Môi giới nghiệp dư, khó quản lý!
Các chuyên gia cho rằng trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, chủ yếu đến từ những môi giới bất động sản nghiệp dư. Việc hành nghề chui, vi phạm pháp luật chưa được quản lý, kiểm soát.
Tại buổi hội thảo “Môi giới bất động sản Việt Nam: Chuyên nghiệp và Hội nhập quốc tế” mới đây, Ts. Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đánh giá hoạt động môi giới còn đan xen giữa hoạt động chuyên nghiệp và các hoạt động tự phát, nghiệp dư. Việc hành nghề chui, vi phạm pháp luật chưa được quản lý, kiểm soát.
Thị trường bất động sản có những đợt sóng tăng giá, giảm giá thời gian qua, theo một số chuyên gia, bắt nguồn từ sự “góp mặt” của đông đảo đội ngũ môi giới bất động sản không chuyên.
Khó quản lý nghề môi giới
Nghề môi giới rất dễ bị đào thải do không chịu được áp lực công việc và định mức sản phẩm. Anh Hùng, một môi giới bất động sản tại phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết anh tham gia đội ngũ môi giới được 5 năm nay, những người đồng nghiệp cùng anh đã rời khỏi công ty chỉ sau 10-12 tháng.
Có những môi giới tồn tại được do gặp thời, đúng vào thời điểm đất nền được một số công ty đẩy lên để bán hàng. Họ dễ dàng kiếm bạc tỷ chỉ trong vòng một tháng bằng nghề môi giới.
Ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch HĐQT MaxLand, cho biết thực tế hiện nay, ngành môi giới bất động sản đang rất khát nhân sự, sàn nào cũng tuyển số lượng cực lớn. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy của việc tuyển dụng ồ ạt là không có yêu cầu cao về chất lượng nhân sự và hoạt động dựa trên cơ chế hoa hồng.
Theo quy định hiện nay, nhân viên môi giới bất động sản buộc phải có chứng chỉ hành nghề và phải qua sát hạch. Mặc dù đã có quy định và có chế tài nhưng thiếu sự kiểm soát và thiếu tính răn đe nên ai cũng có thể môi giới bất động sản.
Theo TS. Trần Minh Hoàng, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, nghề môi giới bất động sản vẫn còn không ít những hạn chế xuất phát từ bất cập trong công tác thực thi quản lý hoạt động hành nghề, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nghề môi giới bất động sản.
Cũng theo đại diện VARS, một số lượng lớn các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh. Trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch…
Gần như 100% giao dịch bất động sản riêng lẻ, giao dịch bất động sản trên thị trường thứ cấp không đóng thuế thu nhập từ hoạt động môi giới. Bên cạnh đó, hiện tượng thông tin ảo, đồn thổi, thổi phồng giá, giấu giếm, thậm chí đưa thông tin sai lệch về quy hoạch, pháp lý bất động sản diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.
Theo ông Hoàng, nhiều người dân gặp phải rủi ro khi giao dịch bất động sản thông qua hoạt động môi giới không chuyên nghiệp như bị thiệt hại tài sản, thậm chí bị lừa đảo, chiếm dụng vốn. Hình ảnh nghề môi giới bất động sản vì thế không tạo được thiện cảm mà phải chịu ấn tượng xấu trong xã hội.
Quản lý bằng chứng chỉ
Đánh giá về những bất cập này, ông Hoàng cho rằng do nghề môi giới còn mới mẻ đối với Việt Nam, bên cạnh đó, do chính sách và khung pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản còn thiếu ổn định, hoạt động môi giới khó điều chỉnh kịp thời với sự thay đổi của luật pháp.
Thêm nữa, Nhà nước chưa đánh giá và quan tâm đủ về tầm quan trọng của nghề môi giới bất động sản, dẫn đến việc tổ chức quản lý, thực thi pháp luật đối với các hoạt động môi giới bất động sản còn lỏng lẻo, không nghiêm minh.
Ngoài ra, hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới bất động sản còn nhiều bất cập, như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khoá học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ hành nghề.
Hiện nay, Việt Nam chưa tồn tại cơ sở đào tạo nghề môi giới bất động sản chính quy. Rất ít trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên cả nước có đào tạo các chuyên ngành về dịch vụ, môi giới bất động sản.
Theo thống kê của VARS, số lượng môi giới hiện khoảng 200.000 người, hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập, nhưng chủ yếu tập trung ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, ở Hà Nội có trên 70.000 nhà môi giới, TP. Hồ Chí Minh nhiều hơn, với trên 90.000 nhà môi giới.
Tuy nhiên, theo ước tính của VARS, đến nay, mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp, chiếm khoảng 15%.
Đề xuất giải pháp để quản lý và phát triển hiệu quả hoạt động môi giới bất động sản trong tương lai, ông Hoàng cho rằng nên quản lý thông qua cấp chứng chỉ hành nghề, cấp mã số hành nghề (định danh) cho nhà môi giới bất động sản.
Các môi giới chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi hoàn tất các chương trình và thời lượng đào tạo chuyên môn phù hợp với từng chuyên môn hành nghề.
Các cơ quan quản lý, theo ông Hoàng, cần siết chặt bằng việc nghiêm cấm hoạt động môi giới bất động sản chui không có chứng chỉ hành nghề.
“Cơ quan quản lý nhà nước cần ứng dụng công nghệ, phần mềm để liên thông các cơ sở dữ liệu về nhà, đất, lịch sử giao dịch nhà đất, thuế, nhà ở đang hình thành…, kết nối đồng bộ các dữ liệu do các cơ quan quản lý nhà nước quản lý để hỗ trợ tối đa việc tra cứu thông tin nhà đất cho nhà môi giới bất động sản”, ông Hoàng đề xuất.