Mặt bằng kinh doanh trên "đất vàng" bỏ trống hàng loạt
Nhiều căn nhà phố mặt tiền san sát nhau tại trung tâm quận 1 đóng cửa im lìm dù trước đây bán buôn tấp nập.
Khảo sát của VnExpress, giữa tháng 7, nhiều căn nhà phố mặt tiền (đa số 2-3 tầng) nằm trên các tuyến đường thuộc lõi trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh trong tình trạng bỏ trống, cổng chi chít số điện thoại rao bán và cả cho thuê.
Trục lõi trung tâm với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố thương mại Đồng Khởi, phố trà sữa Ngô Đức Kế, phố văn phòng Hàm Nghi... đều xuất hiện nhiều căn nhà mặt tiền đóng cửa, chỉ có xe đẩy, gánh hàng rong tụ tập xung quanh hoặc thưa vắng người.
Thực tế 6 tháng qua, các mặt bằng bán buôn, kinh doanh bỏ trống đang trở nên phổ biến tại những tuyến phố thương mại đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Từ quý I, tình trạng kinh doanh ế ẩm, kéo dài sang quý II và chưa có dấu hiệu cải thiện đầu quý III khiến số lượng mặt bằng trống cứ tăng dần dù vị trí đắc địa tại khu trung tâm. Thậm chí, các phòng răng (nha khoa), spa, công ty du lịch... cũng đua nhau đóng cửa, trả mặt bằng trong giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19.
Ông Bình, môi giới nhà phố mặt tiền khu vực quận 1 có thâm niên gần chục năm tại thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong vòng 10 năm qua, đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất của thị trường cho thuê nhà phố mặt tiền. Phía chủ nhà không còn cảnh hét giá cao vẫn có khách xếp hàng tranh thuê. Thay vào đó, chủ nhà phố mặt tiền hiện phải đối mặt với làn sóng cắt giảm chi phí, trả mặt bằng khá cao.
Đồng thời, giá chào thuê nhà phố mặt tiền cũng điều chỉnh mạnh nhiều tháng liền nhưng vẫn ít khách thuê do nhu cầu tìm kiếm mặt bằng kinh doanh đang trong giai đoạn thấp điểm. Ông Bình cho biết đã chứng kiến một hệ thống nha khoa đóng cửa toàn bộ các phòng khám. Tất cả đều có vị trí mặt tiền đắc địa tại khu trung tâm thành phố do kinh doanh ế ẩm và không có triển vọng phục hồi sớm.
Báo cáo thị trường bất động sản thương mại mới nhất của Savills TP. Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch khiến nhiều khách thuê nhà phố mặt tiền làm mặt bằng kinh doanh phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Nhiều chuỗi ăn uống và thời trang, dịch vụ tại các vị trí đắc địa phải đóng cửa ở các mặt bằng nhà phố do tình hình kinh doanh giảm sút.
Theo Savills, nhà mặt tiền tại khu vực trung tâm Sài Gòn phụ thuộc vào lĩnh vực thương mại, du lịch bị hoàn trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của chính sách hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Đơn vị này cho biết thêm, các khách thuê tiềm năng đang tìm kiếm các ưu đãi giảm giá thuê lên đến 40% (cuối năm trước chỉ giảm ở mức tối đa 20%).
Còn theo khảo sát của CBRE, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố tại TP. Hồ Chí Minh giảm 10-20% so với trước dịch. Hiện nay, thời gian thuê ngắn hơn, rút xuống còn 2-3 năm thay vì kéo dài trong 5 năm như trước đây. Nhiều nhà bán lẻ hoãn việc mở mặt bằng mới khiến thời gian các mặt bằng bị bỏ trống kéo dài thêm.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các mặt bằng kinh doanh là nhà phố mặt tiền bị bỏ trống tại khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, giá thuê mặt bằng ở khu này bị đẩy lên quá cao, vượt qua ngưỡng chịu đựng của khách thuê. Tình trạng mặt bằng kinh doanh trên đất vàng TP. Hồ Chí Minh bỏ trống hàng loạt khi kinh doanh khó khăn là hệ quả của việc giá thuê mặt bằng liên tục tăng cao trong một thời gian dài.
Thứ hai, sức mua giảm, tình hình kinh doanh sa sút. Dù hiện nay việc thương lượng giá thuê thấp hơn và rút hợp đồng thuê ngắn lại, nhưng nếu làm ăn không thuận lợi, doanh thu thường xuyên xuống mức thấp rất dễ khiến khách thuê trả lại mặt bằng để cắt lỗ.
Thứ ba, phụ thuộc khá nhiều vào khách quốc tế. Mặt bằng kinh doanh ở khu trung tâm thường bán các mặt hàng cao cấp, nhắm đến khách quốc tế và phụ thuộc vào nhóm khách hàng này. Ông Hạnh xác nhận, việc thiếu vắng khách du lịch quốc tế do các nước chưa sẵn sàng mở cửa biên giới cho khách nước ngoài nhập cảnh vào đã góp phần làm suy yếu các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, tâm lý chờ điểm rơi an toàn, tạm thời thu hẹp việc kinh doanh cho đến khi dịch trên toàn cầu được kiểm soát. Ngoài ra, làn sóng kinh doanh trực tuyến tăng mạnh trong đại dịch đang làm thay đổi nhu cầu thuê mặt bằng nhà phố.
Tình huống hiện nay là nếu khách thuê vẫn còn duy trì được bộ máy, họ có thể chọn phương án thu hẹp quy mô và diện tích, trả lại các mặt bằng dàn trải không hiệu quả để tiết kiệm chi phí, bổ sung thêm kênh bán hàng trực tuyến ít tốn kém hơn. Nếu làm ăn bết bát, họ thà đóng cửa trả lại mặt bằng.
Ông Hạnh đánh giá, tình trạng mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống hàng loạt có thể tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2020 cho đến khi tâm lý phòng vệ, lo ngại rủi ro được dỡ bỏ mới có thể khôi phục lại trạng thái bình thường.