Mật đắng cổ phiếu mía đường
(Tài chính) Vì sao mật ngọt của mía đã trở thành “mật đắng” trong con mắt người nông dân?
Mía lại cháy trên cánh đồng khi mới đây nông dân Cà Mau đốt bỏ mía do không bán được. Và câu chuyện của những người trồng mía lặp lại chu kỳ trồng mới rồi đốt bỏ. Mật ngọt của mía đã trở thành “mật đắng” trong con mắt người nông dân khi ngành mía lại trải qua một năm đầy khó khăn với sản lượng và giá đều giảm.
Vị ngọt giảm
Giá đường thô thế giới đã giảm 14% trong niên vụ 2013/2014 so với niên vụ trước. Sản lượng đường đạt kỷ lục 183 triệu tấn, trong khi tiêu thụ đường chỉ 178 triệu tấn, dẫn đến tình trạng dư thừa.
Thị trường Việt Nam cũng trong tình trạng chung: giá giảm trong khi lượng đường tồn kho lại tăng. Để đối phó với tình trạng này, Bộ Công Thương đã có những biện pháp nhằm tăng xuất khẩu tiểu ngạch, tăng cường kiểm soát đường lậu. Nhờ đó, đã giúp thị trường hồi phục phần nào vào tháng 4.2014. Tuy vậy, những căng thẳng ở biển Đông đã tác động mạnh đến xuất khẩu tiểu ngạch, đường lậu Thái Lan vẫn tràn vào, khiến giá đường trong nước lao dốc vào tháng 6 và chạm đáy vào tháng 12.2014 ở mức 11.500 đồng/kg, giảm 20,6% so với đầu năm.
Năm 2015 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm thử thách của ngành đường Việt Nam.Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, sản xuất dự kiến cân bằng với tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, do tồn kho từ vụ trước chuyển sang nhiều, kết hợp với nhập khẩu theo lộ trình và hạn ngạch WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) nên vụ 2014/2015 vẫn dư thừa đường và tồn kho ước cao hơn 36% so với cùng kỳ.
Hiện tại, việc giá đường xuống thấp hơn so với giá sản xuất có thể khiến một số nhà máy đường thua lỗ trong niên vụ 2014/2015. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ bị cạnh tranh bởi đường Thái Lan nhập lậu và tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc không còn thuận lợi như trước đây. Những bất ổn trong thị trường dẫn đến giá mía giảm ở hầu hết các khu vực. Điều này làm gia tăng xu hướng chuyển đổi cây trồng và dự báo tình trạng thiếu hụt đường có thể sẽ diễn ra trong niên vụ 2015/2016.
Một yếu tố bất lợi khác là giá dầu. Giá dầu giảm mạnh đã tác động làm giảm giá đường trong những tháng cuối năm 2014. Nếu giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian dài thì dự báo về cân bằng đường trong niên vụ 2014/2015 có thể bị thay đổi mạnh do tác động của nguồn cung trên thế giới.
Hiện nay, Brazil là quốc gia sản xuất đường chính, đang dùng khoảng 50% mía để sản xuất ethanol và phần còn lại để sản xuất đường. Nếu giá dầu giảm dẫn đến giá ethanol giảm theo và việc sản xuất ethanol sẽ không mang lại lợi nhuận như mong đợi thì nhiều khả năng Brazil sẽ dùng mía để sản xuất đường nhiều hơn. Từ đó, sẽ làm tăng sản lượng đường từ Brazil và gây áp lực thặng dư trên thị trường đường thế giới.
2015: Một năm đầy cam go
2014 là năm chứng kiến nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành mía đường, trong đó đáng chú ý là Tập đoàn Thành Thành Công. Tập đoàn này đã trở thành doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam sau hàng loạt thương vụ M&A. Ví dụ như tháng 6 năm ngoái, Công ty Cổ phần Mía đường Biên Hòa - BHS (Thành Thành Công sở hữu chi phối) mua 100% Đường Ninh Hòa (NHS). Toàn bộ cổ phiếu của NHS sẽ hủy niêm yết để thực hiện hoán đổi với BHS. Hay Công ty Mía đường Gia Lai (SEC) sáp nhập với Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công (SBT), một công ty con của Tập đoàn Thành Thành Công.
Hiện Tập đoàn đang tái cơ cấu tập trung quản lý mảng mía đường vào hai “đầu mối” chính là SBT và BHS. Cụ thể, SEC sẽ thuộc sở hữu của SBT; còn NHS, Mía đường Phan Rang (PRS) và Mía đường 333 sẽ thuộc sở hữu của BHS. Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành mía đường. Việc sáp nhập sẽ giúp nâng cao tiềm lực tài chính, làm tăng giá trị doanh nghiệp, tăng vốn sở hữu cũng như tăng lợi thế về quy mô. Hơn nữa, việc sáp nhập có thể giúp Tập đoàn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới khi các hiệp định thương mại tự do trong khu vực (như AFTA) đang trong lộ trình cam kết.
Không chỉ tăng quy mô, Tập đoàn và các công ty liên quan cũng chủ trương quy hoạch lại vùng nguyên liệu để có thể chủ động kiểm soát giá thành. Tại NHS, chẳng hạn, năm 2010 diện tích vùng nguyên liệu của công ty này đạt 7.000 ha, chủ yếu trực thuộc nông trường của Công ty. Đến niên vụ mía 2013/2014, con số này đã tăng lên 10.300 ha. Đây là lợi thế để NHS giảm giá thành sản xuất. Trong khi đó, tại BHS, vùng nguyên liệu vào khoảng 11.000 ha, nhưng sở hữu của Công ty chỉ khoảng 1.000 ha. Do đó, kế hoạch của BHS trong thời gian tới là sẽ tăng mạnh diện tích sở hữu để chủ động nguồn nguyên liệu.
Dù đã có sự chuẩn bị tốt hơn, nhất là về vùng nguyên liệu nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức. Trong bối cảnh năng suất và diện tích trồng mía đều giảm mạnh, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến tháng 12.2014, sản lượng đường sản xuất của Việt Nam trong vụ mới 2014/2015 là 199.000 tấn, thấp hơn 33% so với niên vụ 2013/2014. Ước tính sản lượng cho cả niên vụ mới là 1,54 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa tăng khoảng 3%, tương đương 600.000-800.000 tấn. Lý do chính là nhu cầu của thị trường, nhất là ngành bánh kẹo, nước giải khát, được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 10-15%/năm.
Một niên vụ với nhiều bất ổn, cùng lộ trình cam kết trong các điều ước quốc tế đang dần có hiệu lực đã đặt ngành đường trong một xu thế vừa tái cấu trúc chính mình vừa cạnh tranh gay gắt với thị trường thế giới. Xu thế này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là cuộc “cải tổ kép” của ngành mía đường tại “giờ G”.
Liệu với việc thông qua sáp nhập để tăng quy mô, quy hoạch lại khu vực nguyên liệu, dồn sức cho nguyên liệu có chất lượng cao (để tăng năng suất và sản lượng đường), các doanh nghiệp mía đường có làm nên kỳ tích?