Một số giải pháp cho tình trạng nhập siêu cao và kéo dài của Việt Nam

TS. Lương Văn Khôi và Cộng sự

(Tài chính) Trừ những năm có tác động lớn của khủng hoảng, Việt Nam luôn có nhập siêu cao và có xu hướng kéo dài trong quan hệ thương mại với các nước. Trong 7 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam (bao gồm: Trung Quốc (đại lục), ASEAN-5, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan). Việt Nam luôn có xuất siêu đối với Mỹ và EU, và hầu như có xuất siêu với Nhật Bản.

Một số giải pháp cho tình trạng nhập siêu cao và kéo dài của Việt Nam
Tình trạng nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam cao và có xu hướng kéo dài. Nguồn: internet
Xét theo nhóm hàng, nhóm hàng công nghiệp luôn trong tình trạng nhập siêu cao và có xu hướng kéo dài với mức độ ngày càng trầm trọng. Theo trình độ công nghệ, nhóm hàng có trình độ công nghệ trung bình và nhóm hàng dựa vào khai thác tài nguyên là nguyên nhân chính khiến tình trạng nhập siêu của Việt Nam ngày càng cao và kéo dài. Điều đáng lưu tâm ở đây là nhiều khả năng Việt Nam nhập khẩu những mặt hàng đã qua chế biến từ chính những nguyên liệu của chúng ta đã xuất khẩu.

Xét theo mục đích sử dụng, nhập siêu nhóm hàng trung gian, đặc biệt là nhóm hàng bán thành phẩm ngày càng cao với mức độ ngày càng trầm trọng là nguyên nhân chính khiến tình trạng nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam cao và có xu hướng kéo dài. Trong khi đó, Việt Nam có xu hướng xuất khẩu và có thặng dư thương mại đối với các nhóm hàng thô, hàng sơ cấp, phế phẩm quặng và nguyên liệu thô, nông phẩm và nông phẩm chế biến, nhóm hàng công nghiệp có trình độ công nghệ thấp và nhóm hàng tiêu dùng. Đặc điểu chung của các hàng hóa này là hàng thiết yếu có hàm lượng giá trị tăng thêm thấp.

Điểm đặc chung trong quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là đối với 7 đối tác lớn nhất của Việt Nam là Việt Nam xuất siêu chủ yếu là nhóm hàng sơ cấp, phế phẩm quặng và nguyên liệu thô, nông phẩm và nông phẩm chế biến, nhóm hàng có hàm lượng lao động phổ thông cao, nhóm hàng tiêu dùng, Trong khi đó, các nhóm hàng hóa trung gian (chủ yếu là nhóm hàng bán thành phẩm) và tư liệu sản xuất luôn có mức độ nhập siêu cao và ngày càng trầm trọng, đặc biệt là nhóm hàng bán thành phẩm. Đây là nguyên chính khiến tình trạng nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam cao và có xu hướng kéo dài.

Đặc điểm chung đối với quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là đối với 7 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam là Việt Nam xuất siêu sang các thị trường này nhóm hàng sơ cấp, hàng có hàm lượng lao động phổ thông cao, nhóm hàng có hàm lượng tài nguyên cao và nhóm hàng tiêu dùng, song lại nhập siêu nhóm hàng trung gian (chủ yếu là nhóm hàng bán thành phẩm) và tư liệu sản xuất. Trong đó nhập siêu nhóm hàng bán thành phẩm chiếm tỷ trọng rất cao và là nguyên nhân chính khiến tình trạng nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam cao và có xu hướng ngày càng kéo dài.

Đối với 3 thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản, hàng hóa của Việt Nam và các nước này có tính bổ trợ cao và Việt Nam đang khai thác khá tốt thế mạnh của mình nhất là những mặt hàng tiêu dùng. Đối với EU và Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (KNXK) nhóm hàng trung gian (chủ yếu là nhóm hàng bán thành phẩm) và tư liệu sản xuất của Việt Nam sang 2 thị trường này ngày càng tăng, cho thấy thông qua hai thị trường này, Việt Nam đang tham gia ngày càng cao vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Riêng đối với EU, tình hình thương mại của Việt Nam với thị trường này khá tốt và có bước cải thiện đáng kể. Cụ thể là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (KNNK) nhóm hàng tư liệu sản xuất có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn nhất, song KNXK nhóm hàng này của Việt Nam sang EU cũng ngày một tăng cao.Điều đặc biệt đáng lư tâm là nhóm 4 trong số 7 đối tác thương mại lớn nhất còn lại của Việt Nam là Trung Quốc, ASEAN-5, Hàn Quốc và Đài Loan. Việt Nam luôn có thâm hụt thương mại cao và có xu hướng ngày trầm trọng do hàng hóa của Việt Nam có tính cạnh tranh cao với các nước này, nhất là với Trung Quốc, ASEAN-5 và Đài Loan. Nhóm 4 thị trường này được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng thâm hụt thương mại của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao và có xu hướng kéo dài.

Điều đặc biệt cần quan tâm nhất ở đây là trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam chịu “thiệt đơn, thiệt kép”, Việt Nam luôn ở thế bất lợi. Trong khi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng sơ chế, nông phẩm, phế phẩm quặng và nguyên liệu thô, hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp có trình độ công nghệ thấp, thì nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là nhóm công nghiệp có trình độ công nghệ thấp và trung bình, nhóm hàng trung gian (chủ yếu là nhóm hàng bán thành phẩm), nhóm hàng hàng khai thác dựa vào tài nguyên. Những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh thì cũng đang bị hàng hóa của Trung Quốc lấn át tại thị trường Việt Nam và nhiều khả năng Việt Nam nhập lại những mặt hàng đã qua chế biến từ chính nguyên liệu thô của ta đã xuất sang Trung Quốc.

Điều đặc biệt chú ý ở đây là nhóm hàng bán thành phẩm có mức độ thâm hụt thương mại lớn nhất và là nguyên nhân chính khiến tình trạng nhập siêu cao và kéo dài của nền kinh tế Việt Nam. Việc phát hiện nhóm hàng này có mức nhập siêu cao nhất và là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng nhập siêu cao và có xu hướng kéo dài của nền kinh tế Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam.

Đặc điểm của việc nhập khẩu nhóm hàng này vào Việt Nam không đưa vào sâu quá trình sản xuất để tạo giá trị tăng thêm cho nền kinh tế mà chủ yếu để lắp giáp hoặc chỉ cần qua một vài công đoạn đơn giản để hoàn thiện sản phẩm là có thể bán tại thị trường Việt Nam, khiến hàng hóa cùng loại của Việt Nam chịu lép vế và đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó có thể chống đỡ nổi trước sự cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua hình thức này. Việt Nam đã là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc, các nước ASEAN-5 và Đài Loan khi việc nhập khẩu nhóm hàng bán thành phẩm này vào Việt Nam để lắp ráp hoặc chỉ cần qua công đoạn đơn giản để hoàn thiện và tiêu thụ trong nước.

Những phát hiện kể trên cho thấy Việt Nam cần có những chính sách chung và những đối trọng chính sách riêng biệt cho phù hợp với từng đối tác, trong đó đặc biệt quan tâm đến 7 đối tác quan trọng gồm Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN-5, Hàn Quốc và Đài Loan.

Chính sách chung đối với các đối tác

Chính phủ cần có những chính sách đặc thù hoặc ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư tư nhân trong nước và FDI từ các nước, nhất là các nước phát triển vào các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo để cung cấp máy móc thiết bị hiện đại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nâng cao hàm lượng giá trị tăng thêm trong hàng xuất khẩu và giảm xuất khẩu hàng sơ cấp, hàng thô, giảm nâng tỷ trọng KNXK nhóm hàng có hàm lượng công nghệ trung bình và cao, giảm tỷ trọng KNXK nhóm hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ thấp, đồng thời giảm nhập khẩu những hàng nông phẩm chế biến được sản xuất từ chính những nguyên liệu thô của ta.

Chuyển hướng nhập khẩu máy móc thiết bị có trình độ công nghệ trung bình và cao từ các nước có công nghệ nguồn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nhóm hàng bán thành phẩm vào Việt Nam để lắp ráp vì mục đích tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Chính sách đặc thù đối với các đối tác

Đối với nhóm thị trường mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn

Bốn thị trường mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất và là nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng nhập siêu cao và kéo dài của nền kinh tế Việt Nam là Trung Quốc, ASEAN-5, Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc điểm chung về quan hệ thương mại của Việt Nam với cả 4 thị trường này là thâm hụt thương mại hay nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường này cao, có xu hướng kéo dài và ngày càng trầm trọng, và chủ yếu là do nhóm hàng trung gian, sau đó là nhóm hàng tư liệu sản xuất gây ra. Thâm hụt thương mại của nhóm hàng trung gian lại chủ yếu gây ra bởi nhóm hàng bán thành phẩm.

Việc nhập khẩu nhóm hàng này lớn vào Việt Nam chủ yếu để lắp ráp hoặc chỉ cần qua công đoạn đơn giản để hoàn chỉnh là có thể tiêu thụ trên thị trường Việt Nam hoặc phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Điều tệ hại nhất là nhóm hàng này được các doanh nghiệp các nước này xuất khẩu sang Việt Nam nhằm mục tiêu khai thác thị trường Việt Nam vì nó sẽ lấn át hàng hóa Việt Nam, đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó có thể chống đỡ được do nhóm hàng này được khẩu khẩu với mức thuế thấp. Chính phủ cần có những chính sách đủ mạnh để ngăn chặn hình thức trốn thuế tinh vi này nếu không sẽ làm tổn hại đến nền sản xuất trong nước vốn đã yếu kém nay lại càng yếu kém hơn.

Đối với Trung Quốc

Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường này chủ yếu là nhóm hàng trung gian và tư liệu sản xuất. Trong khi hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc tương đối tương đồng và cạnh tranh với nhau nên sự phụ thuộc quá lớn của nền sản xuất Việt Nam vào thị trường này không chỉ trong ngắn hạn và cả trong trung và dài hạn. Những hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh thì đang bị hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam và lấn át hàng hóa của Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam. Mặc dù, xét trong ngắn hạn giá cả hàng hóa trung gian nhập từ Trung Quốc tuy có rẻ song nền kinh tế  của ta sẽ gặp phải những cú sốc rất lớn khi bị Trung Quốc áp dụng những biện pháp kinh tế phục vụ những mưu đồ chính trị của nước này.

Điều đặc biệt nghiêm trọng khi thâm hụt thương mại nhóm hàng trung gian chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đó nhóm hàng bán thành phẩm là chủ yếu thì nhóm hàng này nhập khẩu vào Việt Nam để lắp giáp hoặc chỉ cần qua một công đoạn đơn giản để hoàn thiện sản phẩm và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì trong một thời gian dài Việt Nam đã không để ý nên Việt Nam thực sự đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng nhập giá rẻ (do bị áp thuế nhập khẩu rẻ hơn hàng nguyên chiếc). Hậu quả là hàng hóa Việt Nam bị lấn át, không cạnh tranh nổi với hàng của Trung Quốc, đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó khăn, yếu thế hơn. Do đó, Chính phủ cần có chính sách thỏa đáng để ngăn chặn hình thức trốn thuế tinh vi này.

Bên cạnh đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất như máy móc thiết bị nhập khẩu của Trung Quốc tuy có rẻ nhưng có trình độ công nghệ không cao, nguy cơ nhập phải những công nghệ lạc hậu, thải loại, tiêu hao nhiều nguyên nhiên vật liệu đầu vào cao và không thân thiện với môi trường. Điều tệ hại là những máy móc thiết bị này lại được sử dụng để sản xuất ra những hàng hóa cùng loại với Trung Quốc thì sao có thể cạnh tranh được với họ. Các mặt hàng của ta đã và đang thua không chỉ trên thị trường khu vực, quốc tế mà trên cả sân nhà.

Một nguy cơ đã được cảnh báo bởi Lương Văn Khôi và cộng sự là nếu Việt Nam không có giải pháp kịp thời như xây dựng hàng rào phi thuế quan đủ mạnh nhưng vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế thì kể từ năm 2015 hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam và gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể Việt Nam có nguy cơ xóa sổ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phá sản hàng loạt.

Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp, từng bước tách dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Trước mắt cần chuyển hướng nhập khẩu máy móc thiết bị sang các thị trường có công nghệ nguồn từ G7 trong đó Mỹ, Nhật Bản và các nước thuộc EU là việc làm cần thiết. Việc làm này có thể được thực hiện bằng nhiều cách như sau:

- Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút FDI từ các nền kinh tế này vào những ngành có tác động lan tỏa kinh tế lớn.

- Trợ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị từ các thị trường này.

- Phát triển công nghiệp phụ trợ;

- Thu hút những công ty đa quốc gia, những tập đoàn lớn đến đầu tư tại Việt Nam từ đó hình thành hệ thống thầu phụ trong nước, các doanh nghiệp vệ tinh,...

Về nhập khẩu đầu vào trung gian cho sản xuất trong nước, các Bộ ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung công tác quy hoạch phát triển sản phẩm, ngành, vùng. Đảm bảo có những vùng nguyên liệu riêng biệt đủ cung cấp đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước. Ban đầu có thể chịu giá đầu vào cao một chút nên cần có hình thức trợ giúp phù hợp từ Chính phủ, nhưng chúng ta chủ động được về chất lượng, chủng loại, tiến độ giao nhận hàng,... thì xét một cách tổng thể chúng ta vẫn có thể có lợi hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, theo Lương Văn Khôi và Cộng sự, Việt Nam cần thực hiện ngay những giải pháp sau:

- Xây dựng và thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ chiến lược về phát triển khoa học công nghệ. Cần có những quy định cụ thể về việc nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt cần chú trọng đến những công nghệ nguồn từ các nước Mỹ, Nhật… để tạo bước đột phá về mặt công nghệ và làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Cấm hoặc hạn chế tới mức tối đa việc nhập khẩu những công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều nguyên nhiên vật liệu đầu vào và không thân thiện với môi trường, đặc biệt là những máy móc thiết bị, công nghệ địa phương và thải loại từ Trung Quốc. Đồng thời trợ giúp doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp tín dụng để đổi mới trang bị máy móc thiết bị hiện đại.

Xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy có liên quan đến xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa. Trước hết cần chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương về cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế. Đồng thời đổi mới cơ chế đấu thầu đảm bảo đầy đủ các tiêu chí không chỉ về giá mà cả các yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn và chất lượng thiết bị cũng như tiến độ thực hiện công trình để loại bỏ những gói thầu kém chất lượng và nhập khẩu vào Việt Nam những máy móc thiết bị giá rẻ nhưng lạc hậu, chất lượng thấp, không thân thiện với môi trường. 

Thiết lập hàng rào phi thuế quan đúng quy chuẩn để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Đây được coi là nhiệm vụ cấp bách nhất của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo hàng hoá trong nước phát triển, cạnh tranh lành mạnh với hàng ngoại nhập, nếu không nền kinh tế Việt Nam sẽ đón nhận những hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời ngăn chặn được việc nhập khẩu những công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên vật liệu đầu vào và gây ô nhiễm môi trường.

Xây dựng cơ cấu xuất khẩu hiện đại. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc (và ASEAN-5) chủ yếu là các mặt hàng sơ cấp và hàng công nghiệp có trình độ công nghệ thấp với kim ngạch xuất khẩu ở mức thấp. Thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc (và các nước ASEAN-5) tăng không ngừng và luôn ở mức cao gây ra bởi thâm hụt cán cân thương mại hàng công nghiệp, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp có trình độ công nghệ trung bình, thấp và cao, và nhóm hàng hóa dựa vào khai thác tài nguyên. Do đó, cần có biện pháp chính sách phù hợp và kịp thời để tập trung đầu tư.

Đặc biệt là lựa chọn và thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp, chế biến để nâng cao tỷ trọng hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu sang các nước tham gia ACFTA, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua, hạn chế việc nhập khẩu những hàng hóa chế biến từ những nguyên liệu sẵn có trong nước.

Chính phủ tập trung vào việc thu hút các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia (MNCs) và xuyên quốc gia (TNCs) đầu tư vào Việt Nam, chú trọng những tập đoàn, MNCs và TNCs có khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam hoặc những doanh nghiệp có khả năng trở thành nhà cung ứng hàng hóa chế tác đầu vào cho ngành công nghiệp lắp ráp của Trung Quốc.

Doanh nghiệp trong nước cần chủ động liên kết kinh doanh với nhau hoặc với nước ngoài để đầu tư, mở rộng sản xuất hàng công nghiệp có trình độ công nghệ trung và cao cấp, và sản xuất hàng dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là những mặt hàng mà nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào cũng như những mặt hàng có lợi thế so sánh với Trung Quốc (và các nước ASEAN)....

Song hành với việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu vực biên giới, nhất là Biên giới Việt Trung bao gồm các các trung tâm thương mại, chợ biên giới, đường tuần tra biên giới, chợ cửa khẩu... cần tăng cường lực lượng làm công tác chống buôn lậu. Cần quy về một mối các cơ quan tham gia bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và bảo vệ thị trường để kiểm tra giám sát tốt tình hình buôn bán mậu biên, buôn lậu, hàng giả,…

Đối với ASEAN-5, Hàn Quốc và Đài Loan

Quan hệ thương mại của Việt Nam với thị trường các nước ASEAN-5 có nhiều đặc điểm giống thị trường Trung Quốc, song đặc điểm nổi bật nhất cần chú ý đối với thị trường các nước ASEAN-5 là đối với những hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh như nông lâm thủy sản, hay nhóm hàng dựa vào khai thác tài nguyên, nhiều khả năng Việt Nam có xu hướng xuất thô và nhập về những mặt hàng này đã qua chế biến với giá trị gia tăng và kim ngạch lớn hơn. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách thích hợp để đẩy mạnh công nghiệp chế biến trong nước như đã đề cập ở trên để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Ngoài ra, cũng giống như thị trường Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Việt Nam từ thị trường này chủ yếu là do nhóm hàng trung gian đặc biệt là nhóm hàng bán thành phẩm gây ra. Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các nước ASEAN-5 khi doanh nghiệp các nước này xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là nhóm hàng bán thành phẩm để lắp ráp hoặc chỉ cần qua khâu đơn giản để hoàn thiện sản phẩm là có thể tiêu thụ được tại Việt Nam. Điều này đã đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó có thể chống đỡ nổi. Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này.

Do quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc và với Đài Loan cũng có nhiều đặc điểm tương tự như với ASEAN-5 nên những giải pháp chính sách đưa ra cũng tương tự như đối với ASEAN-5.

Đối với nhóm thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại

Hai thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại lớn phần nào làm giảm bớt tình trạng nhập siêu cao và kéo dài của nền kinh tế Việt Nam phải kể đến Mỹ và EU. Bên cạnh đó, thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại tương đối cân bằng và đôi khi có thặng dư thương mại là Nhật Bản. Có thể nhận thấy là những thị trường mà hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa của các nước này có mức độ bổ trợ cho nhau rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng hoặc hàng hóa có hàm lượng lao động phổ thông với kim ngạch rất cao trong khi Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường này là nhóm hàng tư liệu sản xuất hoặc nhóm hàng công nghiệp có hàm lượng công nghê cao và nhóm hàng trung gian.

Đối với các thị trường này, Việt Nam tiếp tục có những giải pháp và chiến lược xúc tiến thương mại và đầu tư phù hợp để tăng KNXK hàng hóa sang các thị trường này; nghiên cứu các thị trường ngách để tăng có những sản phẩm phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng.Đây là những quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn nên Chính phủ cần có giải pháp thỏa đáng để giúp các doanh nghiệp chuyển hướng và tăng cương nhập khẩu hàng máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, và do đó của cả nền kinh tế.

Mặc dù vậy, KNNK nhóm hàng trung gian mà chủ yếu là bán thành phẩm cũng rất lớn, cũng giống như với Trung Quốc, ASEAN-5, Hàn Quốc và Đài Loan, Chính phủ cần có những giải pháp chính sách phù hợp để hạn chế việc nhập khẩu bán thành phẩm từ các thị trường này vào Việt Nam để lắp ráp hoặc chỉ qua công đoạn đơn giản để hoàn thiện sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường trong nước.

---------------------------------------------
Nguồn: Lương Văn Khôi và Cộng sự, 2012. Phân tích định lượng để tìm ra nguyên nhân nhập siêu cao và kéo dài của nền kinh tế Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.