Một năm khởi đầu rạng rỡ
Triển vọng đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016đã hiện lên với nhiều khả năng hiện thực.
“Bệ đỡ quan trọng nhất cho nền kinh tế năm 2016 là thành công của Đại hội Đảng XII, sau đó là bầu cử Quốc hội, tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương khóa mới. Đây sẽ là động lực và sức mạnh mới, để khai thác mọi thuận lợi, biến thách thức thành cơ hội, vượt qua chính mình và vượt lên phía trước”, TS.Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển bày tỏ.
Ông tin tưởng, Đại hội XII của Đảng quyết định đường lối, chính sách mới mở đầu một công cuộc Đổi mới lần thứ hai, tạo tiền đề, nền tảng để tăng tốc phát triển, nâng cao chất lượng và tính bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình thấp, rồi tiến lên trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng kỳ vọng những thông điệp mới từ Đại hội XII của Đảng, sẽ thúc đẩy những hành động cải cách mạnh mẽ hơn ngay trong năm 2016.
“Một bộ máy điều hành mới cũng sẽ sớm được thiết lập, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải cách trong giai đoạn 2016-2020. Việt Nam bước vào năm 2016 với khá nhiều sự lạc quan”,ông phát biểu.
Việc hoàn tất đàm phán FTA với EU và TPP – với kỳ vọng cả hai hiệp định có thể hoàn tất phê chuẩn trong năm 2016 – sẽ là những bước ngoặt quan trọng đối với cải cách ở Việt Nam. Các cam kết sâu rộng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư - kể cả sau đường biên giới - hướng tới một luật chơi chung có chất lượng, nhất quán và thân thiện với DN sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các cải cách nền tảng kinh tế thị trường ở Việt Nam.Mọi sự tin tưởng và lạc quan có thể nhìn thấy từ tình hình kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định và được củng cố ngày một vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh và liên tục qua các quý, cho thấy dư địa để tiếp tục khởi sắc. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển biến tích cực. Việt Nam đã ký kết và thực hiện các FTA quan trọng với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu trong năm 2015. AEC cũng đã được thành lập vào cuối năm 2015.
Bên cạnh đó, theo CIEM, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thể hiện qua chỉ số ICOR đã có nhiều cải thiện. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012 chỉ số ICOR là 5,9, năm 2013 là 5,6 và năm 2014 là khoảng 5,18. Giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng dần tỷ trọng nguồn vốn vay.
Ổn định kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững. Chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện. Phản ứng của thị trường là khá tích cực. Xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế đang ngày càng rõ nét. Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Các hoạt động đầu tư công, hoạt động của các DNNN, của hệ thống NHTM đã trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn.
Dự báo tình hình kinh tế 2016, theo CIEM trong điều kiện bình thường phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và tình hình phát triển kinh tế trong nước, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,82% . Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%. Tín dụng tăng 16%. Dân số tăng 1,04%/năm, và việc làm tăng 1,4%. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên như năm 2015. Tỷ giá hữu hiệu thực được giả thiết tăng 1%.
Vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 10% so với năm 2015, khi các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn vào triển vọng của Việt Nam và đón đầu cơ hội từ các FTA mới của Việt Nam (TPP, FTA với EU, FTA với Hàn Quốc...) phát huy tác dụng. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 10,4%, cao hơn so với năm 2015. Thâm hụt thương mại ở mức 4,1 tỷ USD, chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Mức tăng giá tiêu dùng là khoảng 4,37%.
Rất sâu sắc, TS.Lưu Bích Hồ nhận xét rằng, các năm có số đuôi là 6 thường có những sự kiện đặc biệt như Đại hội VI của Đảng và một số Hội nghị TW 6 các khóa VI, IX, X, XI liên quan đến kinh tế và đổi mới kinh tế. Ông nói “Hy vọng con số 6 này cũng ứng với năm 2016 với cái “duyên mới”, đất nước sẽ bắt đầu một cuộc trường chinh mới để bật lên tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến bước trong xu thế chung của thế giới, tiến cùng thời đại hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững”.
Triển vọng đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã hiện lên với nhiều khả năng hiện thực, với ý chí và quyết tâm mới đang thôi thúc chúng ta đi tới. Theo ông, điều cần thiết nhất đối với Đảng hiện nay là phải hành động. Đường lối, chủ trương, định hướng… đã được thể hiện rõ trong các văn kiện đại hội. Làm sao để những chủ trương, định hướng đó đi vào cuộc sống, mang lại sự phát triển nhanh và bền vững hơn cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.