Mở lối cho hành trình số hóa tại doanh nghiệp
Ðể thích ứng với những diễn biến phức tạp từ dịch COVID-19, chuyển đổi số (CÐS) đang là giải pháp tối ưu được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn. Tuy nhiên, làm thế nào để CÐS hiệu quả; chọn giải pháp CÐS nào để phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh; cần chuẩn bị gì cho hành trình CÐS… đang là những vấn đề được đông đảo DN quan tâm.
Xu thế tất yếu
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, nhận định: Từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 khiến rất nhiều DN phải rút lui khỏi nền kinh tế. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm giúp các DN nhận ra được tầm quan trọng của CÐS và nhanh chóng bắt nhịp với xu thế này. Dịch COVID-19 gửi đi thông điệp mạnh mẽ: CÐS không còn là mục tiêu mà là mệnh lệnh buộc DN phải thay đổi. Theo ông Hoàng Quang Phòng, tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CÐS quốc gia, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu CÐS quốc gia hướng đến xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ðiều này cho thấy, tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải tham gia chứ không không riêng gì DN. Hội thảo giúp cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN sản xuất nói riêng tìm giải pháp phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại để CÐS thành công, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các đột phá trong sản xuất kinh doanh, hướng tới nền sản xuất thông minh.
Theo các chuyên gia, mặc dù COVID-19 gần như “đóng băng” ngành sản xuất, nhưng lại là yếu tố thôi thúc các DN trong ngành phải đổi mới để ứng phó với những thách thức trước mắt và chuẩn bị cho tương lai lâu dài. Ông Nguyễn Trung Kiên, Quản lý cấp cao Kênh đối tác Microsoft Việt Nam, nhận định: CÐS là xu thế tất yếu và DN hiện nay có nhu cầu CÐS rất lớn.
Dự báo, đến năm 2026, thế giới sẽ có 70% DN áp dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra quyết định về mặt sản xuất, 90% các DN liên quan đến chuỗi cung ứng đầu tư vào công nghệ để cải thiện quy trình nghiệp vụ, 30% DN sẽ đầu tư vào công nghệ trên nền tảng số để quản lý.
Nhận thức được tầm quan trọng của CÐS, nhưng hành trình số hóa của DN Việt đã và đang gặp nhiều cản ngại. Ông Lê Văn Khương - Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), cho biết: Qua thống kê cho thấy, quá trình số hóa của các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỉ USD vào GDP năm 2024.
Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% DN nhỏ và vừa phản ứng thụ động với sự thay đổi của thị trường; gần 80% máy móc mà các DN Việt Nam đang sử dụng là công nghệ cũ của thập niên 1980-1990 nên gặp rào cản lớn trong CÐS. Hơn nữa, hành trình CÐS của các DN Việt Nam hiện nay còn khó khăn do thiếu kỹ năng số và nguồn nhân lực; thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh; thiếu tư duy hoặc thách thức về văn hóa DN; mô hình CÐS không phù hợp...
Chuẩn bị tâm thế cho hành trình số hóa
Cụ thể hóa Chương trình CÐS quốc gia, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang triển khai chương trình hỗ trợ DN CÐS giai đoạn 2021-2025 thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, 100% DN được nâng cao nhận thức về CÐS; tối thiểu 100.000 DN được nhận các hỗ trợ từ chương trình; 100 DN được hỗ trợ là các thành công điển hình trong CÐS, hướng tới các DN sản xuất, chế biến và thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy CÐS. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, để CÐS thành công, DN cần tập trung vào 5 yếu tố:
Thứ nhất, phải chuyển đổi lực lượng lao động bằng cách triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi cách thức nhân viên giao tiếp, cộng tác và chia sẻ dữ liệu trong công việc.
Thứ hai, xây dựng các nhà máy linh hoạt bằng việc áp dụng công nghệ và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động.
Thứ ba, kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, đem lại những trải nghiệm khách hàng trên toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing, ví dụ như thiết lập các trợ lý ảo giúp kết nối với khách hàng trên nền tảng số, các dịch vụ hỗ trợ từ xa và bán hàng trực tuyến.
Thứ tư, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, trong đó cần thiết lập những kế hoạch đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng và triển khai chuỗi cung ứng tự chủ.
Thứ năm, đổi mới và tạo ra những dịch vụ mới bằng việc khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt với dịch vụ số và sản phẩm bền vững.
Số hóa là hành trình dài, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực lớn từ phía các DN. Vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng khuyến nghị các DN cần có chiến lược chuyển đổi rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn và lượng hóa mọi tiêu chí để có thể chọn phương án, giải pháp CÐS phù hợp. “Khi bắt đầu CÐS, DN có 3 vấn đề quan tâm: ngân sách, tư duy và lựa chọn công nghệ phù hợp.
Thực tế cho thấy, CÐS trong ngành sản xuất không chỉ đơn thuần là việc tự động hóa dây chuyền sản xuất hay phân tích tốt hơn dữ liệu hiện có. Nó còn liên quan đến sự thay đổi trong suy nghĩ, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mới. Việc sẵn sàng thay đổi tư duy và ứng dụng những công nghệ mới sẽ giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.