Lý do đồng USD duy trì ở ngưỡng cao


Chỉ số đồng USD đã tăng hơn 4% trong năm nay, phản ánh cho chênh lệch tăng trưởng giữa Mỹ và nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Các thị trường tài chính toàn cầu hiện đang đương đầu với một thực tế mà họ không kỳ vọng đến trước đây: đồng USD mạnh đang trở lại và nhiều khả năng sẽ duy trì ở ngưỡng này.

Vào đầu năm nay, các chuyên gia đã đồng loạt dự báo về khả năng đồng USD sẽ giảm giá, tuy nhiên, cuối cùng nhà đầu tư đã phải thay đổi quan điểm khi kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng và lạm phát dai dẳng khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc hạ lãi suất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sản lượng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế còn lại trong nhóm G7, yếu tố này đã giúp cổ phiếu và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, sức hấp dẫn của đồng USD nhờ vậy tăng lên. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đồng tiền này được coi như công cụ đầu tư an toàn.

Chỉ số đồng USD đã tăng hơn 4% trong năm nay, phản ánh cho chênh lệch tăng trưởng giữa Mỹ và nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa từng bi quan ở thời điểm đầu của năm, tuy nhiên sau đó đã lên ngưỡng cao nhất từ năm 2019, theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).

Một trong những quỹ đang phải điều chỉnh lại chiến lược của họ với đồng USD chính là Quỹ Vanguard Group lớn thứ hai thế giới.

Đại diện Vanguard Group tin rằng, đồng USD sẽ không ngừng tăng giá dù rằng đã tăng đến 20%. Viện Đầu tư Wells Fargo giờ đây dự báo đồng USD sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2025.

Sự tăng giá của đồng USD có nguyên nhân trực tiếp từ nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ vượt qua khoảng thời gian suy giảm sớm hơn so với nhiều người kỳ vọng.

Thị trường lao động tiếp tục thiếu nhân lực, sản xuất tăng trưởng. Lạm phát cao dai dẳng đã khiến Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách phải cần thêm thời gian để hạ lãi suất.

Chủ tịch Fed tại New York, ông John Williams, thậm chí đã nói đến khả năng có thể sẽ nâng lãi suất trở lại nếu cần thiết.

Chuyên gia quản lý quỹ tại Gama Asset Management SA, ông Rajeev De Mello, cho biết: “Ở thời điểm đầu năm, tôi từng nghĩ đồng USD sẽ có diễn biến suy giảm, tuy nhiên cuối cùng điều này không diễn ra. Những tuyên bố của ông Powell đã thay đổi điều này”.

Ngân hàng trung ương tại nhiều nước phát triển như Australia, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh sẽ gặp hạn chế trong việc hạ lãi suất bởi tỷ giá thấp sẽ có thể tạo ra lạm phát nội địa cao. Nhóm nước vay nợ nước ngoài nhiều ví như Maldives hay Bolivia và những nước phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu Mỹ có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Trái ngược với những kỳ vọng giảm dần về khả năng Fed hạ lãi suất, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – bà Christine Lagarde đã nói đến việc các nhà hoạch định chính sách có thể đang ở trong trạng thái sẵn sàng hạ lãi suất trong tháng 6/2024.

Trong khi đó, Nhật vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm để ngăn đồng yên sụt giá. Đồng yên hiện đang giao dịch ở mốc thấp nhất trong 34 năm.

Một yếu tố khác hỗ trợ quan trọng cho tỷ giá đồng USD chính là việc nhiều nhà đầu tư tìm đến đồng tiền này trong bối cảnh biến động chính trị và tài chính dâng cao.

Vị thế đồng tiền an toàn của đồng USD ngày càng được củng cố vững chắc hơn, đặc biệt là sau khi Israel tấn công đáp trả Iran chỉ một tuần sau các vụ tấn công của Tehran.

Theo Đăng Tuấn/thitruongtaichinhtiente.vn