Một số chính sách về tài chính có hiệu lực trong tháng 4/2014
(Tài chính) Trong tháng 4, một số chính sách quy định về tài chính sẽ có hiệu lực như quy định mức thu phí thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) về dân sự, mức phí tối thiểu bán đấu giá chứng khoán, xử phạt hành vi tăng giá bất hợp lý...
Quy định thu phí thực hiện UTTP về dân sự
Từ ngày 1/4, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện UTTP về dân sự được thực hiện theo Thông tư 18/2014/TT-BTC.
Cụ thể, tổ chức/cá nhân có yêu cầu thực giải quyết vụ việc dân sự, làm phát sinh thực hiện UTTP về dân sự với quốc gia/vùng lãnh thổ khác phải nộp phí cho mỗi bộ hồ sơ, cụ thể: Nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh 150.000 đồng, đối với UTTP về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài; Nộp tại Bộ Ngoại giao 1.000.000 đồng, đối với UTTP về dân sự tại Việt Nam của quốc gia không cùng Việt Nam ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Nộp tại Bộ Tư pháp 1.000.000 đồng, đối với UTTP về dân sự tại Việt Nam của quốc gia đã cùng Việt Nam ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có thu phí.
Thủ tục hải quan điện tử thực hiện trên Hệ thống VNACCS/VCIS
Theo Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa XNK thương mại, thủ tục hải quan điện tử thực hiện trên Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 1/4.
Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) bao gồm 2 hệ thống nhỏ: Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS) và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (gọi tắt là Hệ thống VCIS) gồm các phần mềm chủ yếu: Khai báo điện tử (e-Declaration); Manifest điện tử (e-Manifest); Hóa đơn điện tử (e-Invoice); thanh toán điện tử (e-Payment); C/O điện tử (e-C/O); Phân luồng (selectivity); Quản lý hồ sơ rủi ro/tiêu chí rủi ro; Quản lý DN xuất nhập khẩu; Thông quan và giải phóng hàng; Giám sát và kiểm soát.
Mức phí tối thiểu bán đấu giá chứng khoán
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 09/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bán đấu giá cổ phần và các loại chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4, thay thế Thông tư số 82/2009/TT-BTC.
Theo đó, mức thu phí bán đấu giá chứng khoán tối thiểu là 20 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phần/mỗi loại chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và các Tổ chức được phép tổ chức bán đấu giá cổ phần và chứng khoán.
Giá trị cổ phần, chứng khoán bán được dùng để tính mức thu phí cho một cuộc đấu giá bao gồm cả giá trị bán được qua phương thức thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá.
Ưu đãi về xúc tiến thương mại sản phẩm quốc gia
Thông tư 10/2014/TT-BCT về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, có hiệu lực kể từ ngày 25/4 có quy định về việc ưu đãi về xúc tiến thương mại sản phẩm quốc gia.
Theo đó, Đề án xúc tiến thương mại cho sản phẩm quốc gia được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xét duyệt, tham gia Chương trình xúc tiến thương mại do các bộ, ngành quản lý; Hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng liên quan và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm quốc gia xây dựng, phát triển thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia, ưu tiên tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Hướng dẫn xử phạt hành vi tăng giá bất hợp lý
Theo Thông tư 31/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 24/4, cách tính mức phạt đối với hành vi tăng giá bất hợp lý sẽ thực hiện như sau:
Giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá bất hợp lý làm căn cứ để định khung mức phạt theo các khoản 1, 2 , 3, 4, 5 Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP sẽ được tính theo công thức: [Mức giá bán thực tế] x [số lượng hàng hóa, dịch vụ đã bán tăng giá bất hợp lý].
Số tiền thu lợi bất chính phải nộp lại vào ngân sách nhà nước theo quy định của khoản 7 điều 13 Nghị định 109 sẽ được tính theo một trong hai công thức sau: [Tổng giá trị HHDV bán tăng giá bất hợp lý] – [tổng giá trị HHDV bán theo giá đăng ký, kê khai] ; [Tổng giá trị HHDV bán tăng giá bất hợp lý] – [tổng giá trị HHDV theo kết quả kiểm tra yếu tố hình thành giá của cơ quan nhà nước]
Nhà đầu tư ngước ngoài có thể thực hiện việc đầu tư gián tiếp tại Việt Nam
Thông tư 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, từ ngày 28/4.
Theo đó, nhà đầu tư ngước ngoài có thể thực hiện việc đầu tư gián tiếp thông qua 7 hình thức như mua bán trái phiếu và các loại chứng khoán có trên thị trường Việt Nam.
Khi thực hiện các hình thức trên nhà đầu tư phải mở một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi.
Bên cạnh đó trong vòng 90 ngày kể từ ngày 28/4, các nhà đầu tư phải thực hiện việc chuyển đổi tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo quy định.
Tài khoản này có thể được dùng để chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, thanh toán các chi phí hợp pháp phát sinh tại Việt Nam và chuyển sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép.
Thêm chế độ cho Hòa giải viên cơ sở
Theo Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở, có hiệu lực từ 25/4, hòa giải viên được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải. Cụ thể là trường hợp: Bị tai nạn hoặc rủi ro trong khi đang thực hiện hòa giải; Bị tai nạn hoặc rủi ro trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý.
Các khoản được hỗ trợ như: Chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chức năng; Thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chức năng; Hỗ trợ một lần chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc hòa giải viên trước khi chết, chi phí cho việc mai táng.
Quản lý tài chính Quỹ đầu tư phát triển địa phương
Theo Thông tư 28/2014/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, có hiệu lực từ ngày 12/4, quy định:
Quỹ phải trích lập các dự phòng: Dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay; Dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư trực tiếp, dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
So với quy định cũ, Quỹ không bắt buộc phải trích lập dự phòng trợ cấp mất việc làm, thôi việc nữa.
Bên cạnh đó, việc phải tuân thủ giới hạn đầu tư trực tiếp, cho vay, góp vốn thành lập doanh nghiệp cũng là một điểm mới đáng chú ý trong các biện pháp bảo toàn vốn hoạt động của Quỹ.
Quy định mới về lập cán cân thanh toán quốc tế
Theo Nghị định 16/2014/NĐ-CP về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, từ ngày 21/4, cơ cấu cán cân thanh toán bao gồm các giao dịch cụ thể: Hàng hoá có sự thay đổi về quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú; giao dịch hàng hoá xuất/nhập khẩu tính theo giá FOB tại cửa khẩu xuất; Dịch vụ vận tải, du lịch, thông tin liên lạc, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, quyền sử dụng giấy phép, quyền thương hiệu và bản quyền, dịch vụ Chính phủ, logistic…; Thu nhập, chuyển giao vãng lai, chuyển giao vốn, đầu tư trực tiếp/gián tiếp, giao dịch tài chính phái sinh, vay/trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi.
Nghị định cũng quy định loại thông tin (thuộc/không thuộc danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước), nguyên tắc và phương thức cung cấp thông tin.
Mức bồi thường nhà ở, đất trong hành lang lưới điện
Nghị định 14/2014/NĐ-CP có có hiệu lực từ ngày 15/4 đã quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn lưới điện.
Theo Nghị định, việc hỗ trợ, bồi thường một lần đối với nhà ở, công trình, đất nằm trong, ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không sẽ áp dụng cho các trường hợp như: Nhà ở phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm trong và ngoài hành lang bảo vệ; Đất ở, các loại đất khác nằm trong hành lang bảo vệ; Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất; Chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở; Hỗ trợ chi phí di chuyển; Bồi thường đối với cây trong và ngoài hành lang bảo vệ.