Manh nha tín hiệu đảo chiều của dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán?


Mặc dù giao dịch vẫn kém tích cực, nhưng quy mô bán ròng của khối ngoại đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Trường hợp việc nâng hạng thị trường được diễn ra sẽ chứng kiến dòng vốn mới cực lớn từ các quỹ quy mô lớn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quy mô bán ròng của khối ngoại đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.
Quy mô bán ròng của khối ngoại đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.

Theo thống kê, 8 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng giá trị gần 2,5 tỷ USD (khoảng 62.000 tỷ đồng), mức cao kỷ lục trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trước đó, khối này chỉ bán ròng 3,5 tỷ đồng trong năm 2023.

Bán ròng có dấu hiệu giảm tốc

Giới phân tích cho rằng khối ngoại bán ròng đến từ rất nhiều yếu tố như rủi ro địa chính trị thế giới, Cục Dự trự Liên ban Mỹ (Fed) vẫn đang duy trì mặt bằng lãi suất cao kỷ lục, rủi ro tỷ giá....

Mặc dù giao dịch của khối ngoại vẫn kém tích cực, tuy nhiên dưới góc độ tích cực, quy mô bán ròng của khối này đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8/2024 đạt trên 78.746 tỷ đồng, chiếm hơn 10,86% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Trong đó, khối này bán ròng hơn 3.278 tỷ đồng, giảm mạnh so với tháng 7 (nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.229 tỷ đồng).

Trước đó, sàn HoSE ghi nhận sự rút ròng mạnh của khối ngoại. Tháng 6/2024, nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 14.344 tỷ đồng; tháng 5 là hơn 14.834 tỷ đồng.

Sự giảm tốc rút ròng của khối ngoại thể hiện qua cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Theo SSI Research, các quỹ ETF duy trì đà rút vốn liên tục từ đầu năm 2024, tuy nhiên xu hướng đang giảm dần theo tháng. Giá trị rút vốn trong tháng 8 ghi nhận ở mức 2.140 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2 tháng liền trước. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 20.550 tỷ đồng, tương đương giảm 27,1% tổng tài sản vào cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 60.480 tỷ đồng.

Áp lực rút vốn tập trung nhiều nhất ở Quỹ Fubon (975 tỷ đồng), quỹ này đã bị rút ròng mạnh trong 4 tháng liên tiếp, đưa tổng giá trị rút ròng từ đầu năm 2024 lên 4.500 tỷ đồng (21,9% tổng tài sản). Phần lớn việc rút ròng đến từ kết quả kém tích cực của Fubon Vietnam ETF.

Quỹ DCVFM VN30 đảo chiều sang rút ròng 377 tỷ đồng trong tháng 8, trong đó riêng nhà đầu tư Thái Lan rút ròng 13,5 triệu chứng chỉ quỹ. Quỹ DCVFM VNDiamond cũng bị rút ròng 169 tỷ đồng, tuy nhiên lực rút đã giảm đáng kể so với tháng trước. Nhiều quỹ ngoại cũng bị rút vốn trong tháng, như VanEck (169 tỷ đồng), Premia (263 tỷ đồng), CSOP (77 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, Quỹ Xtrackers FTSE bất ngờ đảo chiều vào ròng với giá trị 105 tỷ đồng; KIM Growth VN30 (+78 tỷ đồng).

Đối với dòng tiền từ các quỹ chủ động, xu hướng bán ròng vẫn là chủ đạo nhưng với tốc độ chậm hơn. Thống kê của SSI cho thấy, các quỹ chủ động vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 8, với tốc độ hạ nhiệt hơn so với tháng 7, phần lớn đến từ việc chững lại từ nhóm quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam. Tính chung, dòng tiền rút khoảng 1.300 tỷ đồng trong tháng 8, giảm nhẹ so với mức 1.400 tỷ đồng trong tháng 7 và đưa tổng mức rút ròng kể từ đầu năm lên khoảng 9.000 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng tài sản quỹ.

Chờ đợi nâng hạng để dòng vốn ngoại thực sự đổi chiều

Các chuyên gia của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng giá trị bán ròng của khối ngoại đã giảm mạnh trong tháng 8 và được kỳ vọng tiếp tục giảm trong các tháng tới, khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt và Fed có thể bắt đầu quá trình hạ lãi suất từ tháng 9. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; nền kinh tế toàn cầu chậm lại là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường.

Dù vậy, dưới góc độ tích cực, SSI Research nhận định dòng tiền của khối ngoại có tín hiệu ban đầu tái cơ cấu lại. Nhóm thép đang chịu áp lực bán ròng sau giai đoạn được mua ròng mạnh trong năm 2023. Ngược lại, các nhóm tiêu dùng bao gồm bán lẻ và thực phẩm đang được duy trì mua ròng tích cực sau khi bị bán ròng nhiều trong năm trước; trong khi đó, cường độ bán ròng ở nhóm bất động sản đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Đáng chú ý, trong thời gian tới, Thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay sẽ được ban hành (kỳ vọng trong tháng 9) và sớm được triển khai trong quý IV/2024.

Nhóm phân tích cho rằng yếu tố này là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Đây cũng sẽ là một giải pháp giúp các quỹ đầu tư nước ngoài có thể xem xét giải ngân trở lại thị trường Việt Nam, bên cạnh việc luân chuyển dòng tiền đầu tư sang thị trường mới nổi trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt.

Gần nhất, nhiều ý kiến nhận định nếu việc nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging) được diễn ra (kỳ vọng trong tháng 10 năm nay), thị trường sẽ chứng kiến dòng vốn mới cực lớn từ các quỹ Emerging Market đổ vào Việt Nam, các quỹ này có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các quỹ cận biên.

Với việc thị trường nâng hạng, nhóm cổ phiếu được kỳ vọng tăng giá có thể kể đến là ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng và tài chính – ngân hàng. Bởi, đây là những nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao và quy mô vốn hóa lớn, các cổ phiếu top đầu đều thuộc VN30.

Các đại diện hàng đầu cho các nhóm ngành trên có thể kể đến như MWG, MSN, VNM, VCB, CTG, BID, VPB.

Lịch sử đã chứng minh các cổ phiếu thuộc những nhóm ngành này thường xuyên kín "room ngoại" và các quỹ phải "sang tay" nhau với mức chênh lệch rất cao. Việc các cổ phiếu trong các nhóm ngành này hiện đang được giao dịch ở mức giá dưới giá trị thật mở ra cơ hội đầu tư rất hấp dẫn trong những tháng cuối năm 2024 và cho cả năm 2025.

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn