Mạnh tay với tội phạm ngân hàng

PV.

(Tài chính) Thời gian qua, tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng có những diễn biến phức tạp. Trong năm 2014, không ít lãnh đạo ngân hàng dính vòng lao lý vì những sai phạm trong thời gian đương chức. Có thể nói, tình trạng tội phạm kinh tế, tài chính, ngân hàng đã và đang gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng, đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính - tiền tệ.

Tích cực đấu tranh với tội phạm ngân hàng

Theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố các vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điển hình như vụ vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Bình Chánh – TP. Hồ Chí Minh, gây thiệt hại 410 tỷ đồng. Các cuộc thanh kiểm tra của ngành Thanh tra và Kiểm toán cũng đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng với số tiền vi phạm là 917.161 triệu đồng, đã thu hồi 23.480 triệu đồng, xử lý cán bộ 71 người... Riêng từ đầu năm đến nay, theo Bộ Công an, lực lượng công an đã phát hiện 891 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, tội phạm về chức vụ (tăng 583 vụ so với năm 2011), với 1.936 tội phạm (tăng gần gấp đôi so với năm 2011)…

Năm 2014, không ít lãnh đạo ngân hàng cũng đã dính vòng lao lý vì những sai phạm trong thời gian đương chức. Ngày 29/7, ông Phạm Công Danh – Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam cùng nguyên tổng giám đốc Phan Thành Mai và thành viên Hội đồng quản trị phụ trách tài chính Mai Hữu Khương bị bắt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Ủy ban Tín dụng, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương vì liên quan đến vay khoảng 500 tỷ đồng sai quy định, dẫn đến hậu quả mất khả năng thanh toán. Hay như hiện nay, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm sắp kết thúc, trong đó Nguyễn Đức Kiên bị quy kết với 4 tội danh gồm: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trước những diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, từ năm 2012, cơ quan này đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, vi phạm pháp luật như: Đổi mới và tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để phát hiện và xử lý các vi phạm; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công an trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tội phạm…

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Công an và các cơ quan chức năng, nhiều vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng được phát hiện và xử lý nghiêm minh, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực tiền tệ. Đối với những cá nhân có sai phạm trong ngành Ngân hàng, NHNN đã xử lý và yêu cầu các TCTD có biện pháp xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.

Những vụ việc có dấu hiệu hình sự được NHNN kịp thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật. NHNN thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm từ những vụ việc đã xảy ra, đề xuất việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để có những biện pháp hiệu quả và kịp thời hơn nữa trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng…

5 nguyên nhân chính

Ngày 4/12, trong văn bản về ý kiến trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn (tỉnh Tiền Giang) liên quan đến sai phạm trong ngành ngân hàng được Văn phòng Quốc hội chuyển đến NHNN ngày 19/11, đã chỉ ra những nguyên nhân chính:

Một là, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ với một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho TCTD.

Hai là, do thời kỳ trước năm 2011, các TCTD chạy theo mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư lớn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, đầu tư tài chính, vi phạm các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng và các quy định an toàn hoạt động ngân hàng.

Ba là, hoạt động ngân hàng phát triển nhanh, đa dạng và phức tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hiện đại hóa công nghệ, tình hình tham nhũng và tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi đó việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý còn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Công tác thanh tra, giám sát còn nhiều bất cập, hạn chế.

Bốn là, một bộ phận cán bộ ngân hàng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ có nơi có lúc còn làm chưa tốt dẫn đến sai phạm. Tại một số đơn vị ngân hàng, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự quan tâm và triển khai quyết liệt những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm một cách có hiệu quả.

Năm là, hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD còn yếu, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Một số TCTD hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan. Các khoản cho vay, đầu tư đối với cổ đông lớn và người có liên quan thường rất lớn (vượt giới hạn an toàn) và rủi ro cao cho TCTD. Những sai phạm xảy ra ở một số TCTD còn do hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, lãnh đạo của TCTD buông lỏng quản lý, các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ ngân hàng có nhiều bất cập, sơ hở, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền...

Giải pháp chống tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng

Trong báo cáo trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, tội phạm lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang “nổi lên” với nhiều thủ đoạn tinh vi như làm hồ sơ giả, móc nối với cán bộ ngân hàng để chiếm đoạt, huy động vốn của nhiều doanh nghiệp. Lãnh đạo Ngân hàng buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý đối với cán bộ, nhân viên và các bộ phận liên quan, đơn vị chi nhánh trực thuộc. Các đối tượng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao dùng các thủ đoạn như: thu nợ nhưng không nhập quỹ hoặc tự làm hồ sơ khống sổ tiết kiệm của khách hàng để rút tiền chiếm đoạt tiêu xài cá nhân hoặc dùng hồ sơ của khách hàng đáo hạn để làm hồ sơ giả bằng cách giả chữ ký của người vay, sửa số chứng minh nhân dân, sửa giấy đăng ký giao dịch…. sau đó giả chữ ký khách hàng nhận tiền vay để rút tiền chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước trong một thời gian dài.

Trước tình hình này, trong thời gian tới, theo NHNN, cơ quan này sẽ tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành của TCTD, quy định về công khai, minh bạch... phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các TCTD.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác thanh tra, giám sát theo hướng thanh tra, giám sát toàn bộ pháp nhân TCTD, kết hợp thanh tra, giám sát tuân thủ với thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm phát hiện và cảnh báo kịp thời sai phạm, rủi ro, tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động ngân hàng. Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm. Tập trung thanh tra những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Thứ tư, triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý các sai phạm. Kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm trong các TCTD cổ phần theo lộ trình thích hợp. Thanh tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định giới hạn sở hữu cổ phần. Trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan điều tra nhằm xác minh các trường hợp vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Thứ năm, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành và phát triển các hệ thống quản trị rủi ro, công nghệ thông tin; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong từng TCTD, đặc biệt tăng cường vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị; chủ động đề cao cảnh giác, phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật trong đơn vị; kịp thời rà soát, hoàn thiện các quy định, chính sách quản lý nội bộ, quy trình nghiệp vụ.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Tiểu ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng và tại từng TCTD để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tội phạm và tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa NHNN với các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống rửa tiền; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tội phạm của các đối tượng trong nước và quốc tế.

Thứ tám, tăng cường hơn nữa sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sai phạm, tham nhũng của các tập thể và cá nhân.

Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong ngành Ngân hàng và đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.