Một số đề xuất nâng cao tính bền vững nguồn thu từ thuế tại Việt Nam
Thuế là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam hiện nay. Việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu ngân sách nhà nước bền vững, hiệu quả là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh nguồn thu ở nước ta ngày càng khó khăn, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại với các cam kết về lộ trình cắt giảm thuế mạnh mẽ. Bài viết trao đổi về một số vấn đề về tính bền vững và đề xuất các giải pháp cơ bản đảm bảo tính bền vững nguồn thu thuế tại Việt Nam thời gian tới.
Bàn về tính bền vững của nguồn thu thuế tại Việt Nam
Theo PGS.,TS. Phạm Hồng Chương, TS. Nguyễn Thị Thùy Dương (2017), nguồn thu từ thuế sẽ được coi là bền vững nếu nó thỏa mãn các điều kiện: Nguồn thu này ổn định và thường xuyên tăng trưởng; cơ cấu thu thuế là hợp lý; nguồn thu không dễ bị tác động, tổn thương từ các yếu tố bên ngoài; hiện tượng trốn thuế, gian lận thuế, nợ thuế được kiểm soát tốt. Như vậy, nếu đối chiếu với những tiêu chí trên, có thể thấy, tính bền vững của nguồn thu thuế tại Việt Nam còn nhiều điều cần bàn luận bởi nhiều nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nguồn thu từ thuế đang ngày càng khó tăng. Theo PGS., TS. Vũ Sỹ Cường (2017), khả năng thu ngân sách nhà nước (NSNN) luôn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khác nhau và rất khó để tăng lên. Mặc dù, thu thường xuyên có tốc độ tăng khá cao là trung bình 14,5% nhưng vẫn thấp hơn so với chi thường xuyên. Điều này đe dọa tính bền vững của NSNN về dài hạn.
Xét cả giai đoạn dài từ 1996-2016, số liệu tính toán cho thấy, mặc dù số thu từ thuế liên tục tăng trong giai đoạn 2011-2016, song tỷ lệ huy động từ thuế giai đoạn này chỉ là 76,1% tổng thu NSNN, tương đương với tỷ lệ của giai đoạn đoạn 1996-2000. Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 (ngày 21/9/2017), theo đại diện Tổng cục Thuế, tỷ lệ động viên từ thuế những năm vừa qua có xu hướng giảm do Việt Nam liên tục điều chỉnh giảm mức động viên.
Việc thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) (nâng mức giảm trừ gia cảnh), giảm thuế xuất nhập khẩu… cho thấy tiềm ẩn nguy cơ tỷ lệ động viên thuế trên GDP tiếp tục giảm trong các năm tới, do đó khó đảm bảo nguồn lực cho phát triển bền vững.
Thứ hai, cơ cấu thu thuế vẫn chưa hợp lý. Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công năm 2008, xu thế quốc tế hiện giảm dần thuế trực thu, tăng dần vai trò thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế hàng hoá. Các quốc gia đều muốn sử dụng công cụ này để kích thích doanh nghiệp (DN) tăng trưởng, tạo đà cho nền kinh tế hồi phục.
Tính bình quân, nguồn thu từ thuế tại các quốc gia OECD chiếm khoảng 34,3% GDP (tăng từ 24,8% GDP năm 1965). Trong khi đó, Việt Nam mới đặt ra mục tiêu tới năm 2020, nguồn thu nội địa chiếm khoảng 80% tổng thu NSNN, trong đó nguồn thu từ thuế chiếm khoảng 21-22% GDP. Bên cạnh đó, theo báo cáo của E&Y, thuế gián thu tại các quốc gia OECD và châu Âu chiếm 50-60% tổng thu NSNN. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi, từ 33% (năm 2004) lên trên 60% (năm 2016).
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và thực hiện nhiều cam kết quốc tế, theo đó, rất nhiều dòng thuế sẽ giảm về mức 0%. Như vậy, nguồn từ thuế trực thu sẽ có xu hướng giảm. Trong bối cảnh thuế trực thu, thuế xuất nhập khẩu giảm, việc phải điều chỉnh cơ cấu thu, chuyển từ giảm thuế trực thu sang tăng dần thuế gián thu như thuế GTGT là tất yếu.
Ngoài ra, theo ông Sebastian Eckardt -Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mức thuế GTGT chuẩn hiện của Việt Nam vẫn đang thấp ở mức đáy so với khu vực; Thuế liên quan đến tài sản vẫn thấp; Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng ở mức rất cạnh tranh so với khu vực, tuy nhiên cơ sở tính thuế lại đang bị thu hẹp do các chính sách ưu đãi…
Thứ ba, nguồn thu nội địa còn khiêm tốn và chịu ảnh hưởng nhiều từ tác động của nền kinh tế thế giới. Trong giai đoạn 2016-2020, theo nhận định của Bộ Tài chính, nhiệm vụ thu NSNN vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức với những biến động phức tạp, thiên tai, quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế số...
Cùng với đó, Việt Nam là một quốc gia có số thu từ thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng thuế và phí, nên việc cắt giảm thuế nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của NSNN.
Việt Nam hiện nay là quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Do đó, trong trường hợp xuất khẩu khó khăn do các thị trường nước ngoài thì cũng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách và dự trữ ngoại hối. Hoặc giá dầu cao có thể giúp cho NSNN thu vượt dự toán như năm 2012 (đạt 166% dự toán), song cũng sẽ làm cho NSNN gặp khó khăn như hiện nay (năm 2015 ước chỉ đạt 65% dự toán thu từ dầu thô)…
Bên cạnh đó, viễn cảnh thu NSNN ngày càng khó khăn và có nguy cơ suy giảm cũng đã được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cảnh báo khi Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong đó mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2018, phần lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Rõ ràng, nguy cơ sụt giảm nguồn thu không còn là viễn cảnh xa vời, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu NSNN bền vững, hiệu quả.
Thứ tư, tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của nguồn thu thuế. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số tiền thuế nợ của 63 Cục Thuế tính đến thời điểm 31/1/2018 là hơn 75.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là gần 28.000 tỷ đồng; khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là hơn 16.000 tỷ đồng; nợ không có khả năng thu (của người nộp thuế chết, mất tích…) là hơn 31.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2017, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt lên đến 78.619 tỷ đồng. Trong đó, số nợ thuế các loại do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng; nợ thuế do ngành hải quan quản lý là 5.474 tỷ đồng.
Các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do nguyên nhân khách quan lên đến 35.347 tỷ đồng, bằng 44,9% tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.Trong khi đó, kết quả xử lý nợ thuế đạt rất thấp đối với những trường hợp nợ không có khả năng thu. Giai đoạn 2007-2017, tổng số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp mà ngành thuế xóa nợ là 1.122 tỷ đồng, chiếm 3,3% số nợ không có khả năng thu hồi.
Năm 2018, toàn ngành Thuế phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018. Đặc biệt, số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 giảm tuyệt đối so với thời điểm 31/12/2017. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản nợ chờ xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2017 trước ngày 31/3/2018.
Để thực hiện được mục tiêu trên ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục Thuế đã triển khai quyết liệt các giải pháp với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, góp phần tăng thu cho NSNN. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế vẫn sẽ luôn là bài toán khó có thể giải quyết được trong một thời gian ngắn.
Bộ Tài chính đang soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xóa hơn 26.500 tỷ đồng nợ thuế các loại. Trong tổng số 26.500 tỷ đồng nợ thuế đề nghị xóa nợ, nhiều nhất tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh với 24.302 tỷ đồng, vì không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2017, không còn khả năng nộp NSNN và đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong khi đó, các trường hợp được đề xuất xóa nợ thuế do nguyên nhân bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác gồm tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng, tổng cộng khoảng 1.700 tỷ đồng. Tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán là 542,525 tỷ đồng... Điều này cho thấy, vấn đề nợ thuế đang trở thành vấn đề nan giải đối với nước ta trong thời gian tới.
Những vấn đề đặt ra
Việc đảm bảo nguồn thu thuế bền vững là một trong các yêu cầu cốt lõi để duy trì một nền tài khóa vững chắc. Nhằm nâng cao tính bền vững nguồn thu từ thuế tại Việt Nam, cần triển khai quyết liệt các giải pháp sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các luật về thuế cho phù hợp với tình hình mới, trong đó, coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế, kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính đang dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 06 luật về thuế dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc mở rộng cơ sở thuế bao gồm: Thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNCN.
Về quản lý thuế, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án Luật Quản lý thuế sửa đổi thay thế Luật Quản lý thuế hiện hành, trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung chủ yếu như: Tăng cường quản lý thuế theo phương thức quản lý thuế điện tử ở tất cả các khâu (đăng ký thuế, kê khai thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế...); Kết hợp quản lý thuế theo phương thức rủi ro để đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế và các khoản thu khác của NSNN theo quy định của pháp luật; Tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh có doanh số lớn; Tăng cường trách nhiệm của cá nhân có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử…
Ngoài ra, nhằm nâng cao tính bền vững nguồn thu từ thuế, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng Luật Thuế tài sản tại Việt Nam. Theo đó, thuế tài sản cần thiết kế các biểu thuế khác nhau cho từng nhóm tài sản và ưu tiên sử dụng biểu thuế lũy tiến. Thuế được đánh trên giá trị hàng năm của tài sản đó…
Việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế không chỉ nhằm phù hợp với tình hình mới, mà còn nhằm cơ cấu lại nguồn thu NSNN, cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Tuy nhiên, cần điều chỉnh một số chính sách thuế để đảm bảo tính bền vững của NSNN về dài hạn, song những điều chỉnh về chính sách thuế cần xem xét mức thuế suất phù hợp với khả năng chịu thuế cũng như những tác động tiêu cực của tăng thuế. Trong đó, nguyên tắc chung là nên mở rộng đối tượng chịu thuế hơn là tăng gánh nặng thuế suất.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nợ đọng thuế, trốn thuế nhằm đảm bảo thu hồi kịp thời số nợ thuế vào NSNN. Theo đó, tập trung đẩy mạnh việc phối hợp giữa bộ phận quản lý nợ với các bộ phận thực hiện các chức năng khác như kê khai, thanh tra, kiểm tra thuế; Phối hợp với người nộp thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN. Tăng cường thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật...
Để quản lý tốt đối tượng nộp thuế, quản lý tốt nguồn thu phát sinh, cơ quan thuế cũng đã thường xuyên rà soát, nắm bắt kịp thời và sát đối tượng quản lý thông qua việc đẩy mạnh việc kiểm kê, rà soát mã số thuế, đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế, để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế.
Quản lý chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát kê khai thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu kê khai không đủ thuế…
Kịp thời rà soát tình hình tạm nộp thuế TNDN và lợi nhuận hàng quý, để đôn đốc các DN nộp sát số thuế TNDN theo kết quả sản xuất kinh doanh hàng quý. Thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, góp phần tăng thu cho NSNN.
Ngoài ra, cơ quan Thuế các cấp cũng tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, thực hiện phân tích thông tin về hoàn thuế, khai thuế để lựa chọn những đối tượng có dấu hiệu rủi ro trong hoàn thuế để bổ sung vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT, kiên quyết xử lý, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN.
Thứ ba, cần tiếp tục cân nhắc tăng tỷ lệ động viên từ các sắc thuế gián thu, thuế tiêu thụ để lành mạnh hoá và bền vững ngân sách; Tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế trực thu bảo đảm công bằng, hiệu quả, hiệu lực, đơn giản, minh bạch và xu hướng là giảm dần loại thuế này để kích thích đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng cho DN.
Bên cạnh đó, rà soát giảm dần các chính sách ưu đãi thuế không còn hợp lý, chú ý tính phù hợp với các cam kết cần thực hiện trong bối cảnh Việt Nam tham gia và hội nhập sâu với kinh tế thế giới.
Thứ tư, cần hoàn thiện công tác dự báo thu thuế. Trước mắt, cần củng cố hoàn thiện cơ sở dữ liệu theo hướng tập trung, đa dạng. Đây có thể coi là công việc đầu tiên và quan trọng nhất khi triển khai dự báo thu thuế. Dữ liệu về thuế có thể thu thập từ tờ khai thuế hoặc qua điều tra khảo sát. Dữ liệu này được kết nối điện tử trong toàn bộ hệ thống cơ quan thuế và có thể dễ dàng truy cập từ các cơ quan có liên quan. Tiếp theo, lựa chọn phương pháp, mô hình dự báo thu hợp lý cho từng giai đoạn.
Ngoài ra, cần cập nhật đầy đủ kịp thời, chính xác báo cáo tài chính năm vào ứng dụng quản lý thuế để phục vụ công tác đánh giá, phân tích rủi ro và dự báo nguồn thu. Tổng cục Thuế nên tổ chức một bộ phận chuyên biệt cho dự báo từng sắc thuế. Các cơ quan thuế cũng có thể nghiên cứu và học tập kinh nghiệm công tác dự báo của các quốc gia có công tác dự báo thuế tốt.
Thứ năm, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Theo đó, các dự án hiện đại hóa quản lý thuế cần có lộ trình và mục tiêu cụ thể về số tăng thu cho NSNN mà dự án sẽ mang lại. Ngoài việc triển khai nộp thuế và hoàn thuế điện tử, cơ quan Thuế cần xem xét đổi mới công nghệ trong hợp tác thu thập và chia sẻ thông tin với các cơ quan bên ngoài.
Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính và chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử bao gồm nộp qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế và các kênh điện tử do các ngân hàng thương mại cung cấp; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để thực hiện thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản bằng phương thức điện tử; triển khai thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử…
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2017), Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018;
2. Tổng cục Thuế (2017), Báo cáo chuyên đề Công tác quản lý thu và chống thất thu NSNN;
3. PGS., TS. Phạm Hồng Chương, TS. Nguyễn Thị Thùy Dương (2017), Nâng cao tính bền vững nguồn thu từ thuế: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính số tháng 11/2017;
4. PGS., TS. Vũ Sỹ Cường (2017), Huy động nguồn thu NSNN ở Việt Nam theo hướng bền vững, Tạp chí Tài chính số tháng 10/2017;
5. Tô Hà (2018), Xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế: Tránh bị trục lợi!, Người Lao động;
6. Shukla, G. P., Phạm Minh Đức, Engelschalk, M. và Lê Minh Tuấn (2011), Cải cách thuế ở Việt Nam hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn, Ban quản lý kinh tế và xóa đói giảm nghèo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới;
7. Allen Schicck (2005), Sustainable budget policy: Concept and approaches, OECD Journal on budget, Volume 5, No1.ISSN 1608-7143;
8. Kuo, C. Y. (2000), ‘Estimation of Tax Revenue and Tax Capacity’, (No. 2000-08), JDI Executive Programs;
9. Một số website: mof.gov.vn, gdt.gov.vn, tapchithue.com.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn, tapchitaichinh.vn…