Một số giải pháp nâng cao công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, một số chính sách đã thể hiện những hạn chế, bất cập. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp vào quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế đất nước.
Tình hình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành và thực thi một số chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) như: Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển cho DNNVV; Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV; Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV; Quỹ Bảo lãnh DNNVV… Gần đây nhất là Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Như vậy, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN nói chung và DNNVV nói riêng.
Hiện thực hóa các chủ trương trên, các địa phương đã chú trọng đến công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, nhất là DNNVV. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức đại diện cho DN, chính sách, chương trình hỗ trợ cho DN trong thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập cả về thể chế, chương trình, phương thức thực hiện hoạt động hỗ trợ DN như:
Thứ nhất, nhiều chủ DN, đặc biệt là các DNNVV đi lên từ mô hình sản xuất nhỏ, không được đào tạo hoặc bồi dưỡng bài bản về kiến thức pháp luật, thường làm việc theo thói quen, cho nên không nhận thức được vai trò quan trọng của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, vẫn còn có quan niệm cho rằng, pháp luật là câu chuyện của Nhà nước đặt ra để trói buộc DN và nếu không có “chạy chọt” để “cởi trói” thì dù có giỏi pháp luật đến mấy cũng không thể làm được.
Thực tế cho thấy, tuy chưa hoàn toàn loại trừ được tiêu cực nhưng nếu DN am hiểu pháp luật, thì doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý trong kinh doanh cũng như dễ dàng hơn trong các giao dịch hành chính đối với cơ quan Nhà nước.
Thứ hai, hệ thống pháp luật ngày càng phức tạp. Việc áp dụng các văn bản pháp luật cũng không hề dễ dàng do có nhiều văn bản cùng điều chỉnh về một vấn đề, thậm chí lại do nhiều cơ quan khác nhau ban hành. Cơ chế đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật hiện nay cũng có nhiều bất cập. Nhiều văn bản luật có tính chất tuyên ngôn, định hướng, khuyến khích, chưa đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng, thế nên các DN, cơ quan Nhà nước không biết áp dụng như thế nào cho chuẩn, cho nên tình trạng là áp dụng thế nào cũng được thường xuyên xảy ra.
Thứ ba, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN thời gian qua tuy đã được quan tâm sang chưa kịp thời. Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho DN. Bên cạnh đó, đa số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn chưa cao, trong khi kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc hỗ trợ pháp lý.
Thứ tư, dịch vụ pháp lý cho DNNVV còn tồn tại nhiều vấn đề cố hữu. Điển hình như: Số lượng cá nhân, tổ chức hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho DN thường tập trung tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh); Nhiều công ty tư vấn hoặc luật sư còn đặt nặng vai trò là người thực hiện thủ tục thông qua “chạy chọt” dựa vào các mối quan hệ hơn là thực hiện các quyền cho DN một cách nghiêm túc. Cách làm này đã dẫn tới nhiều hệ lụy như: Làm xói mòn nền pháp chế; Xói mòn ý thức tuân thủ pháp luật của DN; Làm DN hiểu sai về các tổ chức tư vấn…
Hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mặc dù Luật DN 2014 ra đời kéo theo hàng loạt các văn bản hướng dẫn kèm theo đã phần nào giải quyết được tình trạng nói trên đối với các DN của Việt Nam, tuy nhiên đối với DNNVV thì họ cần có một hành lang pháp lý riêng để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong DN của mình và kích thích, thúc đẩy DNNVV phát triển bắt kịp với các tổ chức kinh tế lớn. Đó là lý do cấp thiết cần xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng đầy đủ hệ thống pháp lý gồm các quy phạm cụ thể với những giải pháp toàn diện nhằm thiết lập các nguyên tắc, đường lối, mục tiêu, chính sách, chương trình để có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ nhất, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV phải thể hiện được rõ tính chất “hỗ trợ” và đối tượng nhận hỗ trợ. Nói cách khác, trong dự thảo Luật phải liệt kê được các khía cạnh mà cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân buộc phải hỗ trợ DNNVV trong hoạt động của các DN này. Dự thảo Luật cũng nên đưa ra những điều kiện, tiêu chí để DNNVV có quyền nhận hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng hệ thống pháp lý theo hướng hỗ trợ tối đa cho các loại hình DN này. Từ đó, thiết lập các nguyên tắc, đường lối, mục tiêu, chính sách, chương trình để có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hoạt động của DNNVV.
Mặt khác, việc xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong hoạt động hỗ trợ DNNVV cũng là yếu tố tiên quyết, căn bản để dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV thể hiện được giá trị và ý nghĩa thiết thực đối với các DNNVV.
Thứ hai, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nên bố cục rõ ràng để người đọc cũng như các DNNVV dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết, có lợi cho DN.
Thứ ba, vấn đề hỗ trợ DNNVV là một vấn đề phức tạp cần có sự tham gia điều tiết, hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều cơ quan, ban ngành liên quan nên việc có văn bản hướng dẫn, văn bản dưới luật kèm sau quá trình dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời là điều tất yếu. Tuy nhiên, để tránh tình trạng Luật ra đời “đợi” văn bản hướng dẫn, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng cần phối hợp với các ban, ngành có liên quan để chuẩn bị các hướng dẫn chi tiết trước khi Luật được ban hành. Điều này sẽ giúp văn bản luật sớm đi vào cuộc sống và tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời với mục tiêu giải quyết các tồn đọng mà DNNVV đang cần trợ giúp từ phía cơ quan Nhà nước, cho nên cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cần thiết tổ chức các cuộc điều tra, lấy số liệu, bám sát tình hình, thống kê thực trạng hiện tại của các DNNVV tại Việt Nam và thông tỏ các nguyên nhân chính dẫn đến việc DNNVV cần hỗ trợ phát triển.
Đồng thời, xác định rõ ràng những quy định, quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thỏa mãn nhu cầu của đại đa số các DNNVV. Có như vậy, Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời mới trở thành công cụ pháp lý quan trọng, thiết thực, tác động tích cực vào sự phát triển của các DNNVV Việt Nam.
Thứ năm, cái khó của DNNVV, nhất là DN khởi nghiệp không vay được vốn tín dụng hoặc phải vay vốn với lãi suất cao là do chưa có thị trường, chưa có thương hiệu, chưa có tài sản đảm bảo… Vì vậy, Nhà nước cần tạo ra một số cơ chế hỗ trợ tín dụng DNNVV, trong đó có việc phát triển Quỹ DNNVV cho vay vốn; được các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại; được vay vốn của các tổ chức tín dụng vi mô…
Thứ sáu, ước tính số lượng DNNVV hỗ trợ lên đến nửa triệu và dự kiến 5 năm nữa là 1 triệu DN, với khoảng trên 100 nội dung hỗ trợ. Do vậy, cần thiết phải thành lập một cơ quan chuyên trách cấp cục, vụ ở Trung ương và cấp phòng mỗi tỉnh, thành để đảm bảo khả năng hỗ trợ DNNVV hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV;
2. Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV;
3. Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015.