Lưu ý biến động của đồng Nhân dân tệ
Đầu năm nay, mặc dù FED tăng lãi suất nhưng tỷ giá không tăng vì nhiều đồng tiền khác trên thế giới cũng giảm tỷ giá so với USD. Nguyên nhân do các thị trường cũng đã dự báo được việc tăng lãi suất của FED nên đi trước một bước, chính vì vậy không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng giảm tỷ giá so với USD.
Gần đây, thị trường tiền tệ thế giới chịu tác động mạnh khi những căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gia tăng. Theo đó, giá trị đồng USD đã giảm mạnh so với một loạt ngoại tệ (USD/JPY giảm mạnh 2,27%, USD/EUR giảm 0,22%, USD/GBP giảm 1,24%, USD/CAD giảm 0,63%)…
Mặc dù USD yếu đi trên thị trường thế giới, song ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm thêm 9 đồng lên 22.320 VND/USD, tổng cộng tăng hơn 161 đồng, tương đương mức tăng 0,73% tính từ đầu năm. Hơn nữa, NHNN cũng quyết định nâng tỷ giá mua vào trên Sở giao dịch NHNN tăng 100 đồng lên 22.675 VND/USD vào ngày 11/4, lần tăng đầu tiên kể từ ngày 9/1/2017.
Với diễn biến này, người dân trong nước có thể nhận thấy tỷ giá thực tế đã đảo chiều tăng nhẹ sau 3 tuần giảm liên tiếp. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại tăng ngắn hạn khoảng 5-7 đồng và giá trị đồng ngoại tệ trên thị trường tự do cũng có mức tăng tương ứng.
Từ tình hình thực tế, nhiều cá nhân cũng như tổ chức đầu cơ ngoại tệ trong nước vẫn giữ quan điểm rằng đồng USD luôn là đồng tiền có thể đẻ ra lợi nhuận tốt và bền vững dù giá thế giới có giảm. Theo đó, họ vẫn không ngừng giữ tiền, gom tiền, thậm chí rút tiền gửi USD trong ngân hàng ra để chờ cơ hội giao dịch thuận tiện nhất.
Thế nhưng, đối với những nhà nghiên cứu chính sách, cung- cầu ngoại tệ đối với thị trường Việt Nam chưa thực sự phản ánh được hết giá trị thực của thị trường. Theo đó, người dân có tâm lý đầu cơ ngoại tệ cần phải cân nhắc ở rất nhiều khía cạnh.
Đơn cử, đánh giá về mục tiêu nâng tỷ giá trung tâm của NHNN gần đây trong khi giá USD trên thế giới liên tục giảm, một lãnh đạo thuộc Vụ Ngoại hối NHNN cho rằng, động thái nâng tỷ giá mua vào tại thời điểm ngày 11/4 đồng thời có ba tác dụng, gồm: chặn đà rơi của tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá giao dịch thực tế liên tục giảm; tăng cường dự trữ ngoại hối; tăng cung tiền VND giúp lãi suất hạ nhiệt. Điều này mang đến tác dụng cho thị trường là giảm đầu cơ, ổn định tỷ giá.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nói rằng, hoạt động đầu cơ USD cũng đã giảm nhiều từ khi NHNN áp dụng tỷ giá trung tâm. Nhìn lại diễn biến thị trường ngoại hối trong năm 2016, tỷ giá cũng diễn biến ổn định.
Đầu năm nay, mặc dù FED tăng lãi suất nhưng tỷ giá không tăng vì nhiều đồng tiền khác trên thế giới cũng giảm tỷ giá so với USD. Nguyên nhân do các thị trường cũng đã dự báo được việc tăng lãi suất của FED nên đi trước một bước, chính vì vậy không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng giảm tỷ giá so với USD. Điều này cũng làm giảm nhiệt rất nhiều trên thị trường ngoại hối Việt Nam, tạo ra tính ổn định hiện tại cho VND và giá USD còn đang ở mức thấp.
Một điểm đáng lưu ý nữa là trong quý I/2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, việc FED tăng lãi suất chưa gây áp lực đối với tỷ giá do hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND. Tuy nhiên, cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016. Một là do cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao (theo kế hoạch khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Trong quý I/2017 nguyên nhân chính biến động của tỷ giá chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh. Tính chung 3 tháng năm 2017, nhập siêu ước khoảng 1,9 tỷ USD, bằng khoảng 4,4 kim ngạch xuất khẩu. Hai là do cán cân vốn có thể chịu tác động khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.
Bên cạnh đó, về dài hạn, người thích đầu cơ ngoại tệ cần lưu ý biến động của đồng NDT. Bởi việc mất giá mạnh của đồng NDT sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013, lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016.