Mối lo về tính liêm chính trong kinh doanh
Chỉ còn 4 tháng nữa là Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 sẽ chính thức có hiệu lực (tháng 7/2019). Trong đó, phạm vi điều chỉnh được mở rộng sang cả khu vực ngoài Nhà nước, bởi khu vực tư nhân cũng cần có cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi tham ô, đưa hối lộ.
Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ, bởi không ít doanh nghiệp (DN) hiện vẫn coi việc chi trả không chính thức như là thông lệ kinh doanh phổ biến.
Chi phí ngoài luồng không suy giảm
Báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát từ 279 DN của Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VSPTBV) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 5/3 cho thấy, có một tỷ lệ lớn DN chưa hiểu đúng hoặc hiểu chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử. Nhiều DN vẫn cho rằng việc kiểm soát nội bộ là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ, chứ không phải là quản trị DN. Chỉ có 50 - 60% DN cho rằng họ hiểu rõ về kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng với sự phát triển bền vững của DN.
Đặc biệt, có một thực trạng được Nhóm nghiên cứu cảnh báo là việc chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ nhà nước dường như đang được nhiều DN xem là một thông lệ kinh doanh phổ biến ở Việt Nam. Không chỉ vậy, nhiều DN cũng thường sử dụng biện pháp không chính thức, làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen trong các giao dịch kinh doanh với đối tác, chiếm tới 25 - 30% DN được khảo sát.
Kết quả này không quá bất ngờ, bởi trước đó, chỉ số Cảm nhận tham nhũng năm 2018 trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 117/180 (đạt 33/100 điểm), giảm 2 điểm so với năm 2017 và bằng điểm với năm 2016. Hay trong Báo cáo mức độ hài lòng của DN về thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu năm 2018 do VCCI công bố, 18% DN thừa nhận có chi trả chi phí ngoài quy định để thực hiện thủ tục này.
Trong quá trình mua sắm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thắng - Trưởng nhóm nghiên cứu của VCCI, 1/3 số DN được khảo sát cho biết chưa từng áp dụng phương thức đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà cung cấp. Việc đặt hàng không theo nhu cầu, đặt hàng không đúng chất lượng, hồ sơ báo giá bị can thiệp làm mất tính khách quan... chiếm tới 10% các giao dịch. Tương tự, 11 - 16% số DN được khảo sát cũng nhận ra những hệ quả trong hoạt động bán hàng không thông qua đấu thầu cạnh tranh như: lập hóa đơn sai, bán hàng không đúng chính sách của DN, giao hàng không đúng như cam kết trong hợp đồng... Theo Nhóm nghiên cứu, điều này là đáng báo động, tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Thanh tra Chính phủ nhận xét, thực trạng nhận thức và áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ DN lâu nay vẫn còn nhiều vấn đề. “Cách đây 5 - 6 năm, chúng ta đã nhấn mạnh cơ chế kiểm soát nội bộ, quy tắc ứng xử, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến nào lớn. Vậy, từ trước đến nay, DN đã làm chưa? Nếu đã làm thì cần xem xét lại cách làm đó đã phát huy hiệu quả chưa?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Cần quyết tâm của người đứng đầu DN
Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thời điểm có hiệu lực của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã cận kề. Đây là thời điểm chín muồi để thúc đẩy việc áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử trong DN.
Theo chia sẻ của một số chuyên gia về tư vấn kiểm toán DN, việc kiểm soát nội bộ không phải chỉ là trách nhiệm của kiểm soát viên, mà phải từ nhu cầu tự thân, từ quyết tâm của người đứng đầu DN. Không chỉ thể hiện ở ý chí, mà DN đó còn phải bỏ ra một khoản chi phí dành cho việc kiểm soát nội bộ tại DN trong thời gian dài và mức chi phí này sẽ tăng theo thời gian. Nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định đầu tư đều rất coi trọng việc đánh giá hiệu quả kiểm soát nội bộ của DN đó, nhất là đối với DN niêm yết trên sàn chứng khoán. Thậm chí, một số tổ chức phi chính phủ chỉ đồng ý “rót” tiền cho DN xã hội khi DN chứng minh được sự kiểm soát nội bộ hiệu quả, đảm bảo sử dụng đồng tiền đúng mục đích.
Muốn tham gia thị trường thế giới, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, DN phải có biện pháp kiểm soát nội bộ hiệu quả. Sở dĩ cơ chế giám sát nội bộ ở những DN lớn còn gặp nhiều hạn chế là do chưa được thiết kế khoa học và thực hiện triệt để. Trong khi đó, DN nhỏ và vừa không đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống quản trị phòng ngừa tham nhũng. Do đó, cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử cần được thiết kế đơn giản, dễ áp dụng, nhất là đối với DN nhỏ và vừa.
“Một khi việc chi trả chi phí không chính thức trở thành “văn hóa” của DN thì rất khó sửa. Do đó, Chính phủ cần nỗ lực đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng tối đa chính phủ điện tử, minh bạch hóa giao dịch giữa Chính phủ với người dân. Trong đó, cải cách thể chế là biện pháp gốc rễ nhất để ngăn ngừa tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh”, ông Lộc nhấn mạnh.