Thị trường chứng khoán 2018 chờ đợi điều gì?

Theo Vy Vy/reatimes.vn

Có thể làn sóng thoái vốn của Nhà nước và các đợt IPO tiếp tục là yếu tố quan trọng trong việc tạo đà hưng phấn cho thị trường chứng khoán. Năm 2018 sẽ là năm các đợt thoái vốn sẽ được thực hiện rầm rộ theo lộ trình được Chính phủ thông qua với khoảng 64 doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán 2018 sẽ thêm hưng phấn với sự góp mặt của nhóm cổ phiếu "xuất thân" Nhà nước. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán 2018 sẽ thêm hưng phấn với sự góp mặt của nhóm cổ phiếu "xuất thân" Nhà nước. Nguồn: internet

Khoảng cách định giá giữa cổ phiếu lớn và trung bình khả năng sẽ thu hẹp

Ở các nền kinh tế như Việt Nam, những doanh nghiệp lớn có thể tạo nên thành công dễ dàng hơn ở các nước phát triển. Những công ty này có thể tiếp cận tốt hơn với vốn, có lợi thế thương mại và quyền định giá, kết nối tốt hơn với Chính phủ và khả năng thu hút các nhân tài tốt. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn ở các nền kinh tế phát triển thường phải đối mặt với sự bão hòa thị trường.

Các công ty lớn trong một nền kinh tế cận biên như Việt Nam được hưởng tất cả các lợi ích đi kèm với quy mô mà không chịu ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng chậm lại do quy mô và trở thành "ông lớn" trong một thị trường bão hòa. Điều này có thể thấy thông qua các cổ phiếu lớn trên thị trường chứng khoán, nhóm này đang tăng trưởng nhanh hơn các cổ phiếu nhỏ và vừa.

CTCK VNDirect (VND) cho rằng sự khan hiếm tương đối của các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản tốt cũng đóng vai trò là tiền đề cho sự tăng trưởng tương đối cao của nhóm cổ phiếu này.

Tuy nhiên, tỷ lệ PEG (tỷ lệ được sử dụng để định giá một cổ phiếu khi tính đến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó) của các cổ phiếu lớn tại Việt Nam là 88% cao hơn mức trung bình. Đây có thể là một sự mất cân bằng nghiêm trọng. Điều này dẫn đến cần có một sự điều chỉnh thị giá đối với nhóm cổ phiếu lớn, nhưng làn sóng niêm yết các cổ phiếu lớn trong các năm tới có thể ngăn cản sự điều chỉnh này.

Trong năm 2018, những doanh nghiệp mới niêm yết cùng với đợt thoái vốn Nhà nước có thể kể đến như PVPower, Becamex, PVOil, Genco 3 và một số đơn vị tư nhân lớn như Techcombank và FPT Retail. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn như ACV và HVN cũng hủy giao dịch trên UPCoM và niêm yết trên HOSE có thể là yếu tố ngăn cản sự điều chỉnh của thị trường. VND tin rằng khoảng cách định giá giữa cổ phiếu lớn và trung bình nhiều khả năng sẽ được thu hẹp thông qua các đợt tăng giá của cổ phiếu vừa và nhỏ hơn là chờ đợi các cổ phiếu lớn điều chỉnh.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có khả năng bị giảm thị giá vì nguồn cung khổng lồ các cổ phiếu mới, điều này không dễ để nhà đầu tư hấp thụ hết.

VND thấy dư địa tăng trưởng đối với nhóm cổ phiếu vừa là khá lớn nhưng cần phải lựa chọn cổ phiếu cẩn thận. Hiện nay các cổ phiếu vừa đang được giao dịch ở mức PE chỉ bằng một nửa nhóm cổ phiếu lớn, VND tin rằng tập trung vào nhóm cổ phiều vừa có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, không cần thiết phải quá tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa này và vẫn ủng hộ việc lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành.

Làn sóng thoái vốn của Nhà nước và các đợt IPO là yếu tố quan trọng tạo đà hứng phấn

Theo VND, làn sóng thoái vốn của Nhà nước và các đợt IPO tiếp tục là yếu tố quan trọng trong việc tạo đà hứng phấn cho thị trường chứng khoán. Năm 2018 sẽ là năm rầm rộ thực hiện các đợt thoái vốn theo lộ trình được Chính phủ thông qua với khoảng 64 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một lượng lớn các doanh nghiệp lỡ hẹn niêm yết và bán vốn trong năm 2017 cũng sẽ phải thực hiện gấp rút trong năm 2018. Môt số cái tên lớn đầu ngành đáng chú ý là BSR, VEAM, BMP, Genco 3, PVPower…

Bên cạnh những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, VND cũng lưu ý một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến thị trường trong đó có sự xung đột trên bán đảo Triều Tiên, các sự kiện như căng thẳng biển Đông, và Brexit… Thực tế đã chứng minh, thị trường chứng khoán Việt Nam từng bị ảnh hưởng tương đối trong các biến động chính trị của thế giới.

Nhìn chung trong năm tới, có thể định giá thị trường sẽ không còn rẻ nữa, VN-Index sẽ ở mức PE 18,9x và VN30-Index sẽ ở mức khoảng 22x so với mức trung bình của thị trường chứng khoán khu vực là 19,6x. VND dự báo EPS toàn thị trường sẽ tăng trưởng 17 - 20%. Theo VND, VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 1.000 điểm, tuy nhiên tương lai sau đó sẽ trở nên ít chắc chắn do phụ thuộc nhiều vào những cổ phiếu vốn hóa lớn được niêm yết trong năm.