Mở rộng không gian đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài
Ông Lê Hải Trà, Thành viên HĐQT, phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) chia sẻ về một số giải pháp để từng bước dỡ bỏ những rào cản nói trên nhằm thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Năm 2017, dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam tăng khá mạnh với giá trị danh mục của nhà ĐTNN tính đến cuối tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD, tăng trên 90% so với cuối năm 2016. Điều này đã tạo sức hút và quan tâm lớn của nhà ĐTNN vào TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay nhà ĐTNN chưa phải là đã hoàn toàn dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu môi trường đầu tư vào TTCK Việt Nam như khung pháp lý, quản trị công ty (QTCT) và cả những vấn đề nội tại của doanh nghiệp, của thị trường.
Từ góc độ là tổ chức vận hành thị trường, ông Lê Hải Trà, Thành viên HĐQT, phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Chứng khoán về một số giải pháp để từng bước dỡ bỏ những rào cản nói trên nhằm thu hút hơn nữa vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam trong năm 2017?
Ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh |
Ông Lê Hải Trà: Trong năm 2017, TTCK Việt Nam là một điểm nhấn tích cực của nền kinh tế, với chỉ số VN Index vào cuối năm 2017 tăng hơn 48% so với cuối năm 2016, vượt mốc cao nhất trong 10 năm qua, thuộc Top 3 chỉ số tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng thuộc các thị trường dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giá trị vốn hóa. Quy mô thị trường cổ phiếu trên HOSE tại ngày 29/12/2017 tăng 75,24% so với cuối năm 2016, đạt gần 120 tỷ USD, chiếm khoảng 91% vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu Việt Nam, tương đương 56% GDP năm 2016. Tính cả giai đoạn 2016 - 2017, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giá trị vốn hóa thị trường với tỷ lệ 61%. Thanh khoản thị trường cải thiện mạnh. Tính bình quân từ đầu năm 2017, giá trị giao dịch thị trường đạt hơn 4.245 tỷ đồng, tăng 73,77% so với cùng kỳ năm 2016.
Các dấu hiệu khởi sắc trên của thị trường có sự đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ĐTNN. Trong năm 2017, đã có 46.700 tỷ đồng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam. Trong khi giao dịch của dòng vốn ĐTNN diễn biến phức tạp tại các thị trường khu vực (mua bán ngược chiều liên tục), nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam đa phần là mua ròng trong năm 2017, ước tính đạt gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên HOSE (năm 2016, nhà ĐTNN bán ròng 7.729 tỷ đồng), tỷ trọng giao dịch của nhà ĐTNN vẫn duy trì ở mức 14,73%.
Tổng giá trị danh mục của nhà ĐTNN trên HOSE tăng mạnh, ước tính đạt 32,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 60% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và số lượng tài khoản nhà ĐTNN cũng tăng 15,78% trong năm 2017, trong đó nhà đầu tư có tổ chức tăng 20,91%.
Thực tế cho thấy nhà ĐTNN vẫn còn gặp một số khó khăn trong quá trình tiếp cận và tham gia sâu vào TTCK Việt Nam bởi nhiều yếu tố như vướng mắc pháp lý, QTCT còn yếu kém và những vấn đề nội tại khác của doanh nghiệp, của thị trường. Từ góc độ là tổ chức vận hành thị trường, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này và theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để từng bước dỡ bỏ những rào cản trên?
Đã 2 năm kể từ khi Nghị định số 60/2015/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp trên TTCK có thể nới “room” lên đến 100% đối với một số ngành nghề kinh doanh không có điều kiện và Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng thực tiễn cho thấy hiệu quả thu hút vốn ĐTNN của TTCK Việt Nam chưa được như kỳ vọng ban đầu. Theo thống kê, tính đến nay, chỉ có khoảng 20 công ty đại chúng (CTĐC) xác định tỷ lệ “room” tối đa là 100%, phần lớn các CTĐC niêm yết trên TTCK vẫn chưa thực hiện xác định lại “room”. Nguyên nhân chủ yếu do còn một số vướng mắc trong các hướng dẫn triển khai thực hiện và độ “vênh” về quy định giữa Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp khi doanh nghiệp đạt mức “room” trên 51%.
Bên cạnh vấn đề về “room”, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) Việt Nam thực tế khá thấp. Thống kê số liệu tại ngày 29/12/2017 cho thấy, tỷ lệ freefloat trung bình của các DNNY tại HOSE khoảng 45%, trong đó có khoảng 36 doanh nghiệp có tỷ lệ freefloat nhỏ hơn 20%, chiếm hơn 35% quy mô vốn hóa toàn thị trường. Nhà nước vẫn còn nắm giữ tỷ lệ lớn trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp lớn như ngân hàng, bảo hiểm (BVH, BID, CTG, VCB), dầu khí, xăng dầu (GAS, PLX).
Để mở rộng không gian đầu tư cho nhà ĐTNN, tôi cho rằng trước hết TTCK Việt Nam cần có giải pháp nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nâng cao tính minh bạch cũng như khả năng tiếp cận thị trường cho nhà ĐTNN, hướng đến mục tiêu sớm nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi.
Để giải quyết đồng bộ vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, có thể xem xét triển khai thêm các sản phẩm cơ chế giao dịch đặc thù để giải quyết nhu cầu của nhà ĐTNN như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) hoặc cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết (Restricted Shares). Đây là các sản phẩm được triển khai khá thành công tại thị trường Thái Lan, Malaysia và HOSE đã có đề án nghiên cứu trình Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ năm 2015.
Tuy nhiên, ngoài các chính sách từ cơ quan quản lý, các rào cản trên có được dỡ bỏ hay không còn phụ thuộc vào ý thức của chính các doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề minh bạch thông tin và QTCT. Một số DNNY hiện nay vẫn còn e ngại các quy chuẩn về công bố thông tin (CBTT) hoặc chưa chú trọng đến CBTT bằng tiếng Anh, đây là một trong những yếu tố làm khó cho nhà ĐTNN khi tiếp cận doanh nghiệp. HOSE cũng luôn chú trọng khuyến khích doanh nghiệp cải thiện vấn đề này trong nhiều năm qua thông qua các hoạt động Giải báo cáo thường niên, tổ chức các buổi tập huấn về QTCT và CBTT cho các doanh nghiệp, xây dựng bộ tiêu chí và đánh giá phát triển bền vững các DNNY...
Với những đề xuất giải pháp trên, ông kỳ vọng thế nào về dòng vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
TTCK Việt Nam đang có quy mô nhỏ nhất so với 6 nước ASEAN hàng đầu - gọi là ASEAN 6, gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển, đó là sự tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian dài và nguồn cung cho thị trường còn khá dồi dào.
Những nỗ lực thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với niêm yết của Chính phủ trong thời gian qua đã đóng góp lượng cung khá lớn cho TTCK. Trong khu vực tư nhân, nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành hơn và thấy được cơ hội dùng TTCK hỗ trợ cho chiến lược phát triển dài hạn. Đây cũng là yếu tố tích cực đóng góp vào sự tăng trưởng quy mô của TTCK Việt Nam.
Triển vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm 2018 là khá tích cực, đặc biệt tập trung vào các đợt CPH, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, có chất lượng. Số lượng dự kiến 181 DNNN thoái vốn trong năm 2018 (chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018 - 2020) sẽ tiếp tục tạo nên làn sóng lên sàn và IPO, kích hoạt một dòng tiền đáng kể từ nhà ĐTNN giúp đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng của TTCK.
Khả năng hấp thụ vốn gián tiếp nước ngoài của TTCK kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ quy mô thị trường gia tăng cũng như các chính sách thu hút dòng vốn ĐTNN của các cơ quan quản lý, hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường dịch vụ tài chính, TTCK, bảo hiểm… nhằm cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà ĐTNN.
Bên cạnh đó, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) và tính minh bạch của các DNNY nhìn chung trong thời gian qua được cải thiện đáng kể, cho thấy thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp của doanh nghiệp đối với thị trường và cổ đông, cũng hứa hẹn năm 2018 sẽ là một năm thành công trong thu hút vốn ĐTNN.
Nhân dịp Xuân mới, ông có thể chia sẻ một vài dự định trong kế hoạch phát triển của HOSE trong thời gian tới?
Tiếp bước một năm đầy sôi động của TTCK, trong năm 2018, HOSE ưu tiên tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, củng cố và phát triển TTCK cơ sở, gia tăng quy mô, độ sâu, tính thanh khoản thị trường, hướng đến mục tiêu rút ngắn khoảng cách so với các SGDCK trong khu vực, phấn đấu nằm trong top ASEAN 5 với quy mô giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 60% GDP.
Thứ hai, thúc đẩy hoạt động QTCT của DNNY; nâng cao ý thức minh bạch hóa thông tin và phát triển bền vững của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng thu hút vốn ĐTNN.
Thứ ba, đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) lên niêm yết vào giao dịch trên HOSE, dự kiến trong tháng 3/2018 và tiếp tục đa dạng sản phẩm chứng khoán mới, tạo thêm công cụ đa dạng cho nhà đầu tư, phát triển các chỉ số đầu tư làm tài sản sơ sở cho các sản phẩm phái sinh, cấu trúc và tập trung phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đúng định hướng và lộ trình của Chính phủ.
Thứ tư, tích cực phối hợp với các đơn vị thụ hưởng đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện dự án hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) với nhà thầu KRX để sớm đưa hệ thống vào vận hành, kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn nền tảng CNTT trên TTCK Việt Nam, giúp cho quá trình quản lý và vận hành thị trường linh hoạt hơn, quản trị rủi ro tốt hơn.
Thứ năm, nâng cao hoạt động quản trị điều hành của HOSE trong năm 2018 nhằm kiện toàn bộ máy hoạt động, nâng cao năng lực, đội ngũ nhân sự, đẩy mạnh triển khai thông lệ tốt về QTCT trong điều hành thực tiễn của HOSE, hướng tới mục tiêu sáp nhập hai SGDCK trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!