Sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Trần Huyền

Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những chính sách nổi bật được đề xuất tại dự án Luật lần này là sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Tại dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về các khoản thu nhập được miễn, giảm thuế. Theo đó, bổ sung quy định miễn thuế đối với: khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước; thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh và thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh; thu nhập từ khoản bồi thường của Nhà nước; thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu chính phủ, lãi tín phiếu Kho bạc của các Quỹ tài chính nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định giảm thuế phải nộp tương ứng với phần thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Bổ sung quy định rõ về tiêu chí đối với phần thu nhập không chia của cơ sở xã hội hóa đang được miễn thuế hiện hành.

Để khắc phục những vướng mắc phát sinh và đảm bảo tính pháp lý, sự ổn định của hệ thống chính sách thuế, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi trong thực hiện. Theo đó, Luật hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn do đã có thời gian thực hiện ổn định đối với một số khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, sửa đổi quy định về ngưỡng thanh toán không dùng tiền mặt để tiếp tục khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định về các khoản chi được trừ hoặc không được trừ đối với một số khoản chi đã phát sinh trong thực tiễn như: khoản thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đầu vào có liên quan trực tiếp đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa được khấu trừ hết nhưng không đủ điều kiện hoàn thuế; khoản chi ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh; chi phí tiền lương, tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do cá nhân làm chủ); phần chi đóng Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; khoản chi không phù hợp với pháp luật liên quan; bổ sung thẩm quyền quy định thực hiện phân bổ chi phí lãi vay của các dự án đặc thù cho phù hợp thực tế.

Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, khung thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% được quy định và áp dụng từ năm 1999 đến nay. Trong đó, mức thuế suất sàn (32%) tại thời điểm năm 1999 được xác định bằng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông đối với đầu tư trong nước tại thời điểm đó.

Đến nay, mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp đã từng bước được điều chỉnh giảm từ mức 32% trước đây xuống mức 20% từ năm 2016. Trong khi đó, việc khai thác dầu khí ngày càng khó khăn bởi các mỏ khai thác mới ở vị trí kém thuận lợi cùng các yếu tố địa chính trị, chi phí khai thác cao và chứa đựng nhiều rủi ro nên thời gian gần đây không khuyến khích được các doanh nghiệp khai thác dầu khí mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam.

Để góp phần khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp siêu nhỏ, tại dự án Luật lần này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về phương pháp tính thuế, có tính đến việc quy định chi tiết tỷ lệ thu thuế phù hợp đối với doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán siêu nhỏ.

Tại dự án Luật, Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện và nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư và diêm nghiệp; về nguyên tắc tính thời gian áp dụng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và quy định về chuyển tiếp ưu đãi tương ứng cho phù hợp thực tế, khắc phục những vướng mắc phát sinh.

Đối với số thuế của phần trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp sử dụng không hết, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hết là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi với thời gian tính lãi là hai năm.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động phát hành trái phiếu kho bạc hiện nay, trái phiếu kho bạc Nhà nước được đấu thầu phát hành và trúng thầu cơ bản có kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên và một phần số lượng trái phiếu có thời hạn 5 năm. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định mức lãi suất đối với số thuế của phần trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp sử dụng không hết cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Những chính sách được Bộ Tài chính đề xuất nêu trên trong dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp và tạo thuận lợi trong thực hiện, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế. Đồng thời, các chính sách nhằm Luật hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ đã có thời gian thực hiện ổn định, không vướng mắc để đảm bảo sự minh bạch của chính sách; phù hợp với thực tiễn hiện nay, tránh vướng mắc trong thực hiện.