Mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2016
Nhà quản lý, cũng như các thành viên thị trường đang hoàn tất những khâu cuối cùng để có thể mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh trong năm tới.
Mối quan tâm lớn từ thị trường
Các thành viên thị trường thể hiện sự quan tâm lớn đến lộ trình triển khai TTCK phái sinh, khi đặt ra nhiều câu hỏi cho lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại Hội thảo TTCK phái sinh do UBCK phối hợp với Tập đoàn Đầu tư Shinha (Hàn Quốc) tổ chức ngày 30 - 31/7. Hội thảo thu hút đông đảo các thành viên thị trường tham dự: Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký (VSD), CTCK, công ty quản lý quỹ…
Đại diện CTCP Quản lý quỹ VinaWealth đặt câu hỏi, hợp đồng tương lai chỉ số là một trong hai sản phẩm phái sinh đầu tiên mà UBCK đang xây dựng, để triển khai khi mở cửa TTCK phái sinh trong năm tới. Vậy chỉ số cơ sở cho triển khai sản phẩm này có phải bắt buộc do Sở GDCK xây dựng và quản lý không, hay các nhà cung cấp dịch vụ có thể xây dựng các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, NĐT?
Giải đáp thắc mắc trên, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, về nguyên tắc, việc triển khai hợp đồng tương lai chỉ số tuân theo thông lệ quốc tế. Đến nay tại Việt Nam, Sở GDCK là đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và quản lý các bộ chỉ số. Do đó, việc triển khai hợp đồng tương lai chỉ số sẽ dựa trên bộ chỉ số do Sở GDCK xây dựng và quản lý.
“Một câu hỏi mà nhiều NĐT đặt ra là tại sao không xây dựng hợp đồng tương lai cho từng loại cổ phiếu, để giúp họ phòng ngừa rủi ro? Thực tế kinh nghiệm triển khai TTCK phái sinh trên thế giới cho thấy, không có thị trường nào sử dụng một hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro cho từng cổ phiếu đơn lẻ”, ông Long khẳng định và cho biết thêm, về nguyên tắc, việc triển khai hợp đồng tương lai chỉ số cho phép phòng ngừa rủi ro cho không chỉ các cổ phiếu trong danh mục xây dựng nên chỉ số, mà cho cả các cổ phiếu ngoài danh mục này vì giữa biến động giá cổ phiếu và chỉ số có mối liên quan với nhau.
Liên quan đến thắc mắc của các CTCK là tỷ lệ ký quỹ của NĐT do CTCK tự xác định, hay do VSD xác định, ông Long cho biết, VSD sẽ xác nhận tỷ lệ ký quỹ đến tận chân tài khoản của NĐT và thông báo cho các CTCK biết để thực hiện. Từ tỷ lệ ký quỹ do VSD thông báo, trên cơ sở mức độ tín nhiệm của các khách hàng, CTCK có quyền đưa ra tỷ lệ ký quỹ cao hơn hoặc bằng VSD.
Giải đáp câu hỏi: Trong Nghị định 42/2015 về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh có quy định về chứng khoán phái sinh không niêm yết. Vậy mức độ chấp nhận của TTCK phái sinh Việt Nam đối với việc triển khai sản phẩm này như thế nào? Ông Long cho hay, sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009 cho thấy, rủi ro chính trên TTCK phái sinh tiềm ẩn ở mảng chứng khoán phái sinh không niêm yết. Do đó, các quốc gia đã kiểm soát chặt hoạt động giao dịch của chứng khoán phái sinh không niêm yết bằng việc chuẩn hóa các sản phẩm này để đưa vào niêm yết. Cùng với đó, các hoạt động thanh toán được thực hiện qua hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), qua đó giúp nhà quản lý quản trị rủi ro tốt hơn.
“Đón bắt xu hướng trên của thế giới, Nghị định 42/2015 quy định: với chứng khoán phái sinh không niêm yết, trước và sau khi giao kết, thực hiện hợp đồng, NĐT phải thông báo bằng văn bản cho VSD. Việc giao dịch, bù trừ, thanh toán, thực thi hợp đồng chứng khoán phái sinh không niêm yết thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch và phù hợp với quy định pháp luật liên quan…”, ông Long nói.
Hoàn thiện những khâu cuối cùng
Đại diện UBCK cho biết, UBCK đang trong giai đoạn hoàn tất những khâu cuối cùng cho mở cửa TTCK phái sinh trong năm tới. Do chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh là vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam, nên việc vận hành và cung cấp dịch vụ trên thị trường này đặt ra nhiều thách thức cho cả cơ quan quản lý và các thành viên thị trường. Vì vậy, công tác xây dựng năng lực tổ chức và quản lý TTCK phái sinh phải được thực hiện dựa trên kinh nghiệm quốc tế là chủ yếu, bảo đảm bám sát thông lệ quốc tế tốt nhất.
Theo ông Long, khác với các lần hội thảo trước, Hội thảo lần này không chỉ phổ biến những thông tin cơ bản, quan trọng nhất liên quan đến TTCK phái sinh Việt Nam, mà còn lấy ý kiến các thành viên thị trường đóng góp bổ sung vào dự thảo Thông tư hướng dẫn TTCK phái sinh, bảo đảm văn bản hướng dẫn khả thi, rõ ràng để thị trường hoạt động hiệu quả.
Tham dự hội thảo, các thành viên thị trường còn được các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nói chung, Hàn Quốc nói riêng về các hoạt động thanh toán bù trừ, thiết kế sản phẩm và cơ chế giao dịch chứng khoán phái sinh...
Sắp tới, UBCK sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo chuyên sâu mang tính kỹ thuật, với sự góp mặt của các chuyên gia từ các tập đoàn tài chính lớn, có uy tín và từ các quốc gia có TTCK phái sinh phát triển, để tạo điều kiện cho thị trường, thành viên thị trường tìm hiểu về phương thức và cách thức cung cấp dịch vụ trên TTCK phái sinh, đồng thời cũng nhằm phổ cập kinh nghiệm và kỹ thuật đầu tư, kiến thức để công chúng đầu tư nắm được nguyên lý hoạt động của sản phẩm, phương thức quản lý đầu tư sao cho hiệu quả...