Lực mua dồn dập, VN-Index tăng gần 9 điểm
Mức tăng của chỉ số chuẩn VN-Index trong phiên 21/1 là 8,75 điểm thì mức tăng của hợp đồng phái sinh VN30F1902 lại lên đến 21 điểm.
Chốt phiên 21/1, VN-Index đóng cửa đạt 911,05 điểm, tăng gần 9 điểm, tương đương 0,97% so với thời điểm đầu phiên. Số mã tăng điểm chiếm ưu thế với 160 mã tăng (6 mã trần) và 136 mã giảm (9 mã sàn).
Thanh khoản, điều được quan tâm nhất, cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch hôm nay đạt 165,6 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 3.287 tỷ đồng. Nếu trừ đi giá trị giao dịch thỏa thuận, KLGD đạt gần 120 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.
So với phiên giao dịch 18/1, thanh khoản đã có sự cải thiện đáng kể với khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng gần 22,2%, trong khi đó tổng giá trị giao dịch tăng gần 14,4%.
Đóng góp chủ đạo vào mức tăng của chỉ số phiên 15/1 là nhóm cổ phiếu Ngân hàng, mà cụ thể là hai mã CTG (+6,9%) và MBB (+6,3%). Không những tăng điểm mạnh, đây cũng là các mã hút dòng tiền nhất trong phiên sáng nay, cụ thể thanh khoản CTG đạt 219 tỷ đồng và MBB là 206,3 tỷ đồng.
Ngoài hai mã này, cũng phải kể đến một số mã ảnh hưởng tới chỉ số như STB (+4,0%), VPB (+3,9%), BID (+3,6%), TCB (+2,4%),…
Các mã này cũng đạt thanh khoản khá tốt như STB đạt 77,5 tỷ đồng, TCB 53 tỷ đồng, VCB 48,5 tỷ đồng,…
Sắc xanh lan tỏa trong nhóm Ngân hàng đã ảnh hưởng tốt tới chỉ số chuẩn.
Đà tăng của nhóm này có thể lý giải bởi kết quả kinh doanh quý IV/2018 tích cực.
Nhóm Dầu khí giao dịch có phần trái chiều khi PVS (+3,4%), PVD (+2,3%), GAS (+1,4%) đều đồng loạt xanh điểm, nhưng BSR (-9,0%), OIL (-1,4%) lại giảm điểm mạnh.
Trong nhóm bất động sản, VIC (+0,2%), NVL (+0,2%), VRE (+0,2%)… tiếp tục giữ được sắc xanh, VHM dừng ở mức giá tham chiếu,…
Trên hai sàn còn lại, HNX-Index tăng 1,78% đạt 103,37 điểm; UpCom tăng 0,21% đạt 53,37 điểm.
Với giao dịch NĐTNN, họ bán ròng 1,2 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 30,12 tỷ đồng. Trong đó, NĐTNN tập trung bán ròng các mã như VIC (-24 tỷ đồng), SSI (-14,4 tỷ đồng), VJC (-11,2 tỷ đồng), DXG (-9 tỷ đồng),…
Ở chiều ngược lại, họ tập trung mua ròng CTD (40,8 tỷ đồng), VHM (10,6 tỷ đồng), STB (10,5 tỷ đồng), POW (6,4 tỷ đồng),…
Tâm lý hưng phấn khi thị trường tăng điểm được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Cụ thể, hợp đồng VN30F1902 đã tăng 21 điểm và dừng ở mốc 862 điểm, qua đó đã kéo ‘basis’ với thị trường cơ sở thu hẹp về -2,1 điểm.
Thanh khoản Vn30F1902 cũng khá tốt với tổng khối lượng 124.449 hợp đồng và khối lượng mở (OI) đạt 21.429 hợp đồng.
Nhìn chung, vị thế long là vị thế chủ đạo.
3 Hợp đồng còn lại cũng đều đạt mức cao. Cụ thể, VN30F1903 tăng 20,8 điểm đạt 861,8 điểm; VN30F1906 tăng 19,5 điểm đạt 861 điểm và VN30F1909 tăng 18,5 điểm đạt 860 điểm.
‘Basis’ các hợp đồng này đều được kéo về từ -2,3 đến -4,1 điểm.