Lưu ý khi giao dịch ngày Tết để tránh bị mất tiền

Thái Tuấn

Trong Tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch ngân hàng trực tuyến và rút tiền tại cây ATM tăng cao kéo theo tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến cũng ngày một phức tạp.

Cẩn trọng khi rút tiền tại cây ATM

Chi hội Thẻ Ngân hàng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đã gửi văn bản yêu cầu các ngân hàng thành viên tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống ATM, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt và hiệu quả.

Chi hội Thẻ cho biết, gần đây, một số ngân hàng đã ghi nhận các vụ phá hoại ATM bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Đối tượng xấu thường dùng keo dán hoặc băng dính để che camera, sau đó đập phá máy hoặc dùng dụng cụ khò két tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các thiết bị skimming được lắp đặt để đánh cắp dữ liệu thẻ cũng là mối nguy lớn.

Một đối tượng nước ngoài sử dụng công nghệ cao trộm tiền trong tài khoản bị Công an bắt quả tang. 
Một đối tượng nước ngoài sử dụng công nghệ cao trộm tiền trong tài khoản bị Công an bắt quả tang. 

Các thiết bị skimming này có thể được gắn tại đầu đọc thẻ, bàn phím, vỏ ốp màn hình ATM hoặc camera siêu nhỏ để sao chép thông tin giao dịch. Kẻ gian thậm chí sử dụng mũi khoan nhỏ để lắp đặt các thiết bị này mà không gây chú ý.

Do đó, khách hàng khi giao dịch tại ATM cần kiểm tra kỹ khu vực đầu đọc thẻ, bàn phím, vỏ ốp xung quanh màn hình và các thiết bị bảo vệ khác. Nếu phát hiện thiết bị bất thường, khách hàng nên dừng giao dịch ngay và báo cáo với chi nhánh hoặc phòng giao dịch ngân hàng gần nhất.

Các ngân hàng cảnh báo khách hàng cần hết sức cảnh giác trước các trường hợp lừa đảo đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng như: thẻ giao dịch tại máy ATM hoặc POS bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ; thẻ bị mất cắp thất lạc, bị sử dụng trái phép; thẻ bị đánh cắp thông tin bởi nhân viên thu ngân tại các đơn vị chấp nhận thẻ; thẻ giao dịch tại các website hoặc ứng dụng không an toàn; cài đặt các phần mềm độc hại trên thiết bị di động có quyền truy cập và đánh cắp dữ liệu...

Không chia sẻ thông tin cá nhân, mã OTP

Gần đây, các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dùng cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo "cuỗm" tiền trong tài khoản.

Vietcombank cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khách hàng cài đặt app giả mạo ứng dụng của các cơ quan Nhà nước như app giả mạo Dịch vụ công, Cơ quan thuế, VNeID... Sau khi các ứng dụng giả mạo được cài đặt, kẻ gian sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Người dân cần cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo bằng mã QR độc hại.
Người dân cần cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo bằng mã QR độc hại.

Kẻ gian còn mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để "xác minh"; gọi điện thông báo trúng thưởng hoặc nhận quà khuyến mãi, yêu cầu chuyển khoản phí...

Đáng chú ý, nhiều khách hàng gần đây phản ánh việc nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng qua SMS hoặc các mạng xã hội như Facebook, Zalo..., thông báo tài khoản "bị khóa" hoặc "có giao dịch bất thường". Nếu nhấp vào đường link trong tin nhắn và nhập thông tin đăng nhập, mã OTP, khách hàng có nguy cơ mất toàn bộ tiền trong tài khoản.

Để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân, các ngân hàng lưu ý khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai; tránh nhấp vào các đường link lạ trong tin nhắn hoặc email; sử dụng ứng dụng ngân hàng chính thức để kiểm tra tài khoản thay vì tìm kiếm qua các nguồn không đáng tin cậy; kích hoạt các tính năng bảo mật nâng cao, chẳng hạn như xác thực hai lớp.

Đồng thời, khách hàng cần bảo quản cẩn thận thẻ vật lý, số thẻ và bảo mật mã số PIN, các mã số xác nhận giao dịch (CVC2 và OTP); thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch, biến động số dư để kịp thời phát hiện giao dịch gian lận nếu có; khóa thẻ ngay lập tức khi phát hiện mất thẻ hoặc thấy nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin, bị lợi dụng.