“Make in India” vây Trung Quốc
Sau hai năm khởi động, chính sách “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi nhằm tăng thị phần của lĩnh vực sản xuất từ 16% lên 25%, tạo ra 100 triệu việc làm vào năm 2022 đã bước đầu thu được những kết quả tích cực. Và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có lý do để lo ngại khi nước láng giềng Nam Á đang ngày càng lấn sân.
Những trái ngọt đầu mùa
Trong bối cảnh vẫn coi Nam Á là điểm nóng tăng trưởng toàn cầu, Ngân hàng Thế giới cho rằng, GDP của Ấn Độ sẽ vẫn tăng trưởng mạnh, đạt mức 7,6% trong năm 2016 và 7,7% trong năm 2017. Thực tế, trong năm tài chính 2015 (kết thúc vào tháng 3/2016), kinh tế nước này đã tăng trưởng 7,6%, cao hơn mức tăng 7,2% của năm trước đó, đưa Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đáng chú ý là, lĩnh vực chế tạo tăng 9,3%, so với mức tăng 5,5% của năm trước đó. Riêng trong tháng 9 vừa qua, đơn đặt hàng các sản phẩm tại Ấn Độ tăng với tỷ lệ cao nhất trong vòng 14 tháng.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã chứng kiến mức tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao kỷ lục là 53% trong 2 năm qua. Môi trường đầu tư ở Ấn Độ “sáng sủa” hơn nhờ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, bình ổn giá cả và sự thận trọng trong chính sách tài khóa giúp cải thiện sự ổn định nền kinh tế vĩ mô nói chung.
Dù chỉ là một “đợt sóng” nhẹ, nhưng chương trình Make in India, nhằm thu hút, đã kéo được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn, hãng điện thoại Huawei vừa khánh thành một cơ sở sản xuất tại miền Nam Ấn Độ với tham vọng sản xuất 3 triệu chiếc điện thoại vào năm 2017.
Năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư vào Ấn Độ gấp 6 lần so với năm 2014, với số vốn 870 triệu USD. Rõ ràng, đất nước gấu trúc không muốn để bị chậm chân so với rất nhiều tập đoàn điện tử tin học quốc tế như GE, Siemen, Vodafone, Google hay Microsoft.
Bắc Kinh đau đầu
Theo giới phân tích, chính sách Make in India của Thủ tướng Modi nhằm hai mục tiêu lớn - thúc đẩy kinh tế và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Nhờ đó, New Delhi đồng thời dịch chuyển chính sách đối ngoại từ quan sát sang hành động - từ thụ động sang chủ động.
Cụ thể, Thủ tướng Modi sử dụng chiến lược thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để kết nối Ấn Độ với khu vực xung quanh, chủ động tìm kiếm các cơ hội phát triển hạ tầng với các đối tác bên ngoài, cả cũ lẫn mới. Và quan trọng hơn là các đối tác đó cũng ít nhiều liên quan tới Trung Quốc.
Điều đó cho thấy sự cạnh tranh giữa hai bên không đơn giản. Mặc dù mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế tốt hơn với Bắc Kinh, song ông Modi cũng nhận thức được sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng tại khu vực Ấn Độ Dương.
Tại châu Phi, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 75 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2015. Kinh tế, thương mại, đầu tư và an ninh hàng hải là những lĩnh vực ưu tiên.
Mối quan hệ này không chỉ được thúc đẩy bởi sự hội tụ của các lợi ích song phương mà còn bởi những tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đây.
Đất nước đông dân nhì thế giới cũng hướng tới Trung Á thông qua ký kết Thỏa thuận Chabahar với Iran nhằm hồi sinh Chính sách Kết nối Trung Á của Ấn Độ, mở thêm nhiều tuyến đường giao thương qua Pakistan.
Những thỏa thuận đó không chỉ giúp Ấn Độ tiếp cận các nền cộng hòa Trung Á mà còn cho phép các quốc gia này tiếp cận cảng Chabahar để thúc đẩy tối đa các lợi ích kinh tế. Đó chính là cơ hội để New Delhi phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc ở Trung Á.
Với Đông Nam Á, Ấn Độ cũng có những chuyển động lớn. Trên mặt trận kinh tế, sự gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và ASEAN là đáng chú ý. Hiện ASEAN chiếm vị trí thứ 4 trong tổng kim ngạch ngoại thương của Ấn Độ.
Về địa chính trị, Ấn Độ đã cố gắng chứng minh khả năng có thể đóng vai trò năng động trong khu vực như gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc bằng cách đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông trong Tuyên bố chung Ấn - Mỹ của Thủ tướng Modi hồi năm 2014.
Với châu Âu và Mỹ, Ấn Độ tô đậm quan hệ bằng những hợp đồng khí tài quân sự lớn và thỏa thuận hạt nhân dân sự cũng như hợp tác hành động trên Ấn Độ Dương.
Những diễn biến trên được nhận định là sự dịch chuyển trong chính sách không liên kết của Ấn Độ. Nó thực sự cần thiết để giúp nước này đóng vai trò chủ động hơn trong việc hình thành kiến trúc an ninh của khu vực.