Mặt bằng bán lẻ ở đâu đắt nhất thế giới?
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield mang tên Main Streets Across the World, Đại lộ số 5 thuộc thành phố New York (Mỹ) tiếp tục giữ ngôi quán quân trong bảng xếp hạng các con đường đắt đỏ nhất trên thế giới.
Báo cáo thường niên Main Streets Across the World của Cushman & Wakefield đã phát hành tới năm thứ 29, khảo sát 451 đại lộ ở các thành phố trên thế giới và xếp hạng các vi trí có mặt bằng bán lẻ đắt đỏ nhất thuộc 68 quốc gia.
Năm nay, Đại lộ số 5 thuộc thành phố New York có giá thuê mặt bằng bình quân lên tới 278,7 USD/m2/năm, xếp vị trí đầu bảng. Trong khi đó, Causeway Bay của Hong Kong xếp vị trí thứ 2 do giá thuê giảm 4,7% còn 253,16 USD/m2/năm.
Theo ông Darren Yates, Trưởng bộ phận nghiên cứu bán lẻ khu vực EMEA (Âu, Mỹ, Phi) của Cushman & Wakefield, tác giả của báo cáo, cho biết: “Bất chấp các yếu tố tiêu cực, ngành bán lẻ toàn cầu vẫn ghi nhận các động lực tăng trưởng bên cạnh những ảnh hưởng từ những thay đổi về công nghệ và nhân khẩu học trên toàn thế giới.
Các mặt bằng bán lẻ cao cấp, bao gồm Đại lộ số 5 của New York, Causeway Bay của Hong Kong và New Bond Street của Luân Đôn vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhãn hiệu lớn nhằm gia tăng trải nghiệm bán lẻ. Mặc dù các nhà bán lẻ sáng tạo nhất đang kết hợp nền tảng trực tiếp với cửa hàng thực để đa dạng hoá kênh bán hàng và trải nghiệm cho người mua, nhưng yếu tố vị trí vẫn đóng vai trò then chốt đối với các mặt hàng cao cấp.
Tại Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 4 con đường nằm trong Top 10 địa điểm đắt đỏ nhất – đó là Causeway Bay (Hong Kong), Ginza (Tokyo), Pitt Street Mall (Sydney) và Myeongdong (Seoul).
Trong đó, Causeway Bay của Hong Kong giữ vững vị trí thứ 2 bảng xếp hạng từ năm ngoái, mặc dù giá thuê mặt bằng bán lẻ của các trung tâm thương mại tại đây vẫn tiếp tục giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Xu thế này dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ số lượng du khách đến Trung Quốc, là hồi chuông cảnh báo cho các nhà bán lẻ, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp.
Thị trường bán lẻ Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh nhờ vào sự gia tăng số lượng người tiêu dùng có hiểu biết về nhãn hiệu và tìm kiếm những trải nghiệm mua sắm mới lạ. Wangfujing của Bắc Kinh xếp hạng 11 trong bảng xếp hạng toàn cầu, với giá thuê 44,31 USD/m2/năm. Thị trường bán lẻ trực tuyến ở thành phố này cũng tăng trưởng mạnh với doanh số bán hàng qua mạng internet chiếm gần 18%, mặc dù có gần 1,15 triệu mét vuông diện tích mặt bằng mới.
“Rõ ràng, thị trường đang phân 2 tầng, một là các nền kinh tế phát triển và một là các thị trường mới nổi. Đây có thể là cơ hội ngàn năm một thuở cho chủ đầu tư nào nhìn thấy xu hướng bền vững về xây dựng bán lẻ và sự chấp nhận của các hình thức bán lẻ có tổ chức. Trong khi giá thuê ở các thị trường phát triển khá mềm giúp cho các nhà bán lẻ dễ thâm nhập và mở rộng thị trường, người ta còn nhìn thấy sự dịch chuyển và thay đổi về xu hướng tiêu dùng và phong cách sống”, bà Sigrid Zialcita, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield nhận định.
Các nhãn hàng cao cấp đã từng là tâm điểm trong các trung tâm thương mại, nhưng giờ đây, các nhà sở hữu và chủ đầu tư đang giảm sự phụ thuộc của họ vào các nhãn hàng này và thêm các tiện ích về dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khoẻ và trải nghiệm người dùng. Chi tiêu cho du lịch cũng dần chiếm phần lớn trong số các động lực tăng trưởng của ngành bán lẻ do chi tiêu mua sắm của du khách trong các trung tâm thương mại chiếm phần lớn doanh số bán hàng.
Thương mại điện tử ngày càng chứng tỏ sự tích hợp với các mặt bằng bán lẻ hiện hữu, Trong khi mô hình bán lẻ truyền thống đã nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng bán lẻ kỹ thuật số, các đại gia về thương mại điện tử lại đang dấn thân vào các cửa hàng bán lẻ hiện hữu. Việc tìm ra công thức kết hợp chính xác giữa mô hình bán lẻ tất cả trong một và bán lẻ đa kênh là phần quan trọng nhất trong quá trình này”. Bà Zialcita kết luận.
Trong khi đó, nhận định về thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Mai Võ, trưởng bộ phận Dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết:” Trong 10 năm tới, tầng lớp cư dân mới có thu nhập cao sẽ xuất hiện. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, tầng lớp này hiện chỉ chiếm 1% tổng dân số, nhưng đến năm 2020 con số này tối thiểu sẽ là 10%. Lớp dân cư mới này sẽ đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của ngành bán lẻ hàng hoá cao cấp như xe hơi, căn hộ cao cấp và biệt thực.
Trong 2 năm tới, các ngành dịch vụ ăn uống, thời trang và chăm sóc sức khoẻ sẽ là ngành chủ chốt dẫn dắt sự phát triển của ngành bán lẻ. Thị trường bán lẻ đang hoàn thiện và thêm nhiều diện tích cho thuê mới, cụ thể có thêm 400.000m2 diện tích mới vào năm 2018, đến năm 2020, tổng diện tích sàn bán lẻ dự kiến đạt 4 triệu mét vuông. Vingroup, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam – đã trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thị trường khi nâng tổng số trung tâm thương mại lên 44 ở 23 tình thành trong cả nước.
Tại khu vực trung tâm của các đô thị lớn, nhu cầu thuê nhà phố thương mại vẫn tiếp tục cao do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng, Kết quả là giá thuê mặt bằng ở các khu vực này bị đẩy lên cao. Các khu vực CBD ở TP.HCM và Hà Nội hầu hết đều có giá thuê mặt bằng cao gấp 2 lần các khu vực còn lại.
Thương mại điện tử Việt Nam sẽ chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới sau khi ngành công nghiệp tương đối mới này đạt được doanh thu ấn tượng gần 4 tỷ USD và được kỳ vọng đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Sự bành trướng của thương mại điện tử nhờ vào các yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học, tuy nhiên, đây không hẳn là yếu tố dẫn tới sự sụt giảm về nhu cầu mua sắm ở các trung tâm thương mại.