Cần nắm vững phương pháp khi áp dụng TPM

Cẩm An

TPM giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất thông qua loại bỏ lãng phí liên quan đến thiết bị và cải tiến chất lượng sản phẩm.

Mục tiêu của TPM là liên tục cải thiện hiệu quả của thiết bị thông qua việc thu hút những người có tác động đến nó trong các hoạt động cải tiến nhóm nhỏ.
Mục tiêu của TPM là liên tục cải thiện hiệu quả của thiết bị thông qua việc thu hút những người có tác động đến nó trong các hoạt động cải tiến nhóm nhỏ.

Duy trì năng suất tổng thể (TPM ) là một hệ thống duy trì và cải thiện tính toàn vẹn của hệ thống sản xuất, an toàn và chất lượng thông qua việc quản lý máy móc, thiết bị, quy trình và nhân viên… làm tăng giá trị kinh doanh cho một tổ chức.

Mục tiêu của TPM là liên tục cải thiện hiệu quả của thiết bị thông qua việc thu hút những người có tác động đến nó trong các hoạt động cải tiến nhóm nhỏ.

Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) và TPM được coi là các hoạt động chính của hệ thống quản lý chất lượng. Để TPM có hiệu quả, cần có sự hỗ trợ đầy đủ của toàn bộ lực lượng lao động. Điều này sẽ dẫn đến việc hoàn thành mục tiêu của TPM: "Nâng cao khối lượng sản xuất, tinh thần nhân viên và sự hài lòng trong công việc".

TPM giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất thông qua loại bỏ lãng phí liên quan đến thiết bị và cải tiến chất lượng sản phẩm, do đó mọi doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đều có thể triển khai áp dụng.

Trước khi hoàn thiện quá trình thực hiện TPM, doanh nghiệp cần tiến hành đào tạo nhằm cải thiện kỹ năng sản xuất và bảo dưỡng.

Theo các chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam, tại Nhật Bản các nhà máy sản xuất, đặc biệt là ngành thép và đồ điện tử thường trang bị cho công nhân những khóa huấn luyện kỹ thuật rất bài bản tại trung tâm đào tạo có hệ thống máy móc để thực hành.

Khóa đào tạo này dành cho cả người chuyên trách bảo dưỡng và vận hành máy móc thiết bị. Mỗi khóa đào tạo đều được thiết kế phù hợp với vị trí công việc và mức độ kỹ năng của người được đào tạo.

Khóa đào tạo cho người vận hành máy đôi khi do người bảo dưỡng giảng dạy và một vài phần trong chương trình đào tạo cho người chuyên trách bảo dưỡng lại do chính người vận hành máy giảng dạy. Sự luân phiên trong đào tạo này rất có ích cho sự phối hợp các công việc thực hiện TPM.

Công việc cuối cùng trong giai đoạn triển khai TPM tại doanh nghiệp là quản lý thiết bị mới.

Khi một thiết bị mới được lắp đặt, đôi khi hỏng hóc xảy ra ngay trong quá trình chạy thử và khởi động máy, cho dù trong suốt giai đoạn thiết kế, chế tạo và lắp đặt mọi việc đều diễn ra một cách êm xuôi. Đây cũng chính là cơ hội để bộ phận vận hành hiểu được rõ hơn cấu trúc và các dữ liệu kỹ thuật của thiết bị.

Những kiến thức về quản lý thiết bị mới chủ yếu do bộ phận chế tạo máy và bảo dưỡng cung cấp, bao gồm những hiểu biết về bảo dưỡng phòng ngừa. Hình thức đào tạo này được thực hiện thông qua các đợt tập dượt khác nhau.

Để đạt được kết quả tốt trong bảo dưỡng phòng ngừa, doanh nghiệp nên cho bộ phận vận hành máy sớm tham gia những đợt tập huấn từ khâu lập kế hoạch và thiết kế để quá trình chạy thử máy được tiến hành tại nơi sản xuất.

Bước cuối cùng trong chương trình áp dụng TPM tại doanh nghiệp là hoàn thiện quá trình triển khai TPM và đặt ra các mục tiêu cao hơn trong thời gian tiếp theo.

Khi các hoạt động TPM đã được thực hiện ổn định, thành quả do áp dụng TPM mang lại tiếp tục phát huy và nâng cao, doanh nghiệp nên dành thời gian tổng kết, đánh giá lại công việc đã làm. Hoạt động này giúp doanh nghiệp phổ biến, thúc đẩy mạnh mẽ việc duy trì thực hiện TPM.