Mối quan hệ giữa chất lượng thông tin kế toán trên báo cáo tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh

TS. GVC. Vũ Quốc Thông - Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh ; Cao Thị Ngọc Vân, Nguyễn Hoàng Thu Hiền - Sinh viên khoa Đào tạo đặc biệt, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Nghiên cứu này đánh giá mức độ ảnh hưởng của chất lượng thông tin kế toán trên báo cáo tài chính đốivới hiệu quả kinh doanh của 42 doanh nghiệp niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2018-2023. Kết quả nghiên cứu cho thấy các biến ROA, ROE và ROS có mối quan hệ tích cực với chất lượng báo cáo tàichính, khẳng định chất lượng báo cáo tài chính có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanhnghiệp. Kết quả nghiên cứu này được kỳ vọng cung cấp tài liệu tham khảo hữu ích cho nhà quản trị, đồngthời hỗ trợ cải thiện công tác kế toán và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy vào sự pháttriển bền vững của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.

Đặt vấn đề

Với vai trò là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng công nghiệp. Thành phố có nhiều khu công nghiệp lớn với tốc độ tăng trưởng cao, tạo điều kiện cho sự ra đời của hàng loạt DN mới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch và chất lượng của thông tin tài chính.

Vì thế, báo cáo tài chính (BCTC) đảm bảo chất lượng không chỉ đóng vai trò là công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN mà còn là nguồn thông tin quan trọng giúp nhà đầu tư và các bên liên quan đưa ra quyết định đúng đắn. Do vậy, việc nghiên cứu “Mối quan hệ giữa chất lượng thông tin kế toán trên BCTC và hiệu quả kinh doanh của DN niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Hình 1: Mô hình đề xuất nghiên cứu

Nguồn: Tác giả nghiên cứu
Nguồn: Tác giả nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết và một số nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiêncứu như Hình 1.

Theo mô hình đề xuất, nhóm tác giả đưa ra các giả thuyết nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H1: Chất lượng BCTC có mối tương quan tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H2: Tuổi của DN có mối tương quan tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H3: Đòn bẩy tài chính có tác động tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H4: Tỷ lệ nợ ngắn hạn có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H5: Quy mô DN có mối quan hệ tương quan tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H6: Tính thanh khoản có tác động tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H7: Tỷ lệ tài sản hữu hình của DN có mối tương quan tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H8: Tỷ lệ tài sản vô hình của DN có mối tương quan tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H9: Quy mô HĐQT có mối tương quan cùng chiều với hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H10: Tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng quản trị ảnh hưởng tích cực với hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H11: Chủ tịch hội đồng quản trị có giới tính nữ có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H12: Giám đốc có giới tính nữ có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H13: DN kiểm toán thuộc Big 4 có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh của DN.

Giả thuyết H14: Doanh nghiệp hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh của DN.

Phương pháp nghiên cứu

Bước 1: Xác định vấn đề nghiên cứu.

Bước 2: Xây dựng mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu phù hợp.

Bước 3: Sơ lược về tổng quan nghiên cứu.

Bước 4: Trình bày cơ sở lý thuyết bao gồm các công trình nghiên cứu liên quan trong và ngoài nước, các lý thuyết nền liên quan nhằm hiểu rõ mối quan hệ giữa chất lượng TTKT trên BCTC và hiệu quả kinh doanh của DN.

Bước 5: Đề xuất mô hình nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu và thang đo dự kiến cho các biến có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chất lượng TTKT trên BCTC và hiệu quả kinh doanh của DN.

Bước 6: Từ dữ liệu thu thập, tác giả sử dụng phần mềm Stata để thực hiện phương pháp hồi quy. Thông qua các bước kiểm định F test, kiểm định
Hausman test, kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, phương sai thay đổi và tự tương quan, các mô hình hồi quy như REM, FEM, OLS được tinh chỉnh để loại bỏ các khuyết tật có thể gây sai lệch kết quả.

Bước 7: Từ kết quả nghiên cứu định lượng, nhóm tác giả áp dụng mô hình hồi quy FGLS để sửa chữa các sai lệch (nếu có) của nghiên cứu nhằm đảm bảo tính chính xác.

Bước 8: Dựa vào kết quả nghiên cứu định lượng, nhóm tác giả tiến hành phân tích và bàn luận để đưa ra kết luận cụ thể.

Bước 9: Căn cứ vào kết luận, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị về mối quan hệ giữa chất lượng TTKT trên BCTC và hiệu quả kinh doanh của
DN niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu tổng hợp

Dựa trên việc thu thập, tổng hợp thực tế từ các công trình nghiên cứu trước đã được tiến hành ở cả trong và ngoài nước, nhóm tác giả thực hiện phân tích chi tiết và so sánh kỹ càng làm nổi bật các ý kiến chung và khác biệt giữa các nghiên cứu. Trên cơ sở đó, hình thành các giả thuyết nghiên cứu về mối quan hệ giữa chất lượng TTKT trên BCTC và hiệu quả kinh doanh của DN.

Kết quả nghiên cứu định lượng

Thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu đã sử dụng số liệu từ 42 DN được niêm yết có hội sở ngoài TP. Hồ Chí Minh và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam để thu thập và phân tích dữ liệu, phục vụ mục tiêu nghiên cứu. Các DN này được niêm yết trong giai đoạn từ 2018 đến 2023 và được lựa chọn đã tiến hành đo lường, kiểm định thông tin có thể tiếp cận, nhằm phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu ở cấp độ sinh viên.

Phân tích ma trận hệ số tương quan

Sau khi phân tích số liệu của ma trận hệ số tương quan, có một số cặp biến có mối quan hệ tương quan dương nhưng cũng có một số cặp biến có mối quan hệ tương quan âm. Để phân tích thống kê theo lý thuyết thì khi các cặp biến độc lập có hệ số tương quan lớn hơn 0.8 sẽ có khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Nhưng quan sát ma trận tương quan có thể thấy rằng các cặp biến độc lập đều có hệ số tương quan nhỏ, nên khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến là không có. Điều đó làm độ tin cậy của đề tài này tương đối cao, và để đảm bảo được tính chặt chẽ và độc lập giữa các biến trong mô hình nghiên cứu thì đề tài sẽ thực hiện kiểm định đa cộng tuyến.

Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến với các biến phụ thuộc

Theo lý thuyết thống kê, nếu hệ số VIF > 10 thì có nguy cơ xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Lần lượt kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến đối với ROA, ROE và ROS thu được kết quả như sau:

- Với ROA không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến vì VIF < 10 (1.92 < 10).

- Với ROE không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến vì VIF < 10 (2.12 < 10).

- Với ROS không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến vì VIF < 10 (1.92 < 10)

Kết quả hồi quy mối quan hệ tuyến tính giữa các biến trong mô hình nghiên cứu với biến phụ thuộc ROA

Phương trình hồi quy với trường hợp ROA:

ROA = β0 + β1AGE + β2Leverage + β3Short + β4Size + β5Liquidity + β6Tangible + β7Intangible + β8BOARD1+ β9BOARD2+ β10BOARD3 + β11BOARD4 + β12AUDIT + β13TP. HCM + μ

Để thực hiện được hồi quy, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp hồi quy FGLS nhằm xem xét thêm về mối quan hệ giữa các biến, ý nghĩa thống kê giữa các biến và đã cho ra được các kết quả như sau:

Các biến FRQ, Age, Liquidity, Tangible, Intangible, BOARD2, BOARD4 không có ý nghĩa thống kê. Điều đó có nghĩa chất lượng BCTC, tuổi của DN, tính thanh khoản của DN, tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình, tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng quản trị và giới tính của Giám đốc  không có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh khi đo lường qua ROA. Ngoài ra, có thể khẳng định các DN tại TP. Hồ Chí Minh không đạt hiệu quả tài chính bằng các DN ngoài TP. Hồ Chí Minh.

Ngược lại, các biến Leverage, Short, Size, BOARD1, BOARD3 và AUDIT thu được kết quả có độ tin cậy rất cao nên được chấp nhận. Đồng nghĩa rằng khi DN tăng cường đi vay nợ ngắn hạn thì hiệu quả tài chính sẽ càng cao, các DN có quy mô càng lớn thì hiệu quả tài chính càng cao hay số lượng thành viên hội đồng quản trị càng lớn thì hiệu quả hoạt động kinh doanh càng kém và khi DN có Chủ tịch HĐQT là giới tính nam thì hiệu quả tài chính sẽ càng thấp. Đồng thời, khi các DN lựa chọn công ty kiểm toán thuộc nhóm Big 4 sẽ mang lại hiệu quả tài chính cao hơn các công ty kiểm toán ngoài nhóm Big 4.

Kết quả hồi quy mối quan hệ tuyến tính giữa các biến trong mô hình nghiên cứu với biến phụ thuộc ROE

Phương trình hồi quy với trường hợp ROE:

ROE = β0 + β1AGE + β2Leverage + β3Short + β4Size + β5Liquidity + β6Tangible + β7Intangible + β8BOARD1 + β9BOARD2 + β10BOARD3 + β11BOARD4 + β12AUDIT + β13TP. HCM + μ

Sau khi thực hiện hồi quy lần thứ hai theo phương pháp FGLS giữa ROE và các biến độc lập thu được kết quả hồi quy như sau:

Các biến FRQ, Age, Liquidity, Tangible, Intangible, BOARD2, BOARD3 không có ý nghĩa thống kê. Điều đó có nghĩa chất lượng BCTC, tuổi của DN, tính thanh khoản của DN, tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình, tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng quản trị và giới tính của Giám đốc không có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh khi đo lường qua ROE.

Ngược lại, các biến Leverage, Short, Size, BOARD1, BOARD4, AUDIT và TPHCM  thu được kết quả có độ tin cậy rất cao nên được chấp nhận. Đồng nghĩa rằng khi DN tăng cường đi vay nợ ngắn hạn thì hiệu quả tài chính sẽ càng cao, các DN có quy mô càng lớn thì hiệu quả tài chính càng cao hay số lượng thành viên HĐQT càng lớn thì hiệu quả hoạt động kinh doanh càng kém và khi DN có Giám đốc là nam sẽ tác động tốt hơn đến tình hình hoạt động của DN. Đồng thời, khi các DN lựa chọn công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4 sẽ mang lại hiệu quả tài chính cao hơn các công ty kiểm toán ngoài nhóm Big4. Hơn nữa, có thể khẳng định các DN tại TP. Hồ Chí Minh có hiệu quả tài chính hơn các DN ngoài TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả hồi quy mối quan hệ tuyến tính giữa các biến trong mô hình nghiên cứu với biến phụ thuộc ROS

Phương trình hồi quy với trường hợp ROS:

ROS = β0 + β1AGE + β2Leverage + β3Short + β4Size + β5Liquidity + β6Tangible + β7Intangible + β8BOARD1+ β9BOARD2 + β10BOARD3 + β11BOARD4 + β12AUDIT + β13TP. HCM + μ

Sau khi thực hiện hồi quy lần thứ ba theo phương pháp FGLS giữa ROS và các biến độc lập thu được kết quả như sau:

Chỉ có biến BOARD4 có độ tin cậy rất cao, thể hiện rằng giới tính của Giám đốc có tác động đến hiệu quả tài chính của các DN. Nói cách khác, khi giám đốc của các DN là nam thì hiệu quả tài chính càng tốt.

Tổng hợp hồi quy các biến theo mô hình

BCTC chất lượng được kỳ vọng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho DN trong việc quản lý và đưa ra các quyết định kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế và thị trường đặc thù của Việt Nam, kết quả chỉ ra rằng chất lượng BCTC (FRQ) không có tác động đáng kể đến hiệu quả tài chính của DN. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các yếu tố khác như chính sách quản lý, cơ chế thị trường và tình hình kinh tế vĩ mô…

Phân tích hồi quy cho thấy biến TPHCM có ý nghĩa thống kê khi xem xét chỉ số ROE, phản ánh khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy các DN đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn tạo ra lợi nhuận cao hơn, khẳng định ưu thế của DN tại khu vực này so với những DN ở các địa phương khác.

Biến Age không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tài chính, nghĩa là các DN lâu năm không nhất thiết đạt hiệu quả tốt hơn các DN mới. Trong khi đó, biến Leverage có tác động tiêu cực đến hiệu quả tài chính nhưng không đồng nhất trên các chỉ số. Cụ thể, Leverage chỉ có ý nghĩa thống kê với ROA và ROE, nhưng không ảnh hưởng đến chỉ số ROS. Tương tự, các biến Short và Size cũng không tác động đến ROS, do nợ ngắn hạn chủ yếu được sử dụng để duy trì hoạt động hiện tại, không phải công cụ chính để mở rộng kinh doanh.

Mặc dù DN lớn thường có lợi thế về tài chính và tận dụng được quy mô kinh tế, hiệu quả tài chính vẫn phụ thuộc vào các yếu tố như chất lượng sản phẩm, chiến lược bán hàng và điều kiện thị trường. Do đó, quy mô lớn không phải yếu tố duy nhất quyết định hiệu quả tài chính.

Các biến Liquidity, Tangible, Intangible và BOARD2 đều không có ý nghĩa thống kê. Tính thanh khoản, mặc dù là yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng thanh toán, không cho thấy ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính. Tương tự, đầu tư vào tài sản hữu hình hay vô hình chưa đủ để đảm bảo hiệu quả tài chính. Vai trò của phụ nữ trong hội đồng quản trị cũng không thể hiện tác động đáng kể, do hiệu quả tài chính còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chiến lược kinh doanh hay môi trường quản lý.

Biến BOARD1 chỉ có ý nghĩa thống kê với ROA và ROE, cho thấy số lượng thành viên ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn và tài sản, nhưng không tác động rõ ràng đến tăng trưởng doanh thu. Trong khi đó, biến BOARD4 có ý nghĩa thống kê với ROE và ROS, thể hiện sự ảnh hưởng đến khả năng sinh lời từ vốn đầu tư và doanh thu. Tuy nhiên, tác động này không đáng kể khi xét đến hiệu quả sử dụng tài sản. Biến BOARD3 chỉ có ý nghĩa thống kê với ROA, nhưng không ảnh hưởng đến ROE và ROS.

Cuối cùng, biến AUDIT có ý nghĩa thống kê với ROA và ROE, cho thấy việc lựa chọn kiểm toán từ các công ty lớn giúp cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và tài chính. Tuy nhiên, điều này không tác động đến chỉ số ROS, nghĩa là không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh thu. Nói cách khác, dịch vụ kiểm toán uy tín có thể cải thiện một số chỉ tiêu tài chính nhưng không đảm bảo doanh thu tăng trưởng.

Kết luận

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 42 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2018–2023. Phương pháp hồi quy bình phương tối thiểu tổng quát (FGLS) đã được sử dụng để kiểm định các giả thuyết, đảm bảo kết quả phân tích chính xác và đáng tin cậy, kết quả cho thấy:

- Với biến ROA: có 6 biến có ý nghĩa thống kê là Leverage, Short, Size, BOARD1, BOARD3, AUDIT.

Với biến ROE: có 7 biến có ý nghĩa thống kê bao gồm Leverage, Short, Size, BOARD1, BOARD4, AUDIT, TPHCM.

- Với biến ROS: chỉ có biến BOARD4 có ý nghĩa thống kê.

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng rút ra được một số ý nghĩa, hàm ý quản trị cho các bên liên quan như sau:

Thứ nhất, việc cải thiện chất lượng BCTC không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững. Các cơ quan quản lý cần xây dựng chuẩn mực, tiêu chuẩn rõ ràng để hỗ trợ DN thực hiện báo cáo chính xác, tối ưu hóa phân bổ nguồn lực kinh tế.

Thứ hai, các yếu tố như quy mô và giới tính thành viên hội đồng quản trị ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh. Một hội đồng quản trị có cấu trúc hợp lý với thành viên giàu năng lực và kinh nghiệm sẽ hỗ trợ DN định hướng chiến lược tốt hơn, đặc biệt khi số lượng thành viên nam tăng, hiệu quả hoạt động sẽ càng cao.

Thứ ba, các kết quả này có thể giúp DN xác định được hướng đi phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Nhờ đó, DN không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn xây dựng được nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.

* Nội dung bài viết công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2024-2025” của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. GVC. Vũ Quốc Thông, khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán Việt Nam số 88/QH15/2015.
  2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn Chế độ kế toán DN.
  3. Hung, D. N. (2022). Ảnh hưởng tính thích hợp của thông tin kế toán trên BCTC và giá trị DN: Nghiên cứu tại Việt Nam.
  4. Loan, N. T., & Anh, N. V. H. (2019). Tác động của chất lượng BCTC và kỳ hạn nợ đến hiệu quả đầu tư: Nghiên cứu tại DN Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính-Marketing, (53).
  5. Long, V. M., Yến, V. K., & Huệ, P. T. M. (2022). Tác động tài sản vô hình đến giá trị DN: Trường hợp các DN xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Economics-Law and Management, 6(3), 3216-3228.
  6. Nguyễn, T. N. D. (2022). Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
  7. Thúy, N. T. M., & Huệ, N. T. K. (2022). Nâng cao chất lượng thông tin kế toán trên BCTC các DN xây lắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính-Marketing
  8. Tùng, H. (2016). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các DN dầu khí ở Việt Nam. Bản B của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 58(12).
  9. Chen, F., Hope, O. K., Li, Q., & Wang, X. (2011). Financial reporting quality and investment efficiency of private firms in emerging markets. The accounting review, 86(4), 1255-1288.
  10. Martínez-Ferrero, J. (2014). Consequences of financial reporting quality on corporate performance: Evidence at the international level. Estudios de economía, 41(1), 49-88.
  11. Zhai, J., & Wang, Y. (2016). Accounting information quality, governance efficiency and capital investment choice. China Journal of Accounting Research, 9(4), 251-266.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2025