Mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ kỹ thuật số

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 03/2021

Kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số hay còn gọi là thương mại số dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ lệ cao, cụ thể đến năm 2025, giá trị thương mại số dự kiến chiếm 50% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước nói chung, việc triển khai các chính sách thuế quốc gia của các nước nói riêng, nhất là đối với nước đang phát triển như Việt Nam. Bài viết nghiên cứu thực trạng mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ kỹ thuật số ở một số nước, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam.

Thực tiễn đánh thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số ở một số quốc gia

Định nghĩa về dịch vụ kỹ thuật số (KTS) giữa    các nước tuy khác nhau, song tựu chung là cung cấp trực tuyến các trò chơi, sách điện tử, phần mềm, ứng dụng, lưu trữ web và các dịch vụ đám mây khác, đăng ký vào các trang web thành viên, báo và tạp chí trực tuyến, cờ bạc trực tuyến…

Việc áp dụng thuế dịch vụ KTS được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia tránh được những thiệt hại.

Khảo sát cho thấy, các quốc gia trên thế giới đang nhanh chóng mở rộng thuế giá trị gia tăng (GTGT)/ thuế hàng hóa và dịch vụ, hoặc một sắc thuế mới là thuế dịch vụ KTS đối với việc bán hoặc cung cấp dịch vụ KTS của nhà cung cấp nước ngoài cho người tiêu dùng cuối cùng. Cụ thể:

Pháp:

Luật Thuế dịch vụ KTS của Pháp áp dụng thời gian hồi tố kể từ ngày 1/1/2019. Phạm vi áp dụng   của Luật đối với các loại hình dịch vụ sau: Bán hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến; Cung cấp giao diện KTS, các dịch vụ truyền thông và dịch vụ thanh toán; Dịch vụ được cung cấp giữa các công ty thuộc cùng một tập đoàn…

Các dịch vụ chịu thuế dịch vụ KTS được thực hiện hoặc cung cấp tại Pháp khi: (i) Một trong những người dùng thực hiện việc bán hoặc cung cấp dịch vụ được đặt tại Pháp hoặc trong trường hợp không bán hàng/cung cấp dịch vụ, khi một trong những người dùng có tài khoản được mở từ Pháp để sử dụng các dịch vụ này; hoặc (ii) Dữ liệu được lấy từ sự tư vấn về giao diện KTS của người dùng ở Pháp, hoặc khi thông điệp quảng cáo được đặt trên một giao diện KTS được tư vấn bởi người dùng ở Pháp.

Người nộp thuế là các công ty nước ngoài và công ty của Pháp có tổng số tiền hàng năm nhận được khi xem xét các dịch vụ chịu thuế tích lũy vượt quá hai ngưỡng: 750 triệu EUR doanh thu toàn cầu và 25 triệu EUR được tạo ra ở Pháp.

Cơ sở thuế bao gồm tất cả các khoản thu trên toàn cầu (tổng doanh thu) mà người nộp thuế nhận được (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với các dịch vụ chịu thuế, nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) đại diện cho tỷ lệ dịch vụ chịu thuế được thực hiện hoặc cung cấp tại Pháp.

Thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ KTS là 3%.

Nga:

Nga sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan về thuế GTGT và áp dụng từ tháng 01/2017. Phạm vi áp dụng của Luật đối với các loại hình dịch vụ sau: Chơi game trực tuyến; Phần mềm trực tuyến và hỗ trợ tự động; Đăng ký tin tức và các trang nội dung khác; Phát sóng truyền hình, phát thanh; Dịch vụ điện thoại và dữ liệu trực tuyến; Dịch vụ lưu trữ web hoặc cơ sở dữ liệu trực tuyến; Dịch vụ quảng cáo trực tuyến, tự động; Bộ nhớ và lưu trữ dữ liệu trực tuyến đám mây hoặc tương tự; Các dịch vụ tự động liên quan đến tên miền. Không bao gồm: truy cập internet; dịch vụ tư vấn được cung cấp qua email.

Về đăng ký thuế: Các nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng ký với cơ quan thuế thông qua đại lý thuế hoặc trực tiếp qua cổng đăng ký trực tuyến của cơ quan thuế.

Về kê khai thuế: Các nhà cung cấp nước ngoài được nộp tờ khai hàng quý, đến hạn trước ngày 25 của tháng tiếp theo. Các tờ  khai  thuế  GTGT  dịch vụ điện tử đơn giản hóa không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hoặc trừ chi phí.

Về nộp thuế: Các khoản thuế GTGT phải được thanh toán bằng đồng Rúp của Nga.

Về lưu giữ hồ sơ: Các quy tắc chi tiết kiểm soát việc ghi chép và xử lý các giao dịch của Nga bao gồm: Yêu cầu về hóa đơn; Dịch thuật và báo cáo ngoại tệ; Quy tắc tính thuế ngược...

Thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ KTS là 20%.

Indonesia:

Nước này đã sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan về thuế GTGT, thời điểm áp dụng kể từ tháng 08/2020. Phạm vi áp dụng của Luật đối với các loại hình dịch vụ sau: Các ứng dụng tải xuống và phát trực tuyến phương tiện truyền thông; sách điện tử; phần mềm đám mây; đăng ký tạp chí trực tuyến; phí thành viên của các hiệp hội trực tuyến và đánh bạc trực tuyến.

Người nộp thuế là nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện và thành lập tại Indonesia. Nước này áp dụng ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo hai tiêu chí: (i) Doanh thu hàng năm từ 600 triệu IDR; (ii) Hơn 12.000 người tiêu dùng Indonesia mỗi năm.

Indonesia sẽ công khai danh tính trên phương tiện truyền thông trực tuyến về các Nhà cung cấp nước ngoài có lượng tải xuống lớn. Khi đăng ký thuế, Indonesia cung cấp một ID duy nhất và quyền truy cập

vào cổng nộp hồ sơ trực tuyến. Quy định hóa đơn phải được lập và lưu giữ cho tất cả các lần cung cấp dịch vụ trong trường hợp thanh tra/kiểm tra trong tương lai.

Hạn nộp các tờ khai thuế tóm tắt là hàng quý. Ngoài ra, Nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu mức độ về giao dịch hàng năm cho kỳ nộp báo cáo cuối cùng trong năm. Việc nộp thuế GTGT được thực hiện hàng tháng và có thể nộp bằng đồng Rupia hoặc bằng ngoại tệ khác.

Thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với dịch vụ KTS là 10%.

Hàn Quốc:

Khảo sát cho thấy, các quốc gia trên thế giới đang nhanh chóng mở rộng thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa và dịch vụ, hoặc một sắc thuế mới là thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với việc bán hoặc cung cấp dịch vụ kỹ thuật số của nhà cung cấp nước ngoài cho người tiêu dùng cuối cùng.

Hàn Quốc đã sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan về thuế GTGT và áp dụng từ tháng 07/2015. Phạm vi áp dụng của Luật đối với các loại hình dịch vụ sau: Trò chơi, nhạc, tệp video; Tài liệu và phần mềm; Nâng cấp các dịch vụ trên; Dịch vụ máy tính đám mây (từ tháng 7/2019).

Đăng ký thuế: Nhà cung cấp nước ngoài tiến hành đăng ký tại Cơ quan Thuế Quốc gia Hàn Quốc hoặc thông qua Đại lý thuế hoặc trung gian đăng ký thuế GTGT. Tờ khai thuế GTGT được nộp hàng quý, trước ngày 25 của tháng sau khi kết thúc quý báo cáo. Các quy tắc chi tiết kiểm soát việc ghi chép và xử lý các giao dịch của Hàn Quốc bao gồm: Yêu cầu về hóa đơn của Hàn Quốc; Dịch thuật và báo cáo ngoại tệ; Các giấy báo có và đính chính và Hồ sơ kế toán nào phải được lưu giữ. Thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với dịch vụ KTS là 10%. 

Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

 Từ thực tiễn áp dụng thuế dịch vụ KTS của các nước có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam như sau:

Về khuôn khổ pháp lý:

 Việt Nam quy định nguyên tắc điểm đến tại Điều 3 Luật Thuế GTGT năm 2008. Theo đó, đối tượng chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam...”. Tuy nhiên, cần có các quy định hướng dẫn bổ sung như:

- Xác định như thế nào là cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam. Trong trường hợp dịch vụ không được cung cấp thông qua một thiết bị chuyên dụng, nhà cung cấp nước ngoài được yêu cầu có hai bằng chứng khác nhau về nơi cư trú của khách hàng.

- Nhà cung cấp nước ngoài cung cấp các sản phẩm và dịch vụ KTS cho người tiêu dùng tại Việt Nam là đối tượng đăng ký kê khai, nộp thuế GTGT và việc thực hiện các nghĩa vụ này được thực hiện theo phương thức trực tuyến ở cấp độ 4.

- Các dịch vụ KTS thuộc phạm vi áp dụng và nên có một Phụ lục trình bày định nghĩa về danh mục các dịch vụ KTS.

- Xác định tình trạng khách hàng là doanh nghiệp hay cá nhân tiêu dùng trong giao dịch dịch vụ KTS xuyên biên giới theo một số chỉ dấu sau: Số nhận dạng, chẳng hạn như mã số đăng ký thuế GTGT hoặc mã số thuế doanh nghiệp cho biết danh tính doanh nghiệp và đăng ký của khách hàng. Nếu trạng thái kinh doanh không thể được xác định, mặc định sẽ là giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng và phải tính thuế GTGT..

- Áp dụng mức thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ KTS theo mức thuế suất tiêu chuẩn.

Đơn giản hóa các thủ tục đăng thuế để bảo đảm tuân thủ:

Mục đích nhằm đảm bảo các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ quy trình đăng ký như: Thủ tục đăng ký đơn giản hóa với thông tin bắt buộc được giữ ở mức tối thiểu và công cụ đăng ký trực tuyến tại trang web của cơ quan thuế; Không khấu trừ thuế đầu vào nhưng các nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng ký theo chế độ thuế thông thường và khấu trừ thuế đầu vào theo quy định thông thường; Tờ khai thuế đơn giản hóa, kê khai điện tử; Các phương thức nộp thuế điện tử; Các yêu cầu lưu trữ sổ sách được đơn giản hóa và theo phương thức điện tử; Công bố trực tuyến tất cả các thông tin cần thiết để đăng ký và tuân thủ chế độ đơn giản hóa; Sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba để hỗ trợ tuân thủ thuế.

Tuân thủ và thực thi: 

Các nhà cung cấp nước ngoài có thể không có sự hiện diện thực tế tại Việt Nam nhưng các tương tác của họ với khách hàng, sẽ để lại dấu vết tài chính và điện tử. Để xác định các nhà cung cấp có khả năng không tuân thủ, đòi hỏi sử dụng rộng rãi thông tin của bên thứ ba, cơ quan thuế Việt Nam (cấp Tổng cục) cần truy cập một số hoặc tất cả các nguồn dữ liệu như:

Thông tin từ báo cáo thuế và hoạt động thanh kiểm tra liên quan đến các doanh nghiệp mua từ các nhà cung cấp trực tuyến nước ngoài; (ii) Chi tiết về các nhà cung cấp trực tuyến đã đăng ký với các cơ quan khác của Chính phủ; (iii) Thông tin từ các đối tác Hiệp định thuế về các nhà cung cấp trực tuyến có trụ sở tại nước/vùng lãnh thổ của họ; (iv) Thường xuyên rà soát thị trường ảo và trên các chợ kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số để xác định các nhà cung cấp nước ngoài dường như cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng địa phương chưa đăng ký để nộp thuế; (v) Thông tin từ các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng về thanh toán xuyên biên giới; (vi) Thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ internet có thể xác định các trường hợp bán hàng cho người tiêu dùng địa phương.

Quá trình phát hiện cần được hỗ trợ bằng các biện pháp xử phạt và ngăn chặn việc không tuân thủ. Bên cạnh các quy định xử phạt hành chính về thủ tục theo quy định cần có các hình phạt bổ sung như: Cấm kinh doanh tại thị trường địa phương, cắt đứt mối quan hệ với người tiêu dùng trong nước thông qua việc chặn quyền truy cập tới website của nhà cung cấp và chặn email của nhà cung cấp gửi đến khách hàng trong nước. Như vậy, thu thuế nói chung và thu thuế GTGT đối với dịch vụ KTS nói riêng đang là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, để hướng dẫn việc áp dụng các quy định trong Luật, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu thuế (bao gồm cả thuế GTGT) hiệu quả đối với doanh nghiệp nước ngoài; Xây dựng quy trình đăng ký thuế để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế và kê khai, nộp thuế qua mạng. Qua đó, tạo sự bình đẳng trong vấn đề thuế đối với các công ty trong nước và công ty nước ngoài.                                                        

Tài liệu tham khảo:

  1. OECD (2013), Action Plan on Base Erosion and Profit Shifting, OECDPublishing;
  2. OECD (2015), International Taxation and Global Forum, OECD Publishing;
  3. OECD (2019), Secretariat Proposal for a “Unified Approach” under Pillar One, OECD Publishing;
  4. OECD/G20 BEPS Project, Tax Challenges Arising from Digitalisation – Interim Report 2018;
  5. Report on France’s Digital Services Tax (2019), Office of the USTRepresentative;

Cácwebsite: avalara.com; mnetax.com, globalvatcompliance.com, vatupdate. com, ibfd.org, oecd.org…