Lương thưởng tại Phố Wall trở lại thời đỉnh cao

Theo CafeF

Quý 1/2009, 6 ngân hàng lớn nhất Mỹ đã dành 36 tỷ USD để trả lương, thưởng cho nhân viên, xu thế này nếu kéo dài sẽ đưa mức lương thưởng trên phố Wall lên rất cao.

Năm 2009, người làm việc tại tổ chức tài chính lớn trên phố Wall nhiều khả năng sẽ lại nhận được mức lương cao như trước khi khủng hoảng tài chính bắt đầu bởi công việc kinh doanh ở thời điểm khởi đầu năm khá tốt.

Trong khi chính trường và dư luận Mỹ chỉ trích rằng các khoản lương thưởng ở nhiều ngân hàng đã nhận tiền thuế của dân đang ở mức quá cao, 6 ngân hàng lớn nhất Mỹ đã dành 36 tỷ USD để trả lương, thưởng cho nhân viên trong quý 1/2009.

Nếu tốc độ trả lương đó tiếp diễn, mức lương của nhiều nhân viên ngành tài chính, ngân hàng năm 2009 sẽ cao hơn rất nhiều so với mức thấp của năm 2008.

Bà Sandy Gross, đại diện của Pinetum Partners – môt công ty chuyên tuyển dụng nhân sự ngành tài chính, nhận xét: “Cách người ta nói về các khoản lương thưởng vẫn không thay đổi, những người đứng đầu phố Wall chỉ đang thực tế hơn, họ cần phải giữ được nguồn nhân lực tốt.”

Ông Brad Hintz, chuyên gia phân tích thuộc Sanford C. Bernstein, cho rằng :” Khi tình hình hồi phục, bạn sẽ thấy mặt bằng lương sẽ cao hơn.”

Tính tổng số, các ngân hàng cũng không cần thiết phải chi tiêu nhiều hơn cho các khoản thưởng bởi quy mô nhân sự của họ đã thu hẹp mạnh trong suốt 18 tháng qua. Mức lương trung bình những người chưa thuộc nhóm áp dụng chế tài hạ lương thưởng của chính phủ đang hồi phục.

Trong số ngân hàng nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ, Goldman Sachs tăng mức lương trung bình cho mỗi nhân viên lên cao nhất so với các ngân hàng khác. Năm 2008, Goldman hạ một nửa lương thưởng của nhân viên.

Tổng số tiền lương trả cho nhân viên chỉ trong quý 1/2009 đã lên tới 4,7 tỷ USD. Nếu mức lương đó được duy trì trong suốt năm 2009, một nhân viên của Goldman Sachs sẽ kiếm được 569.220USD – gần bằng kỷ lục về lương thưởng được thiết lập năm 2007.

Tại ngân hàng khác, mức lương thưởng tại các bộ phận không giống nhau. JP Morgan Chase trả cho nhân viên mức lương trung bình 138.234 USD. Tuy nhiên đối với bộ phận kinh doanh và đầu tư ngân hàng, nếu doanh thu tiếp tục đứng ở mức quý 1/2009 trong suốt khoảng thời gian còn lại của năm, nhân viên sẽ kiếm được trung bình 509.524 USD. Mức lương thưởng nhân viên bộ phận này ở JP Morgan Chase vào năm 2006 chỉ là 345.147USD.

Để làm dịu sự phẫn nộ trong chính trường và công luận Mỹ, nhiều ngân hàng đưa ra một số yêu cầu thu hồi thưởng từ nhân viên ở bộ phận kinh doanh thua lỗ. Hơn thế nữa, nhiều giám đốc điều hành tuyên bố nhân viên có tổng lương thưởng cao thường có phần lớn khoản thưởng là cổ phiếu, vì thế giá trị số cổ phiếu này sẽ giảm nếu tình hình kinh doanh của ngân hàng kém.

Mức thưởng quá cao được cho là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính bởi thưởng được tính theo lợi nhuận trong ngắn hạn dù số lợi nhuận đó sau này biến mất. Dù vậy khi lại kinh doanh có lãi trở lại, ngân hàng không lập tức thay đổi phần chia doanh thu dành cho các khoản thưởng.

Thông thường, với mỗi đồng USD doanh thu, ngân hàng đầu tư dành 50 cent trả lương cho nhân viên. Mức này thấp hơn ở các ngân hàng thương mại như JP Morgan Chase hay Bank of America bởi những ngân hàng này phải tuyển dụng nhiều nhân viên cho các chi nhánh.

Tiền trả cho nhân viên không thể được sử dụng để mở rộng công việc kinh doanh hay tăng cường hoạt động tín dụng. Một phần doanh thu hiện nay được các ngân hàng dùng để trả lại số tiền đã nhận từ chính phủ.

Phố Wall có truyền thống trả lương cao. Khi các ngân hàng đầu tư niêm yết trên sàn chứng khoán, một nửa doanh thu được dành trả lương cho nhân viên.

Luận điểm của bộ phận điều hành là mức lương như vậy sẽ giữ được nhân viên giỏi nhất, người sẽ giúp kiếm thêm nhiều tiền và như vậy có lợi cho cổ đông.

Một số cổ đông cho rằng doanh thu nên được phân bổ lại. Theo họ, cổ đông đã dành nhiều tiền làm nên ngân hàng, khi cổ phiếu đi xuống, họ chịu nhiều thiệt hại vì thế khi kinh doanh có lãi trở lại, tiền dành cho cổ đông nên được điều chỉnh tăng dưới hình thức tăng cổ tức.

Morgan Stanley thua lỗ 578 triệu USD trong quý 1/2009 nhưng lại dành ra tới 2,08 tỷ USD để trả các khoản lương thưởng. Số tiền này, dù thấp hơn so với Goldman Sachs, nhưng chiếm tới 68% doanh thu.

Giám đốc tài chính của Morgan Stanley, ông Colm Kelleher cho biết khoản lương thưởng trên được tính toán dựa trên kỳ vọng doanh thu cả năm chứ không phải chỉ riêng quý 1/2009. Và Morgan để chi phí lương thưởng như vậy là ở mức thấp bởi trong đó còn bao gồm một số khoản chi phí cố định.

Nếu cổ đông không chấp nhận chính sách lương thưởng tại ngân hàng, họ có thể bán cổ phiếu. Một số ngân hàng cắt giảm lương thưởng vào năm ngoái khi thua lỗ tăng cao. Và nay khi chính phủ hạn chế lương thưởng đối với đối tượng được trả lương cao nhất ngân hàng, nhiều ngân hàng đang chạy đua trả lại tiền của chính phủ càng sớm càng tốt.

Các ngân hàng đang sa thải bớt nhân viên để giữ được mức lương tốt cho những nhân viên ở lại. Citigroup từ đầu năm 2007 cho đến nay sa thải tới 65 nghìn nhân viên. Vì vậy mức lương những nhân viên còn làm việc ở Citigroup không thay đổi.