Thị trường Việt Nam:
Miền đất “ngọt ngào” của sữa ngoại?
(Tài chính) “Có tới 72-73% sữa ngoại nhập hiện diện trên thị trường sữa Việt Nam. Với 113 triệu người vào năm 2045, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 3,6 tỷ USD một năm. Dù hiện tại, con số này ở mức hơn 1 tỷ USD”, ông Hoàng Kim Giao, Phó Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết.
Nằm trong “top” 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: Tốc độ tiêu dùng sữa của Việt Nam hiện nay rất lớn, mặc dù trong suốt 14 năm qua (kể từ năm 2000), sữa tăng trưởng tới 26,6% nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu, nguyên liệu sữa đầu vào vẫn thiếu, phải nhập khẩu lượng lớn. “Năm 2013 Việt Nam tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa quy đổi khoảng 18 lít/người. Trong đó, tự sản xuất 456,4 ngàn tấn sữa tươi (tương đương 5,1 lít/người/năm, chiếm 28%), số còn lại là nhập khẩu. Nếu năm 2045, Việt Nam tiêu thụ/người bằng 60% của Nhật Bản ngày nay thì cần 50kg sữa quy đổi/người/năm. Nếu tự túc 60%, nhập khẩu 40% thì Việt Nam vẫn cần nhập khẩu 2.250 ngàn tấn sữa, quy đổi là 3,6 tỷ USD”, ông Vang phân tích.
Thực vậy, theo thống kê, năm 2013, cả nước chỉ sản xuất được khoảng 400 nghìn tấn sữa tươi nguyên liệu. “Số lượng sữa tươi nguyên liệu đó mới đáp ứng được hơn 30% nhu cầu. Vì vậy, gần 70% lượng “sữa tươi” để tăng sức khỏe cho người Việt thực chất làm từ sữa bột nhập khẩu. Điều này cũng chẳng gây ngạc nhiên khi Việt Nam đứng trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm nhập trên 1,2 triệu tấn sữa các loại”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhìn nhận.
Tương tự con số mà Hiệp hội sữa đưa ra cũng đưa ra những con số đáng để suy ngẫm: Từ năm 2007 đến tháng 8/2014, số lượng sữa và sản phẩm sửa mà Việt Nam nhập là 5.724 triệu USD, tăng trưởng trung bình 14% sữa/năm. Như vậy cho dù, trong vòng 30 năm nữa, Việt Nam có tăng tỷ lệ đáp ứng sữa cho nhu cầu trong nước lên khoảng 60%, thì vẫn phải nhập khẩu thêm 40%. “Dự báo đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ tăng lên 113 triệu người, nghĩa là Việt Nam sẽ phải nhập khẩu tới 2.250 ngàn tấn sữa, tương đương 3,6 tỷ USD một năm. Dù hiện tại, con số này ở mức hơn 1 tỷ USD”, ông Giao tính toán.
Giải pháp nào phát triển ngành Sữa Việt Nam?
Với những đánh giá ở trên chứng tỏ, nhu cầu về sữa của người Việt Nam đang ngày tăng cao, dư địa để ngành Sữa Việt Nam phát triển vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, làm sao để khai thác miền đất “ngọt ngào” này lại là điều mà đáng lưu tâm, bởi miền đất “ngọt ngào” đó vẫn chỉ ở dạng tiềm năng và là “đất sống” của sữa ngoại.
Thực tế, so sánh với các nước trong ASEAN và Trung Quốc thì năng suất bò sữa của Việt Nam đang cao hơn. Tuy nhiên, so với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thì Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều. Bởi Việt Nam không phải là nước có lợi thế trong chăn nuôi bò sữa, nhiệt đột thích hợp chăn nuôi bò sữa là từ 20-250C. Trong khi, cơ cấu thức ăn xanh cho bò sữa Việt Nam hiện vẫn chưa định hình. Số hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm 66% số bò sữa. Sự liên kết của doanh nghiệp và hộ nông dân cũng chưa được thiết lập. Dự báo đến năm 2045, Việt Nam mới đạt được năng suất như Đài Loan hiện nay với 1 triệu bò sữa.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Giao cho rằng, ngành Sữa Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển dài hơi về đa dạng hóa sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng. Cụ thể là phát triển nguồn nguyên liệu đáp ứng số lượng và chất lượng một cách bền vững. Thân thiện và bảo vệ môi trường nhằm tạo ra các dạng sản phẩm sữa vừa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng. Qua đó, đảm bảo an toàn thực phẩm cao nhất, đáp ứng cho thị trường trong nước và mở rộng cho thị trường khu vực và thế giới.
Số liệu thống kê tính đến 1/4/2014, tổng đàn bò sữa của Việt Nam năm 2014 là 200.400 con, tăng 14% so với năm 2013 và tăng 67% so với năm 2010. Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn cũng đã và đang có kế hoạch tham gia đầu tư vào ngành Chăn nuôi bò sữa. Ngành Chế biến sữa trong nước đã có thêm nhiều nhà máy chế biến sữa mới hiện đại ra đời có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới. Đây là bước phát triển nhảy vọt về số lượng và chất lượng của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Điển hình như Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) đã khánh thành và đưa vào vận hành nhà máy Sữa Bột với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bộ/năm. Nhà máy này được đánh giá là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất khu vực, có diện tích 20ha với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm và giai đoạn 2 là 800 triệu lít/năm (dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2017).
“Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tại châu Á có xuất khẩu sữa. Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm sữa trị giá hơn 230 triệu USD trong đó Vinamilk chiếm đa số với giá trị hơn 210 triệu USD. Điều này minh chứng rằng sản phẩm sữa trong nước sản xuất đang dần chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam và có nhiều cơ hội vươn tầm ra thị trường sữa thế giới”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam nhận định.
- Giai đoạn 2015-2025: tăng trưởng 12,0%/năm
- Giai đoạn 2026-2035: tăng trưởng 5,0%/năm
- Giai đoạn 2036-2045: tăng trưởng 3,0%/năm.