Mở rộng sản xuất khu vực kinh tế tư nhân có thể là lối đi an toàn

Theo Đại biểu Nhân dân

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) ở nước ta vừa được ngân hàng HSBC công bố, với mức tăng nhẹ lên 51 điểm trong tháng 4, tăng 0,2 điểm so với cùng kỳ tháng 3. Điều này không chỉ phản ánh những mảng sáng tích cực mà còn có cả mảng tối của ngành sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Mở rộng sản xuất khu vực kinh tế tư nhân có thể là lối đi an toàn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng lên phản ánh các điều kiện sản xuất đã có bước chuyển biến tích cực trong vòng hai năm trở lại đây. Theo Ngân hàng HSBC, chỉ số này tăng do số lượng đơn đặt hàng mới và lượng việc làm trong thời kỳ sản xuất tăng trưởng nhanh hơn trước. Đồng thời, sản lượng sản xuất tiếp tục hồi phục nhẹ đã tác động làm cho chỉ số PMI tháng 4/2013 tăng lên. Không chỉ trong tháng 4, trong tháng 3, sản lượng ngành sản xuất cũng tăng. Do đó, HSBC cho rằng, số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Các công ty báo cáo hoạt động bán hàng cho khách hàng trong nước hiện đang được cải thiện. Cụ thể, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng tăng nhẹ tạo điều kiện cho việc làm trong ngành sản xuất tại thời điểm khảo sát cũng đang có dấu hiệu tăng. Việc làm hiện đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát kéo dài 25 tháng. Bên cạnh đó, báo cáo tháng 4 vừa qua cũng cho thấy lượng công việc tồn chưa được giải quyết tại các doanh nghiệp (DN) hiện đang tiếp tục giảm mạnh. Được biết, một số DN đã dùng hàng tồn kho thực hiện các đơn hàng hiện có để giải quyết tồn đọng. Điều này làm cho hàng tồn kho thành phẩm và tồn kho hàng mua tại các DN cùng giảm xuống.

Dù lượng hàng mua vào hiện đang tăng mạnh nhưng việc tồn kho hàng mua giảm đã làm giảm phần nào gánh nặng cho các DN về lượng nguyên liệu tồn kho. Thêm vào đó, hiện nay, phần lớn dân số nước ta vẫn đang tập trung ở nông thôn là chủ yếu. Chỉ cần tạo việc làm tại các nhà máy sản xuất cho bộ phận dân cư sống dựa vào nông nghiệp thì sẽ góp phần làm tăng sản lượng sản xuất cũng như thu hút được lao động nhàn rỗi, dư thừa. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện là động lực thúc đẩy mạnh mẽ và tạo đà cho quá trình chuyển hóa này. Từ đầu năm đến nay, vốn FDI đầu tư vào ngành sản xuất chiếm gần 85% tổng số vốn FDI của cả nước. Điều đó thể hiện nước ta vẫn có thể duy trì được sức cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành sản xuất cần nhiều lao động này.

Sự tăng lên của chỉ số PMI tháng 4 phản ánh ngành sản xuất nước ta đang có dấu hiệu tăng trưởng, mở rộng hoạt động sản xuất. Điều đó cũng thể hiện nhu cầu trong nước đang dần được cải thiện. Song hiện nay, giá cả các mặt hàng, chi phí đầu vào và các chi phí khác đang tiếp tục tăng. Điều này làm cho các DN phải chịu chi phí sản xuất cao hơn trước. Nhưng họ khó có thể chuyển gánh nặng về chi phí sang người tiêu dùng, bởi các điều kiện cạnh tranh trên thị trường đã hạn chế khả năng này. Do vậy, các nhà sản xuất buộc phải giảm giá xuất xưởng nhằm tăng doanh số bán hàng. Cụ thể, giá xuất xưởng trung bình tháng 4 hiện đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12.2012. Nhìn chung, bức tranh ngành sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung không chỉ có những mảng sáng tích cực mà còn có cả mảng tối.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ số PMI ngành sản xuất tăng lên cho thấy tín hiệu tăng trưởng nhẹ của nền kinh tế. Sự mở rộng hoạt động sản xuất phản ánh nhu cầu trong nước đang dần được cải thiện. Và báo cáo của ngân hàng HSBC cũng nhấn mạnh, việc mở rộng khu vực sản xuất có thể làm giảm nhẹ hậu quả của quá trình giảm vay vốn, vốn dĩ đã làm trì trệ tiêu dùng và đầu tư. Trong khi nền kinh tế còn đang trì trệ do hoạt động thiếu hiệu quả của DN quốc doanh thì khu vực tư nhân, cụ thể là ngành sản xuất, sẽ tiếp tục là lối đi an toàn, góp phần duy trì đà phát triển tích cực cho nền kinh tế.