Ấn Độ tăng 16 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia
Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Ấn Độ đã tăng 16 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đây là mức tăng lớn nhất của một nền kinh tế trong bảng xếp hạng của WEF năm nay, cho thấy những cải tổ về chính sách và thể chế của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã phát huy tác dụng.
Trong tổng số 138 nước có mặt trong danh sách xếp hạng, Ấn Độ đứng thứ 39, thứ hạng cao nhất từ trước đến nay, tăng 16 bậc so với năm trước và tăng 32 bậc so với năm 2014 - 2015. Các năm trước Ấn Độ xếp ở các vị trí tương ứng là 55 và 71.
Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính (i) Yêu cầu cơ bản có 4 tiêu chí: thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, giáo dục và y tế cơ bản; (ii) các yếu tố nâng cao hiệu suất có 6 tiêu chí gồm: giáo dục và đào tạo bậc cao, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, độ hiệu quả trên thị trường lao động, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường và (iii) các yếu tố về sáng tạo và tinh tế chỉ có 2 tiêu chí: sự tinh tế của doanh nghiệp và tính sáng tạo.
Trong 12 tiêu chí đánh giá, quy mô thị trường đứng thứ 3 trên toàn cầu với 6,4 trong thang điểm 7 và nhóm về các yếu tố sáng tạo và tinh tế đứng thứ 30.
Về các yếu tố cơ bản, Ấn Độ đã tăng 17 bậc từ vị trí 80 của năm ngoái lên 63, trong đó về thể chế tăng từ vị trí 60 lên vị trí thứ 42 nhờ có sự cải thiện tích cực về quỹ công cộng và khoản thanh toán không thường xuyên, giảm tình trạng tham nhũng, tính hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp, minh bạch hóa chế độ báo cáo và kiểm toán, cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ.
Ba nền kinh tế dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong báo cáo lần này của WEF không thay đổi so với lần xếp hạng trước. Đứng đầu là Thụy Sỹ, đây là năm thứ 8 liên tiếp Thụy Sỹ xếp ở vị trí đứng đầu, tiếp đến là Singapore và Mỹ. Vị trí thứ 4 và 5 đã có sự hoán đổi so với năm trước, Hà Lan năm ngoái đứng thứ 5, năm nay tăng lên vị trí thứ tư, đẩy Đức từ vị trí thứ tư trong xếp hạng năm ngoái xuống thứ 5. Trong top 10 của xếp hạng còn có sự góp mặt của Thụy Điển, Anh, Nhật Bản, Hong Kong, và Phần Lan. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 28.
Cũng trong bản công bố này, Việt Nam đã bị tụt 4 bậc so với năm trước. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 60 so với thứ hạng 56 của năm trước. Điểm số của 3 nhóm tiêu chí của Việt Nam là 4,3; 4,1 và 3,5 trên thang điểm 7 của WEF.