Mật độ cư dân cao: Đô thị sẽ tăng sức cạnh tranh?
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, với tốc độ gia tăng như hiện nay, đến năm 2020 dân số Hà Nội ước tính có trên 10 triệu người, gần bằng dân số dự báo vào năm 2050. Trước vấn đề gia tăng dân số, nhiều chuyên gia về quy hoạch phát triển đô thị cho rằng đây vừa là áp lực nhưng cũng tạo cơ hội cho Thủ đô trong quá trình cạnh tranh toàn cầu.
Áp lực về gia tăng dân số
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2018 trên địa bàn Thủ đô có trên 8 triệu người đăng ký nhân khẩu (chưa tính lượng người thường xuyên lưu trú), mật độ dân số bình quân trên 2.300 người/km2. Dân số Thủ đô không chỉ tăng nhanh theo cơ học, mà còn tăng vì số lượng người nhập cư cả ở khu vực trung tâm và các quận, huyện ngoại thành, đặc biệt là các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng nhiều khu nhà cao tầng như Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... Riêng trong năm 2018, các khu đô thị mới trên địa bàn TP. Hà Nội đã tiếp nhận thêm khoảng 80.000 người đến sinh sống từ các tỉnh, thành phố khác.
Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô vừa là nhiệm vụ quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, tạo dựng vị thế nhưng cũng vừa để giải quyết vấn đề liên quan đến gia tăng dân số. Nội dung này đã được thể hiện cụ thể thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển của đô thị Hà Nội, trong đó ưu tiên phát triển các công trình hạ tầng đô thị, thu hút nguồn vốn đầu tư nhằm xây dựng các khu đô thị vệ tinh, góp phần xây dựng Hà Nội thực sự trở thành một Thủ đô “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục – Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư cho biết, Hà Nội đang gặp rất nhiều áp lực về gia tăng dân số, kéo theo áp lực về ô nhiễm môi trường, hạ tầng, giáo dục, dịch vụ tiện ích công cộng... Dân số tăng nhanh đến đến việc các đô thị được xây dựng ngày càng nhiều, mật độ dày, thiếu các yếu tố tự nhiên như hệ thống cây xanh, khuôn viên, mặt nước… Đây đang là vấn đề lo ngại về chất lượng sống của dân cư và ảnh hưởng đến diện mạo, mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, TS., KTS. Hoàng Hữu Phê – chuyên gia về quy hoạch và phát triển đô thị nhìn nhận: Đúng là Hà Nội đang gặp rất nhiều áp lực về gia tăng dân số. Nhưng Hà Nội còn rất lâu mới lọt vào danh sách những thành phố đông dân nhất thế giới, với Dhaka (Bangladesh) đứng thứ nhất bình quân 45.000 người/km2 và Karachi (Pakistan) đứng thứ 10 (15.000 người/km2).
Nếu tính cục bộ, quận đông nhất của Hà Nội, Hoàn Kiếm với mật độ dân cư được coi là “kinh hoàng” khoảng 34.000 người/km2, mới chỉ bằng 1/30 so với khu vực nội thành Dhaka, với mật độ lên đến gần 1.000.000ng/km2. “Đô thị ở các nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ hiện tại đã tạo ra được các khu dân cư có mật độ cao (hay còn được gọi là đô thị nén). Chí ít những con số so sánh như trên sẽ khiến chúng ta không đến nỗi hoảng loạn, mất bình tĩnh về mật độ dân số đô thị chúng ta đang có” – TS., KTS. Hoàng Hữu Phê nói.
Thước đo mức độ hấp dẫn
Theo ThS. Đinh Quốc Thái, quy mô dân số chính là thước đo của mức độ hấp dẫn, vai trò trong quá trình phát triển và vị thế của một đô thị. Nếu một đô thị không phát triển thì sẽ không thu hút được người dân từ các nơi đổ về sinh sống và làm việc. “Hà Nội cũng vậy, thành phố vừa là Thủ đô, nhưng cũng là một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước. Người dân các nơi đổ về đây để tìm cơ hội nghề nghiệp, để được sống trong một môi trường với nhiều tiện ích hiện đại, gắn liền với những nhu cầu thực tế về cuộc sống hàng ngày” - ông Thái nói.
Từ năm 2012, Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) bắt đầu quan tâm đến tầm quan trọng của các thành phố và đô thị trong quá trình cạnh tranh toàn cầu. Ngoài những vấn đề chính sách quản lý Nhà nước, các nhân tố đem lại sự phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai gần, mật độ dân cư tại các thành phố cũng có tác động rất lớn đến sự cạnh tranh cho đô thị. TS., KTS. Hoàng Hữu Phê cho biết thêm, thành phố và đô thị được coi là nơi quần tụ của tất cả các hoạt động kinh tế, DN và nhà đầu tư cũng tập trung với mật độ cao tại các thành phố và đô thị. Ở đó, họ có thể được chia sẻ nguồn lao động dồi dào, trình độ, tay nghề đa dạng, không phải mất nhiều chi phí tìm kiếm, tuyển dụng.
Đối với người lao động, thành phố cho họ cơ hội để tương tác với nhau, tăng cường trao đổi thông tin và học tập, do đó tạo điều kiện để họ phát triển. Họ có thể thấy sự quan trọng này thể hiện trong vai trò đầu tàu của các thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong nền kinh tế Việt Nam. “Đô thị hiện đại chính là sự tiếp xúc “mặt - đối - mặt” của dân cư đô thị như nền tảng của phát minh và sáng tạo, hay nói cách khác, nền kinh tế tri thức, sáng tạo chỉ có thể nảy sinh, phát triển và cạnh tranh thành công nếu dân cư đô thị được nhân lên” - TS., KTS. Hoàng Hữu Phê chia sẻ.