“Pháo đài mềm” chống lại bạo lực gia đình

Tùng Anh

Theo thống kê, năm 2014, TP. Hà Nội ghi nhận 331 vụ bạo lực gia đình. Sau 10 năm, con số này giảm còn 24 vụ.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội, công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại Thủ đô trong những năm qua có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ qua việc số vụ việc được phát hiện, xử lý giảm dần qua từng năm.

Đằng sau kết quả ấy là sự đồng lòng của hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, đặc biệt là những gia đình văn hóa tiêu biểu - những hạt nhân lan tỏa nếp sống văn minh, yêu thương trong cộng đồng.

Năm 2014, toàn Thành phố ghi nhận 331 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2024, con số này giảm còn 24 vụ. Tất cả nạn nhân đều được can thiệp, hỗ trợ kịp thời cả về y tế và tâm lý.

Với chủ đề Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương, Tháng Hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 vừa được TP. Hà Nội phát động bằng chuỗi hoạt động truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng. Có thể kể đến việc tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu, những tấm gương sáng trong xây dựng tổ ấm yêu thương – bởi thực tế cho thấy, những gia đình sống mẫu mực, có nếp sống văn hóa, ứng xử hài hòa thường không xảy ra bạo lực và góp phần lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng.

Hoặc cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, gia đình văn minh, hạnh phúc của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội hay chủ trương tích cực phát huy vai trò gương mẫu, giáo dục con cháu sống có trách nhiệm, góp phần xây dựng nếp sống văn minh của Hội Người cao tuổi Thành phố.

Cùng với sự chuyển biến từ cơ sở, việc hoàn thiện khung pháp lý đóng vai trò nền tảng. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 của Quốc hội đã cập nhật khái niệm toàn diện hơn về bạo lực trong gia đình, bao gồm cả thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế. Đồng thời, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ nạn nhân.

Thực thi Luật, tại Hà Nội, 100% quận, huyện, xã, phường đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo từng năm. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình yếu thế, phụ nữ đơn thân, nạn nhân bạo lực… được lồng ghép trong các chương trình an sinh xã hội, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.

“Phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân. TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, hoàn thiện chính sách, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, khuyến khích, tôn vinh các gia đình tiêu biểu, những nhân tố quan trọng tạo nên cộng đồng nhân văn, yêu thương.

Xây dựng gia đình văn hóa không chỉ góp phần ngăn ngừa bạo lực từ gốc, còn kiến tạo cộng đồng an toàn, phát triển bền vững. Mỗi tổ ấm yêu thương, mỗi gia đình nhân ái sẽ là một “pháo đài mềm” chống lại mọi biểu hiện tiêu cực, để xã hội Thủ đô ngày càng đáng sống hơn trong kỷ nguyên mới”, Ông Phạm Xuân Tài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội cho biết.