Mặt trái của Ngân hàng BRICS
(Tài chính) Nhóm 5 nền kinh tế lớn đang nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (gọi tắt là BRICS) đang muốn sao chép mô hình Ngân hàng Thế giới (WB) để thành lập một ngân hàng riêng của khối. Tuy nhiên, sáng kiến được đánh giá là táo bạo này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Hiện nay, 60% số tiền tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển từ ngân sách quốc gia, khiến việc đầu tư thường nhỏ giọt. Ngoài ra, trọng tâm của WB đang chuyển sang chăm sóc y tế và xóa đói giảm nghèo. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đang nhảy vào lấp chỗ trống của WB. Hai ngân hàng này từng đề xuất các khoản cho vay cơ sở hạ tầng có thời hạn 20 năm trở lên, với mức lãi suất cực kỳ ưu đãi là 2%/năm. Nhưng hoạt động cho vay của hai ngân hàng trên tại khu vực châu Phi ngoại Sahara và Mỹ Latin chủ yếu nhằm bảo đảm các nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc và giành thêm cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp của nước này.
Những điều trên đang tạo ra cơ hội cho một kiểu ngân hàng phát triển mới: có thể khai thác sức mạnh kinh tế của Trung Quốc để đưa ra các khoản vay lâu dài với lãi suất thấp, nhưng không phải chịu các điều kiện từ Bắc Kinh. Không giống như các ngân hàng cho vay của Trung Quốc, Ngân hàng BRICS ít nhất sẽ phải kiếm được chi phí vốn. Điều đó không phải là vấn đề nếu các nước tài trợ mua trái phiếu của Ngân hàng BRICS cho dự trữ ngoại tệ của họ. Việc Ngân hàng BRICS hỗ trợ cho một dự án cũng thu hút các nhà đầu tư khác. Sau đó, Ngân hàng BRICS có thể tạo ra chi nhánh tài trợ cổ phiếu riêng của mình.
Mặc dù Ngân hàng BRICS nếu được thành lập có thể giúp giảm bớt khoảng trống tài trợ cơ sở hạ tầng lên tới 1.400 tỷ USD/năm tại các nước đang phát triển, nhưng các nước thuộc Khối có thể sử dụng ngân hàng này cho các mục tiêu kinh tế và đối ngoại của họ, có thể để ngỏ khả năng tài trợ những dự án được coi là thảm họa xã hội và môi trường. Ngành điện ở các nước kém phát triển đang rất cần các khoản đầu tư mới, nhưng ngành điện cũng đang tạo ra những thách thức sinh thái khó khăn nhất. Cam kết của WB với nguồn năng lượng sạch đã bị sứt mẻ sau khi WB tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy điện chạy bằng than non gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Kosovo.
Ngân hàng BRICS sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự, thậm chí có thể lớn hơn. Các thành viên BRICS có ít điểm chung, trừ việc cùng không tin tưởng những thể chế tài chính hiện có trụ sở tại Washington. Để xác định tầm nhìn, ngân hàng mới cần một ban giám đốc mạnh, có khả năng chống lại sự can thiệp chính trị khi đưa ra các quyết định về nhân sự và cho vay.
Tuy nhiên, người ta chưa nghĩ tới một ban quản trị độc lập, do còn chưa biết Ngân hàng BRICS sẽ được đặt trụ sở ở đâu và do ai điều hành. Ngân hàng BRICS có thể phải chấp nhận sự đóng góp cổ phần nhỏ từ các nước ngoài khối. Nhưng ở giai đoạn này, các nước thuộc BRICS không tìm cách thành lập một thể chế toàn cầu thực sự mở.
Ngoài ra, việc ngân hàng quá gần gũi với bất kỳ chính phủ thành viên nào của BRICS cũng khiến ngân hàng mất đi tính độc lập và uy tín. Những cuộc đấu đá nội bộ sẽ làm chậm tiến trình ra quyết định. Việc sao chép mô hình lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB về lâu dài cũng là một sai lầm. Chiến thuật lướt sóng (mua vào vàng, tiền… lúc giá cao, bán ra lúc giá thấp) có thể gây khó khăn cho ngân hàng này theo nhiều cách. Chính phủ các nước vay muốn nhận được tiền mà không có điều kiện ràng buộc nào.
Nếu BRICS chấp nhận điều đó, có nguy cơ các nước sẽ dễ dàng vay tiền để xây dựng những đập thủy điện lớn, những dự án nhiệt điện lớn mà WB từng ủng hộ nhưng bây giờ phải rút vốn vì những tác động nguy hiểm tới môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân.