Mở cửa thị trường và cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics
(Tài chính) Thị trường logistics nước ta đã chính thức mở cửa hoàn toàn đối với nhà đầu tư nước ngoài từ ngày 11/1/2014. Sự xuất hiện của doanh nghiệp logistics nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh logistics trong nước cần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường logistics đang ngày một khốc liệt.
Cụ thể, Công ty cổ phần Logistics và khai thác cảng Gemadept đã quyết định thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực cho thuê bất động sản thông qua việc bán tòa nhà Gemadept Tower cho một đối tác Hàn Quốc với giá khoảng 45 triệu USD. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã tiến hành thoái vốn đầu tư khỏi thương hiệu nước khoáng Vĩnh Hảo.
Được biết, các doanh nghiệp khẩn trương thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nhằm tập trung vốn cho việc tăng cường đầu tư ngành nghề chính là khai thác cảng và dịch vụ logistics. Bởi từ ngày 11/1/2014, thị trường logistics nước ta đã hoàn toàn mở cửa. Các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài để kinh doanh, cung cấp các dịch vụ logistics như đại lý vận tải hàng hóa, hệ thống kho, bãi lưu giữ hàng hóa. Có thể thấy, các doanh nghiệp logistics trong nước nếu cứ phân tán nguồn lực tài chính thì sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và không đáp ứng được nguồn vốn để đầu tư đầy đủ cho ngành nghề chính và phát triển doanh nghiệp của mình.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) Đỗ Xuân Quang khẳng định, các doanh nghiệp buộc phải có hướng đi riêng khi thị trường mở cửa để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài một cách tự do và công bằng. Trong đó, việc thu hồi vốn ở các lĩnh vực khác nhằm tập trung nguồn lực tăng cường đầu tư vào công nghệ, phương tiện, nhân lực để có thể đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế đặt ra, là điều cần khẩn trương thực hiện, nếu không, doanh nghiệp logistics nội địa sẽ phải nằm ngoài cuộc đua. Đây là vấn đề không quá khó đối với các doanh nghiệp lớn, song lại là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp logistics nhỏ có thể cùng đầu tư hoặc thực hiện liên doanh, liên kết về vốn, công nghệ tạo thành các tổ hợp kinh doanh dịch vụ logistics ở một khâu cụ thể trong chuỗi cung ứng. Nếu thực hiện liên kết và kinh doanh các khâu có hiệu quả thì cơ hội cạnh tranh vẫn cân bằng cho cả doanh nghiệp logistics trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, với lợi thế sân nhà, các công ty logistics nội địa thậm chí vẫn có cơ hội, lợi thế cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, một số quyết định có hiệu lực trong thời gian tới sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp logistics. Chẳng hạn, đến cuối năm 2014, Tổng cục Hải quan sẽ ngưng cấp phép cho kho ngoại quan có diện tích nhỏ, dưới 5.000m2; và quy định siết chặt hàng hóa ra vào kho ngoại quan nhằm chống thất thu thuế. Chính sách siết chặt là vậy, bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải gánh nhiều khoản phí như phí dịch vụ kiểm soát hải quan, thuê kho, lưu kho…
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp logistics trong nước, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ cần chủ động liên kết với các ngân hàng đưa ra gói kết hợp dịch vụ tài chính và logistics để cung cấp cho các công ty xuất nhập khẩu một dịch vụ trọn gói từ khâu thủ tục, vận chuyển đến cho vay thanh toán nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ thực hiện các khâu như làm thủ tục hải quan, vận tải, vay thanh toán tiền ngay tại kho và chỉ thông qua một đầu mối là ngân hàng hoặc đối tác của ngân hàng.
Theo nghiên cứu, giải pháp logistics và tài chính khép kín sẽ tiết giảm cho doanh nghiệp 5% chi phí logistics và khoảng 20% chi phí thanh toán quốc tế, bởi thông tin về hàng hóa tại kho của đối tác đã được các ngân hàng nắm rõ nên quy trình, thủ tục thẩm định sẽ đơn giản, nhanh gọn hơn. Bên cạnh đó, tính hấp dẫn của dịch vụ hoạt động kho, bãi, nhất là kho ngoại quan, đang ngày càng giảm sút trong mắt các nhà đầu tư nên các chính sách siết chặt hoạt động này cũng cần tính đến lợi ích của doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn chung của toàn nền kinh tế.