Ngân hàng quốc doanh mua cổ phần thoái vốn:

"Mạng nhện" sở hữu chéo có rối thêm?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo Nghị quyết số 15 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước có thể tham gia mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành tại công ty tài chính, ngân hàng của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cơ chế này sẽ "gỡ bí" đầu ra cho các DNNN cần thoái vốn ngay. Nhưng còn các ngân hàng, liệu có làm rối thêm "mạng nhện" sở hữu chéo đang rất phức tạp?

Hiện nay, bốn "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV có khả năng sẽ phải "ôm" phần vốn thoái ra của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Lâu nay, các nhà băng này đều có công ty tài chính riêng, hoặc góp vốn đầu tư tại một hoặc nhiều NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh nước ngoài…

Việc mua thêm cổ phần tại ngân hàng, công ty tài chính từ các đợt thoái vốn của DN, trong tình thế "tự nguyện" hoặc "được giao nhiệm vụ" có thể tạo thêm nhiều áp lực cho ngân hàng.

Ngân hàng "ôm"… vốn ế

Trong nỗ lực đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành, Nghị quyết số 15 của Chính phủ đã mở ra một "lối thoát" cho việc bán cổ phần, thoái vốn bị "ách tắc" do thị trường khó khăn. Đó là, giao cho các ngân hàng quốc doanh mua lại phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào ngân hàng, công ty tài chính. Hoặc chuyển phần vốn này cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đại diện chủ sở hữu vốn.

Có nghĩa, Vietcombank, BIDV, Vietinbank… có thể sẽ phải đứng ra "ôm" lại cổ phần của một số ngân hàng, công ty tài chính, nếu DNNN không tìm được nhà đầu tư (NĐT) phù hợp để chuyển nhượng vốn. Thời hạn thoái vốn đến năm 2015 đã cận kề, nhưng vẫn còn nhiều khoản đầu tư ngoài ngành ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính của PVN, EVN, Vinacomin... chưa thể rút vốn được.

Chẳng hạn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện còn sở hữu 20% vốn của Oceanbank và 52% vốn của PVcombank. Theo kế hoạch, đến năm 2015, PVN sẽ phải rút hết vốn khỏi Oceanbank và giảm tỷ lệ sở hữu PVcombank xuống dưới 20%. Nếu cứ viện lý do "chờ thời điểm thích hợp" để trì hoãn việc thoái vốn thì kế hoạch tái cơ cấu của PVN sẽ không được bảo đảm.

Hay trường hợp khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, cuối năm 2013, mới bán được 25,2 triệu cổ phần tại Ngân hàng An Bình sau 3 lần đấu giá. Thời điểm đó, EVN cũng không được phép bán vốn cho NĐT nước ngoài vì "room" cho khối ngoại tại AnBinhbank đã kịch trần.

Nhưng hiện tại, chiếu theo Nghị quyết 15, EVN có thể chào bán số cổ phần này cho 4 NHTM quốc doanh, chẳng hạn như Vietcombank, đối tác đang có quan hệ tín dụng thân thiết. Vấn đề là mức giá bán cổ phần hợp lý và bảo đảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng (một tổ chức sở hữu tối đa không vượt quá 15% vốn của ngân hàng).

"Mạng nhện" sở hữu chéo có rối thêm? - Ảnh 1

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc giao cho các ngân hàng quốc doanh đứng ra mua lại phần vốn đầu tư tại ngân hàng, công ty tài chính của DNNN là phương án khả thi. Song về mặt thị trường, ông Hiếu lo ngại tình hình sở hữu chéo ngân hàng sẽ phức tạp hơn. Một số quy định để ngăn chặn sở hữu chéo giữa các ngân hàng sẽ là rào cản lớn cho vấn đề thoái vốn khỏi ngân hàng của DNNN.

Sở hữu chéo phức tạp

Đơn cử, như trường hợp EVN bán cổ phần sở hữu tại Ngân hàng An Bình. Nếu An Bình đang có cổ phần tại 1 hoặc 4 ngân hàng quốc doanh thì EVN không được phép bán cổ phần An Bình cho các ngân hàng này. Vì quy định hiện hành không cho phép các ngân hàng mua cổ phần lẫn nhau, nhằm ngăn chặn sở hữu chéo.

Theo tìm hiểu, một số ngân hàng quốc doanh đã sở hữu cổ phần tại 1 hoặc nhiều NHTM, công ty tài chính khác. Điển hình là Vietcombank đã góp vốn tại 5 ngân hàng, công ty tài chính.

Cụ thể, Báo cáo tài chính năm 2013 cho thấy Vietcombank nắm giữ 9,79% vốn của Ngân hàng Quân Đội - MB bank (trị giá 1.142 tỷ đồng); 8,19% vốn của Eximbank; 5,06% vốn của Ngân hàng Phương Đông và 4,3% vốn của Ngân hàng Sài Gòn Công thương.

Tổng giá trị cổ phần trên sổ sách mà Vietcombank đầu tư vào các ngân hàng là trên 1.993 tỷ đồng. Và, Vietcombank cũng sở hữu 10,91% vốn của Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (sở hữu 10,91%).

Việc ngân hàng quốc doanh đã sở hữu vốn của nhiều NHTM, giờ mua thêm phần vốn ngân hàng của DNNN thoái ra, ông Hiếu cho rằng "chắc chắn sẽ tạo áp lực cho chính ngân hàng và tăng sự phức tạp của tình hình sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng".

Hơn nữa, "việc mua cổ phần của ngân hàng phải phù hợp với chiến lược của các ngân hàng quốc doanh, chứ không phải cứ thừa tiền là mua hoặc mua cổ phần theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Hiếu nói.

Vấn đề bảo đảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngân hàng khi mua cũng cần được tuân thủ. Bởi hiện có trường hợp, như PVN đang sở hữu trên 20% vốn của Oceanbank, thì 1 tổ chức không được phép mua hết số cổ phần này.

Một giải pháp được đưa ra, là các ngân hàng quốc doanh có thể bàn bạc, chia nhau mua phần vốn này để bảo đảm tỷ lệ sở hữu của mỗi tổ chức không vượt quy định.

Nhưng việc "hợp sức" của 2 hay nhiều ngân hàng quốc doanh, trong nhiều trường hợp đặc biệt cần có sự điều phối của Bộ Tài chính, NHNN và Chính phủ.