Mở rộng tín dụng theo hướng nào?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất một chương trình tín dụng thí điểm dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Việc triển khai chương trình tín dụng này đang tạo ra nhiều kỳ vọng về tác động lan tỏa từ khu vực nông nghiệp, nông thôn đến toàn bộ nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đẩy mạnh cho vay với mức lãi suất 6,5-7%/năm, thậm chí thấp hơn.

Nguyên nhân là do lượng tiền gửi tăng cao nhưng không cho vay được, nhiều TCTD đã đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ, trong khi điều kiện chi tiêu công ngày càng khắt khe hơn nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách.

Tính đến ngày 20/2, tổng nguồn vốn huy động tăng 0,83% so với đầu năm, trong khi tín dụng giảm 1,66%, riêng tín dụng VND giảm 1,94%.

Với việc tiền gửi quay trở lại hệ thống ngân hàng nhiều sau Tết, trong khi cho vay ra của các TCTD còn khó khăn, đã gây ra mối lo ngại về tình trạng nguồn vốn của nhiều TCTD tập trung vào trái phiếu chính phủ mà không chảy vào những lĩnh vực Chính phủ và NHNN khuyến khích.

Trong khi đó, nguồn vốn huy động được thông qua phát hành trái phiếu chính phủ lại được Kho bạc Nhà nước gửi lại vào các ngân hàng thương mại. Tình trạng này cũng giống như tình trạng các ngân hàng khu vực Euro gửi lại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chính nguồn vốn do ECB vừa tái cấp vốn với mức lãi suất thấp hơn nhằm giảm lỗ. 

Đối với nền kinh tế trong nước, bên cạnh tác động bất lợi từ tình hình kinh tế quốc tế, thị trường nhà đất trầm lắng là yếu tố chi phối tình hình kinh tế, do phần lớn nguồn vốn của xã hội đều tập trung vào lĩnh vực này. Trong những ngày đầu năm 2014, thị trường nhà đất le lói phục hồi, nhưng còn quá sớm để khẳng định thị trường này đã thoát khỏi tình trạng đóng băng. Vì thế, cần mở rộng những kênh tín dụng khác để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2013, các TCTD đã cố gắng khai thông dòng tín dụng theo hướng mở rộng cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là loại hình tín dụng có món vay nhỏ, chi phí quản lý cao nên lãi suất cũng cao và khách hàng thường chỉ vay dựa trên nguồn thu nhập trong tương lai, nhưng để có thu nhập thì phải có việc làm. Vì thế, tác dụng của kênh tín dụng này chỉ hạn chế nếu sản xuất đình trệ.

Nhận thức được những khó khăn nêu trên, Chính phủ và NHNN đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đưa ra 5 lĩnh vực chủ chốt cần được ưu tiên tín dụng. Tính đến cuối tháng 31/12/2013, tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng 19,67% so với cuối năm 2012.

Gần đây nhất, Thống đốc NHNN đã đề xuất một chương trình tín dụng thí điểm dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm ứng dụng khoa học công nghệ và mô hình sản xuất mới, dự kiến triển khai ngay trong quý I/2014 này.

Mặc dù việc triển khai chương trình này đòi hỏi phải khẩn trương ban hành những chính sách hỗ trợ và quy định pháp lý kèm theo để dòng vốn đến đúng địa chỉ và nhanh chóng phát huy hiệu quả, nhưng cũng cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước trước những khó khăn ở trong và ngoài nước.

Việc triển khai chương trình tín dụng này đang tạo ra nhiều kỳ vọng về tác động lan tỏa từ khu vực nông nghiệp nông thôn đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Trên thực tế, Việt Nam là nước nông nghiệp với khoảng 70% dân số sống ở các vùng nông thôn và dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn như hạ tầng giao thông yếu kém, sản xuất manh mún và phương thức sản xuất nhỏ với năng suất thấp, tỷ lệ thất nghiệp và nông nhàn khá cao do lao động mang tính thời vụ, đời sống của phần lớn người dân nông thôn còn khó khăn.

Đây là khu vực đang cần chiến lược phát triển dài hạn và nguồn vốn đầu tư rất lớn từ ngân sách Nhà nước, nhưng nếu thành công sẽ có tác dụng lan tỏa rất lớn từ khả năng áp dụng sản xuất lớn và kỹ thuật công nghệ hiện đại, góp phần cải thiện thu nhập và sức mua của người tiêu dùng, làm tăng tổng cầu xã hội - nền tảng quan trọng để phát triển nhiều ngành kinh tế khác. 

Trong bối cảnh hiện nay, để khơi thông dòng tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực “tam nông”, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giữa các doanh nghiệp và ngân hàng, nhất là trong việc xác định những ngành, hàng cần ưu tiên đầu tư vốn; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, cần sớm triển khai chính sách bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường sự phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trong việc bảo lãnh tín chấp cho các thành viên vay vốn ngân hàng; kết hợp vay vốn với hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nghiên cứu các hình thức cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất.

Khi khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, thu nhập của người dân tăng lên sẽ tác động trở lại đến sản xuất của những ngành kinh tế khác.