Xử lý nợ xấu:
Mở đường “hút” nhà đầu tư ngoại
(Tài chính) Thị trường nợ xấu của Việt Nam đang được các nhà đầu tư (NĐT) ngoại rất quan tâm và muốn có cơ hội tham gia xử lý nợ xấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, các NĐT ngoại đang gặp phải không ít thách thức trong vấn đề này.
Nhiều trở ngại, khó khăn
PGS., TS. Phan Thị Thu Hà (Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, nợ xấu của Việt Nam ước khoảng 10% GDP, tập trung vào các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong 256.000 tỷ đồng nợ xấu, phần lớn “đọng” trong các dự án bất động sản, hàng tồn kho, trong máy móc thiết bị và phần khác đã bị “bốc hơi” cùng với khách hàng vốn là các doanh nghiệp (DN) nhà nước, các tập đoàn kinh tế…
Thực tế cho thấy, thị trường nợ xấu của Việt Nam rất hấp dẫn và theo các NĐT nước ngoài thì việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là khá tích cực. Tuy nhiên, hiện tại thì số lượng ngân hàng thương mại đăng ký bán nợ và số lượng NĐT nước ngoài đăng ký mua nợ rất nhiều, VAMC đang gặp khó khăn trước “năng lực thể chế có hạn và nguồn lực chỉ có 50 người”.
Tuy quan tâm đến nợ xấu Việt Nam, nhưng các NĐT ngoại cũng gặp phải không ít trở ngại. Vấn đề khiến NĐT nước ngoài lo ngại nhất khi mua nợ xấu của Việt Nam là thủ tục. Trong số 16 đoàn NĐT nước ngoài vào tìm hiểu thị trường Việt Nam, hầu hết họ đều khẳng định điều mà các NĐT mong mỏi nhất là thủ tục mua nợ và bán nợ phải triển khai thật nhanh.
Bên cạnh đó, một số quy định pháp lý cũng khiến các NĐT phải lo lắng. Đó là việc họ không thể sở hữu được đất đai ở Việt Nam, họ sẽ không thể mua được một khoản nợ mà không có quyền với tài sản thế chấp đi kèm nó.
Ngoài ra, còn có một số rào cản mà các NĐT nước ngoài còn gặp phải. Tuy đây không phải là vấn đề mới nhưng cũng phải “bàn đi tính lại” nhiều lần. Đó là số liệu về nợ xấu của chính các tổ chức tín dụng công bố còn chưa thống nhất. Ở một thị trường mà không có sự minh bạch thông tin thì khó mà thu hút NĐT ngoại.
Những chi phí về mặt thời gian như: thủ tục hành chính, công tác bàn giao hồ sơ, bán tài sản… ở Việt Nam rất rườm rà, mất thời gian cũng chính là nguyên nhân khiến các NĐT lo ngại. Không những vậy, vấn đề quy trình ra quyết định và thiện chí hợp tác cũng là trở ngại lớn. DN tư nhân thường có được những quyết định nhanh, nhưng với những DN có vốn nhà nước, thì phải chờ thống nhất ý kiến, xin ý kiến chỉ đạo mới có được các quyết định, hơn nữa là tâm lý lo phải chịu trách nhiệm, lo “bán giá thấp thì mất vốn nhà nước” nên không dám quyết. Việc chậm có quyết định cũng là một cản trở thu hút NĐT nước ngoài.
Tạo cơ chế chính sách thuận lợi
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, việc các NĐT nước ngoài tham gia mua lại các khoản nợ xấu của DN là xu thế tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Ông John M. Sheehan - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á - Tập đoàn quản lý tài sản độc lập Capital Service cho biết, với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, VAMC khó có đủ tiền để xử lý nợ xấu, mà rất cần đến vốn nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam lại là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nên nợ xấu của Việt Nam cũng được nhiều NĐT quan tâm.
Không thể phủ nhận ưu điểm của các NĐT ngoại hiện nay. Họ có thế mạnh thế mạnh về tiền, giàu kinh nghiệm và kỹ năng thẩm định tình trạng các món nợ và tài sản bảo đảm. Điều này giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Ngoài ra, với tiềm lực mạnh về vốn, sự tham gia của khối ngoại sẽ làm tăng tính minh bạch cho việc mua bán nợ. Đồng thời tạo ra thị trường mua bán nợ sôi động hơn và thanh khoản cao hơn.
Trên thế giới, việc kêu gọi NĐT ngoại xử lý nợ xấu đã được nhiều nước thực hiện. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, việc giải quyết nợ xấu càng sớm thì chi phí giải quyết càng đỡ đắt đỏ. Ví dụ như trường hợp Thái Lan với sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã tích cực xử lý nợ xấu sớm và giúp hệ thống ngân hàng nước này vượt qua khủng hoảng nhanh hơn Philippines tới 4 năm.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân hàng nào bán nợ nhanh nhất sẽ là ngân hàng chiến thắng. Một nguyên tắc đơn giản là càng tranh mua thì bán càng được giá. Do vậy, nếu Việt Nam sớm mở cửa cho các NĐT nước ngoài cạnh tranh mua nợ, thì nợ xấu không chỉ được xử lý nhanh hơn, mà còn "được giá" hơn.
Nhiều NĐT ngoại cho biết để thu hút họ tham gia mua nợ xấu, Việt Nam cần xây dựng một cơ sở hạ tầng mua nợ xấu tốt nhất cho NĐT, bao gồm lập pháp, định chế, tài chính... Giải quyết được vấn đề này thì nợ xấu của Việt Nam sẽ trở thành hấp lực, "không mời mà cũng sẽ có nhiều NĐT đến".