Miền Nam nhiều phương án cung ứng hàng hóa trong thời gian giãn cách
Dự kiến trong những ngày đầu các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, nguồn cung hàng hóa tại sẽ gặp đôi chút khó khăn song các địa phương cho biết đã sẵn sàng nhiều phương án cung ứng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
TP. Hồ Chí Minh - nguồn cung hàng hóa đã tạm ổn
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, ngay Thủ tướng Chính phủ công bố thực hiện Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, ngành Công Thương đã có 1 số phương án chuẩn bị nguồn hàng trong điều kiện tất cả các địa phương siết chặt phòng chống dịch bệnh.
Sở Công Thương cho biết trước khi các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 thì việc thu mua, vận chuyển hàng hoá về TP. Hồ Chí Minh đã gặp 1 số khó khăn do 1 số địa phương áp dụng các hướng dẫn của bộ, ngành một cách máy móc. Song với nỗ lực của hệ thống phân phối cũng như mạng lưới thu mua của doanh nghiệp (DN) đã đáp ứng nhu cầu.
Quan sát của Sở Công Thương thì đến ngày 19/7 áp lực phân phối đã tạm ổn và lượng hàng DN chuẩn bị đã tăng mỗi ngày. Bên cạnh đó, những ngày qua Thành phố đã triển khai nhiều hàng trăm điểm bán hàng lưu động, bán thực phẩm giá bình ổn và mới đây nhất 2 chuyến tàu cao tốc đầu tiên chở thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh miền Tây đã cập bến Bạch Đằng (quận 1).
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa cho Thành phố, đại diện của Aeon Việt Nam cho biết, bộ phận thu mua của Aeon Việt Nam đã và đang tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đặc biệt cho các mặt hàng tươi sống (rau, củ, quả, thịt, cá, …) để đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định cho các siêu thị Aeon phía Nam. Riêng 2 siêu thị Aeon tại TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tăng trữ lượng nhập hàng. Cụ thể thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, cá) tăng 400 -600%; thực phẩm khô tăng 200 - 400%, hàng hóa được bổ sung mỗi ngày, khẳng định đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân. Đặc biệt, lượng hàng của siêu thị không chỉ cung ứng cho khách hàng đến mua trực tiếp hay qua các kênh trực tuyến mà còn được bán tại 4 điểm bán hàng lưu động của Aeon Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó so với thời điểm trước khi bùng dịch, hệ thống VinMart/VinMart+ tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng lượng cung ứng hàng tươi sống gấp 2 - 3 lần đối với ngày thường. Riêng cuối tuần, sản lượng cung ứng trung bình tăng lên tới 4 - 5 lần. “VinCommerce đã chủ động làm việc với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hóa được cung ứng liên tục, đặc biệt sản lượng dự phòng luôn đủ dùng cho từ 3 - 6 tháng. Đối với những khu vực đang bị phong tỏa, cách ly, chúng tôi cũng đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng ở bất kỳ cơ sở nào”- ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc vận hành VinMart Miền Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó các nhà bán lẻ cũng cho biết trong những ngày đầu thực hiện giãn cách họ đã gặp một số khó khăn về vận chuyển hàng hóa, nhân sự ở vùng bị phong tỏa, nhân sự bị cách ly,... Tuy vậy theo đại diện của Lotte Mart, sau đó nhà bán lẻ này đã được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, đăng ký QR cho xe nhà cung cấp lưu thông, liên tục làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, tránh tình trạng gián đoạn.
Tây Nam bộ - bán lẻ cam kết không tăng giá hàng hóa
Tại các tỉnh, thành phố Tây Nam bộ hiện cũng đã áp dụng Chỉ thị 16 trong toàn vùng để phòng chống dịch Covid-19. Thông tin từ các Sở Công thương Tây Nam bộ cho biết, trước thời điểm toàn vùng thực hiện giãn cách đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ song đến ngày 19/7 tình hình đã trở lại bình thường.
Theo ngành Công Thương, để người dân yên tâm mua sắm, các DN và nhà bán lẻ đã kịp thời đưa ra cam kết giữ giá bán ổn định, đồng thời lên kế hoạch tăng nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Chẳng hạn tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho biết, tính đến ngày 19/7, Hậu Giang có 9 DN tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng số lượng hàng hóa là 8.151 tấn tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Hậu Giang và Công ty TNHH MTV Nguyễn Đan Hậu Giang dự trữ 216 tấn tương đương 14 tỷ đồng; Trung tâm phân phối khu vực Miền Tây, Saigon Co.op dự trữ 1.500 - 2.000 tấn tương đương 70 tỷ đồng; Công ty CP Chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang dự trữ 2.000 tấn tương đương 26 tỷ đồng… Ngoài ra, đối với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã rà soát lại các phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo 5 cấp độ phòng chống dịch với tổng giá trị ước trên 377 tỷ đồng.
Tại Cần Thơ, Co.op mart Cần Thơ cho biết, từ sự hỗ trợ đơn vị chủ quản là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu khi TP. Cần Thơ thực hiện giãn cách, nguồn cung hàng hóa tại Co.opmart Cần Thơ khá ổn định, mặc dù đôi khi bị thiếu hụt nhưng cơ bản cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Không chỉ có siêu thị Co.opmart Cần Thơ mà hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.op Food trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ người dân.
Tương tự tại Cà Mau, các siêu thị địa phương này đã chủ động các phương án điều tiết nguồn hàng theo từng tình huống cụ thể, với mức giá bình ổn. Nguồn hàng được cung cấp từ các kho TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hậu Giang…
Cùng với cung cấp hàng hóa, hiện các nhà bán lẻ đã xây dựng kịch bản, phân luồng phòng, chống dịch khi khách hàng đến mua sắm như: Tổ chức từng đợt vào mua sắm từ 10 - 20 người/ 10 phút tùy theo quy mô siêu thị; đo thân nhiệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Đặc biệt, các siêu thị đã đẩy mạnh các phương thức bán hàng qua điện thoại, trên ứng dụng Zalo, Facebook... và cam kết với ngành Công Thương sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu; không bán hàng giả, hàng nhái, hàng hóa kém chất lượng, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…