Doanh nghiệp logistics:

Mạnh về “số lượng”, yếu về “thị phần”

Theo kinhtevadubao.vn

Thực trạng này đang dấy lên những lo ngại về sức cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, rộng với thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

75% thị phần vào tay doanh nghiệp ngoại

Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, ngành logistics hiện đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm và được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong khoảng từ 5-10 năm tới. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực, Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) được thành lập, các hoạt động xuất nhập khẩu phát triển sôi động, sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics bùng nổ.

Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội, thì ngành logistics đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, bởi áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng, trong khi các doanh nghiệp logistics nội lại vô cùng yếu kém.

Thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là ngành kinh tế non trẻ và chỉ thực sự phát triển sôi động từ khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn mà ngành logistics của Việt Nam đang phải đối mặt là các doanh nghiệp logistics nội địa mặc dù mạnh về số lượng, chiếm đến 80% tổng số doanh nghiệp logistics đang hoạt động, song lại yếu về thị phần (chỉ chiếm 25%), còn lại 75% thị phần đều rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp logistics nội địa “yếu thế” trước doanh nghiệp ngoại. Đầu tiên phải kể đến là phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt vẫn còn nhỏ lẻ, đơn nhất, chỉ cung cấp những dịch vụ đơn giản, như: làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi… trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài thường xuất phát từ những tập đoàn quốc tế lớn, đa ngành nghề, có bề dày kinh nghiệm, chuyên nghiệp với hệ thống mạng lưới đã được mở rộng khắp thế giới.

Tiếp đó là chất lượng nguồn nhân lực logistics, theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) về hoạt động logistics, có tới 54,7% doanh nghiệp logistics cho rằng, họ thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thiếu trình độ vận hành, quản lý công việc thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, vấn đề tối ưu hóa chi phí logistics để cạnh tranh vẫn còn là bài toán khó đối với Việt Nam. Cụ thể, chi phí cho giao nhận kho vận còn chiếm tới 20% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển khoảng 8%-12%. Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động của các doanh nghiệp logictics ở Việt Nam hiện vẫn còn rời rạc, thiếu liên kết, phương tiện vận tải quá thô sơ và chậm chạp... đã góp phần đẩy chi phí tăng cao.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng logistics chưa được đầu tư bài bản, chưa tạo được sự tin tưởng với khách hàng về mạng lưới hoạt động...cũng là một trong những trở ngại, khiến doanh nghiệp logistics Việt yếu thế trước đối thủ nước ngoài.

Tối ưu hóa chi phí để cạnh tranh

Trước nguy cơ bị lấn át thị phần, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)cho rằng, liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp logistics Việt với nhau hoặc với doanh nghiệp ngoại cũng là một cách để cạnh tranh. Nhưng, doanh nghiệp của chúng ta cần phải có khách hàng nội địa. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc đều thuê doanh nghiệp logistics nước họ.

Theo đó, doanh nghiệp nội phải có dịch vụ, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh, thì mới cạnh tranh được và có như vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước mới ủng hộ doanh nghiệp logistics nội (Quang Huy, 2015).

Nhận định về vấn đề này, PGS, TS. Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp logistics cần hướng tới cung ứng đầy đủ các dịch vụ cơ bản của một trung tâm logistics, như: lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom và chia nhỏ hàng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ hỗ trợ…Đồng thời, đảm bảo cung ứng dịch vụ trọn gói hoặc tham gia toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng từ đặt hàng, thu mua, đóng gói, chia lẻ… đến điều tiết hàng hóa theo kế hoạch bán hàng, dự báo xu hướng nhu cầu, thực hiện thanh toán thay mặt chủ hàng (Việt Hà, 2015).

Cũng đưa ra giải pháp để cải thiện dịch vụ logistics của doanh nghiệp Việt, tại đợt tập huấn nghiệp vụ về cải thiện dịch vụ logisticsdiễn ra từ 27/01/2015 đến 30/01/2015,do Ủy ban Hợp tác Kinh tế Công nghiệp ASEAN – Nhật Bản (AMEICC) tổ chức, ông Michiro Sakai, Trưởng ban Trung tâm nghiên cứu các nước kém phát triển (LDC) cho rằng, để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp cần quan tâm đến chi phí cho cả một quá trình từ lên kế hoạch, phát triển, chế tạo, chuyển đến tay người tiêu dùng cho tới khi món hàng hết giá trị sử dụng, mang đi tiêu hủy. Những chi phí, như: phí đào tạo, phí kỹ thuật, phí lưu kho, chi phí hủy, phí xử lý môi trường… chưa được nhiều doanh nghiệp coi trọng, hoặc không biết đến nên thường bỏ qua. Trong khi thực tế, những chi phí này nếu tổng hợp lại thì sẽ đóng góp doanh thu không hề nhỏ cho doanh nghiệp...