Lưu ý đặc biệt khi áp dụng mô hình cải tiến năng suất tổng thể

Tĩnh Đồng

Trung tâm của 4 trụ cột trong mô hình cải tiến năng suất tổng thể là con người. Đây là gợi ý quan trọng trong xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng tổng thể cho doanh nghiệp.

Các hoạt động cải tiến, quản trị thông qua ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là một bước tiến lớn. Ảnh: Internet
Các hoạt động cải tiến, quản trị thông qua ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là một bước tiến lớn. Ảnh: Internet

4 trụ cột chính

Với xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ mới, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các hoạt động cải tiến, quản trị thông qua ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là một bước tiến lớn; trong đó có việc áp dụng mô hình cải tiến năng suất tổng thể (TPM).

TPM dựa trên 4 trụ cột: Phát triển tổ chức định hướng khách hàng; liên tục cải tiến và đổi mới công nghệ; tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả; giảm lãng phí trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, trung tâm của 4 trụ cột này chính là con người. Đây là gợi ý quan trọng trong xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng tổng thể cho doanh nghiệp.

Yếu tố quan trọng đầu tiên là doanh nghiệp cần phải xác định chiến lược và mục tiêu sao cho phù hợp với môi trường kinh doanh hiện tại. Trong chiến lược năng suất phải bắt đầu với việc hiểu rõ ai là khách hàng của mình, họ cần gì, tại sao họ lại cần tới những sản phẩm đó, làm thế nào họ sử dụng được và với mức giá nào thì họ sẵn sàng chi trả để mua sản phẩm.

Những nhu cầu và mong muốn của khách hàng phải được xem xét khi sản xuất các sản phẩm và dịch vụ. Toàn bộ hệ thống hay quá trình sản xuất của doanh nghiệp cần phải gắn liền với mục tiêu chiến lược này.

Công nghệ và đổi mới cũng là hai yếu tố góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất. Trước khi áp dụng, các doanh nghiệp nên đưa công nghệ mới thích ứng với điều kiện địa phương, học hỏi từ sổ tay kỹ thuật, đào tạo, thuê chuyên gia công nghệ và quan sát vận hành tại phân xưởng. Hiệu quả của công nghệ cần được nghiên cứu để xây dựng phương pháp chuẩn. Công nghệ mới được khai thác đầy đủ chỉ khi kết hợp với phát triển sản phẩm.

Khi cấu trúc hiện tại của tổ chức dựa trên điều hành theo chức năng tạo ra các kết quả không như mong đợi thì tổ chức cần nghĩ tới việc tái cấu trúc lại quá trình.

Theo cấu trúc hệ thống dựa trên chức năng, một quá trình gồm tập hợp các công việc hoặc các hoạt động được phân khúc trong một cấu trúc theo chức năng. Khi đó, mỗi phòng ban sẽ chú ý hoàn thành các nhiệm vụ trong giới hạn chức năng của phòng ban đó mà không chú ý tới toàn bộ quá trình. Cách tư duy hướng vào chức năng như vậy sẽ dẫn đến ưu tiên các mục tiêu phụ mà không đạt được các kết quả chính yếu.

Mục tiêu cơ bản của quản lý theo quá trình là nhằm tạo ra một cách nhìn tổng thể về quá trình và liên kết toàn bộ các chuỗi hoạt động trong quá trình để tạo ra kết quả mong muốn (ví dụ sự thỏa mãn của khách hàng) một cách nhanh nhất...

Doanh nghiệp cải thiện năng suất ở nhiều công đoạn

Tại Công ty TNHH Nam Long (Đồng Nai), từ lâu lãnh đạo Công ty nhận thức rõ việc nâng cao năng suất để tiết giảm chi phí. Doanh nghiệp này đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và chuyển đổi sang phiên bản ISO 9001:2015 cũng như áp dụng 5S, LEAN. 

Sau đó, Công ty được các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam tư vấn và áp dụng TPM, giúp Công ty cải thiện năng suất ở nhiều công đoạn.

Đơn cử, khi áp dụng mô hình này, khu vực máy dán và đóng gói được cải tiến, bàn thao tác có độ cao bằng độ cao của máy dán. Thay vì ngồi như trước, công nhân được bố trí đứng thao tác, 1 máy dán sắp xếp 2 công nhân đóng gói, kỹ thuật đúng, thao tác nhanh hơn, năng suất tăng, quá trình cân bằng, không còn tồn bán thành phẩm.

Theo số liệu thống kê, năng suất lao động riêng ở bộ phận này đã tăng 1,7 lần (tăng 73%). Trước đây, để hoàn thành 80.000 đôi găng tay, công nhân phải mất 12 tiếng làm việc liên tục từ 6h sáng đến 6h tối. Sau cải tiến, tính đến tháng 9/2019, vẫn với số lượng lao động như vậy chỉ mất 10 tiếng để hoàn thành 115.000 đôi găng tay.

Lãnh đạo Công ty cho rằng, kết quả quan trọng là duy trì được thói quen cải tiến thường xuyên liên tục của tất cả người lao động. Từ đó tạo thành ý thức, ngấm vào máu của mỗi cá nhân, từ quyết tâm của người lãnh đạo đến ý chí từng nhân viên.