Một số điểm mới về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào ngày 22/5/2016 là cuộc bầu cử đầu tiên được áp dụng theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015, gồm 10 chương, 98 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015.
Ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015. Luật gồm 10 chương và 98 điều. Luật quy định về nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử; tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; danh sách người ứng cử; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung, tổng kết bầu cử; xử lý vi phạm về bầu cử…
Luật có nhiều điểm mới, trong đó có thể kể đến:
- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây (Khoản 1, Điều 4).
Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (Luật cũ là 105 ngày).
- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đảm bảo có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.
Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Khoản 2 và 3, Điều 8).
- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập (Luật cũ gọi là Hội đồng bầu cử ở Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập) có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc (Khoản 5, Điều 29).
- Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, còn tiêu chuẩn đại biểu HĐND quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở các quy định Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.