây dựng. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu tổ chức để bắt tay vào xử lý nợ xấu và theo đó đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng dành lượng tiền cung ứng để cho vay tái cấp vốn hỗ trợ nhà ở và cũng sẵn sàng tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê… Tôi cho rằng, với những triển khai như vậy thì khả năng giải ngân tín dụng của các dự án này sẽ tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của cả năm 2013.

Thưa Bà, hiện nay doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay sẽ giảm, nhưng đến nay dư luận băn khoăn về chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn là khá lớn?

Có thể nói mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh trong năm 2012 và tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2013. Đến nay, bản thân các tổ chức tín dụng cũng tích cực rà soát và giảm các khoản cho vay cũ về mức dưới 15%. Nếu theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng thì thấy rằng tỷ trọng của các khoản dư nợ có lãi suất cho vay trên 15%, đến nay chỉ còn khoảng 10% và giảm khá mạnh so với mức 20% vào cuối năm 2012. Như vậy, các tổ chức tín dụng đã cố gắng rất nhiều trong việc giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng còn tiếp tục giảm lãi suất cho vay của các khoản cho vay cũ về mức dưới 13%. Đây là việc làm cần thiết của các tổ chức tín dụng để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp, nhưng bản thân số liệu về lợi nhuận của các tổ chức tín dụng cũng cho thấy được trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sụt giảm rất mạnh. Nếu như tính toán chênh lệch huy động lãi suất đầu vào và đầu ra theo Cơ quan giám sát ngân hàng dựa trên số liệu phân tích báo cáo tài chính của 36 ngân hàng thì mức chênh lệch sau khi trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn có 1,93%. Đây là mức khá thấp trong nhiều năm qua để thấy được hiện nay chênh lệch lãi suất đã giảm mạnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của cả năm 2013, từ nay đến cuối năm liệu có xảy ra tình trạng ngân hàng đẩy vốn ra thị trường một cách nhanh hơn và có thể sẽ làm ảnh hưởãng tới chất lượng tăng trưởng không thưa Bà?

Hiện nay, các tổ chức tín dụng rất thận trọng khi cho vay, tức là đối với các doanh nghiệp có khả năng trả nợ thì họ mới cho vay. Bởi vì nguồn vốn cho vay là huy động từ dân, nếu như cho vay mà không bám vào các chuẩn cho vay, thì khả năng mất vốn sẽ xảy ra và có thể dẫn tới những hệ lụy về an toàn hoạt động của chính các tổ chức tín dụng và sau đó là lan đến cả hệ thống. Các tổ chức tín dụng đã có những bài học về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cũng như tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian qua. Còn về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi  đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành và cũng thực hiện không cho vay dưới chuẩn, chú trọng quản trị rủi ro và mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả của dòng vốn tín dụng.

Đúng là ngân hàng thì không thể cho vay dưới chuẩn. Nhưng rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trên thế giới cũng như bài học về tăng trưởng nóng ở trong nước dẫn đến nợ xấu, nên các tổ chức tín dụng sẽ phải thận trọng hơn và doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn khi họ không có tài sản để thế chấp?

Thực tế thì Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị để tăng cường hoạt động tiền tệ trong các tháng cuối năm 2013, trong đó có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tích cực phối hợp với các doanh nghiệp rà soát tất cả các hoạt động kinh doanh và đặc biệt xem xét xu hướng phát triển của doanh nghiệp để có thể thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cơ cấu lại các khoản nợ, rồi ưu tiên trả các khoản gốc trước, thu lãi sau… Có rất nhiều giải pháp để tổ chức tín dụng có thể phối hợp với doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc và tăng cung nguồn vốn.

Như vậy, sẽ có nhiều việc cần thực hiện cùng một lúc, và việc giải quyết nợ xấu nếu không được xử lý rốt ráo sẽ tác động như thế nào đến tốc độ giải ngân và tốc độ tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm?

Tình trạng nợ xấu sẽ còn kéo dài nếu không được xử lý nhanh. Bản thân các doanh nghiệp chưa trả được nợ và như vậy thì họ rất khó chứng minh được dòng tiền và khả năng trả nợ khi tiếp cận vay một khoản vốn mới, theo đó tín dụng khó được đưa vào nền kinh tế. Còn đối với các tổ chức tín dụng khi nợ xấu đang ở mức cao thì họ phải trích lập dự phòng rủi ro vì đây là khoản nợ không sinh lời. Khi mà các tổ chức tín dụng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu thì cũng làm tăng chi phí của tổ chức tín dụng đồng thời cũng hạn chế nguồn vốn để các tổ chức tín dụng có thể mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.

Xin cám ơn Bà!