Minh bạch và công bố thông tin để cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Tại Toạ đàm về xếp hạng tín nhiệm và công tác quan hệ nhà đầu tư do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/9, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam có thể cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.
Tầm quan trọng của cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Phát biểu khai mạc, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, hiện nay Việt Nam đã hợp tác chính thức với 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất và có uy tín trên thế giới là Moody’s, S&P và Fitch. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Trong đó, một trong các mục tiêu quan trọng của Đề án là phấn đấu tới năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng đầu tư.
Theo Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, sau hơn 2 năm triển khai Đề án, Việt Nam đã gặt hái được một số thành quả tích cực. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực năm 2022, các quốc gia trên thế giới đối mặt với những bất ổn, rủi ro và hệ quả từ xung đột địa chính trị, nhiều quốc gia bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc, hạ triển vọng, trong khi đó, Việt Nam nằm trong số vài nước trên toàn cầu được 2 tổ chức Moody’s và S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia.
Cụ thể, S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên một bậc, từ mức BB lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”; Moody’s nâng hệ số tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức Ba3, triển vọng Tích cực lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Năm 2023, Việt Nam lại tiếp tục được tổ chức Fitch nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm, từ mức BB lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
Với kết quả nêu trên, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam theo thang điểm của S&P và Fitch chỉ còn cách định mức Đầu tư 1 bậc; theo thang điểm của Moody’s cách 2 bậc, giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu đạt định mức Đầu tư vào năm 2030 đề ra tại Đề án.
“Việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành tích cực trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm", ông Trương Hùng Long khẳng định.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.
Theo ông Arne Fraemk - Trưởng Dự án “Tăng cường quản lý tài chính công”, Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh (GIZ Việt Nam), Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển đổi sang quốc gia thu nhập cao và điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn ODA đổ về sẽ giảm xuống. Do đó, Việt Nam có nhu cầu hỗ trợ lớn cho đầu tư phát triển. Việc huy động vốn hết sức quan trọng, song cũng tạo ra rủi ro cho tín dụng của Nhà nước. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới các mối quan hệ với các nhà đầu tư-chủ nợ, trong khi quan hệ với nhà đầu tư là vô cùng quan trọng.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức hỗ trợ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hợp tác nhiều hơn với các nhà đầu tư thông qua việc minh bạch, chia sẻ thông tin báo cáo tài chính. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 theo Đề án… Mục tiêu là nhằm tăng cường uy tín trên toàn cầu để giảm chi phí vay nợ. Dự án của chúng tôi nhằm tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam với sự đồng tài trợ của Chính phủ Đức và Liên minh Châu Âu thông qua GIZ. Đây là dịp để chúng ta thảo luận vấn đề quan hệ nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đồng thời, là cơ hội trao đổi kinh nghiệm chuyên môn quốc tế, kinh nghiệm từ các ngân hàng, doanh nghiệp để cải thiện định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, qua đó tạo nền tảng trao đổi nội dung để cải thiện quan hệ với nhà đầu tư", ông Arne Fraemk chia sẻ.
Tăng cường quan hệ nhà đầu tư
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Karby Legget - Giám đốc điều hành toàn cầu Khối tổ chức chính thức, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Việt Nam là một trong hai quốc gia châu Á duy nhất được nâng hạng trong năm 2023; được thúc đẩy bởi kỳ vọng về nền kinh tế vĩ mô mạnh mẽ trong trung hạn. Điều này có được nhờ sự vượt trội kinh tế bền vững so với các nước trong khu vực; mức nợ công luôn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực; các khoản thu từ tài khoản vãng lai phục hồi trong tình hình thế giới bất ổn; sự vượt trội của dòng vốn FDI qua các năm so với các nước trong khu vực ASEAN. Triển vọng kinh tế và tình hình tài khóa của Việt Nam tương đương với các quốc gia được xếp hạng Đầu tư trong khu vực, có khả năng cải thiện điểm số thể chế và vị thế dự trữ.
Theo ông Karby Legget, bên cạnh những thế mạnh nêu trên, hiện nay xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có hạn chế, thách thức như: Các rủi ro tài chính vĩ mô tiềm ẩn xuất phát từ gia tăng tín dụng tương đối cao và nợ tại khu vực tư nhân; Rủi ro nợ tiềm ẩn do những hạn chế về cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng; Các hạn chế và thách thức về thể chế chính trị được so với các nước khác ở thị trường mới nổi.
“Hiện nay, các nhà đầu tư đều mong muốn được tiếp cận thông tin chất lượng cao từ sự minh bạch dữ liệu. Các quốc gia phải đăng ký tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu đặc biệt hoặc tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu đặc biệt mở rộng; phải công bố dữ liệu về hoạt động của chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài một cách kịp thời với dữ liệu mới nhất không quá 12 tháng; dữ liệu phải được tổng hợp theo từng quý. Vì vậy, cần thiết lập cơ quan chuyên trách của Chính phủ có nhiệm vụ quan hệ nhà đầu tư”, ông Karby Legget khuyến nghị.
Với tư cách là chuyên gia độc lập, ông Juan Pradelli đã chia sẻ một số thông lệ tốt về quan hệ nhà đầu tư trong quản lý nợ công. Theo đó, quan hệ nhà đầu tư là trách nhiệm quản trị chiến lược tích hợp tài chính, truyền thông, tiếp thị và tuân thủ Luật Chứng khoán để cho phép truyền thông hai chiều hiệu quả nhất giữa một quốc gia, cộng đồng tài chính và các bên liên quan khác, cuối cùng góp phần vào việc định giá hợp lý chứng khoán nợ của một quốc gia.
Cùng với đó, trách nhiệm của Văn phòng Quan hệ đầu tư (IRO) đó là củng cố giao tiếp và xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền và những người tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, phối hợp, biên soạn và phổ biến dữ liệu và thông tin liên quan đến thị trường một cách chính xác và kịp thời như: Báo cáo tài chính và kinh tế; Báo cáo tài chính; Thông cáo báo chí; Các tiết lộ khác với các yêu cầu pháp lý.
Ông Juan Pradelli cũng đưa ra khuyến nghị, cần có các nguyên tắc công bố lượng lớn dữ liệu kinh tế vĩ mô, thu nhập và tài chính để đảm bảo tính minh bạch và truyền đạt tới các bên tham gia thị trường. Thông tin này là bắt buộc đối với bản ghi nhớ chào bán trái phiếu cho Nhà đầu tư và thuyết trình cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Dữ liệu và phân tích phải được lập bằng tiếng địa phương và tiếng nước ngoài (bao gồm các báo cáo và trang web). Đồng thời, cần tăng cường hợp tác giữa Văn phòng quan hệ đầu tư và các đơn vị khác trong Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và Cục Thống kê để cải thiện tính khả dụng và phân tích dữ liệu.