Một số giải pháp tăng cường thu hút FDI vào công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Sau 20 năm tái lập (1997-2016), tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đã có sự chuyển biến tích cực, toàn diện. Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế của Hưng Yên chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Kinh tế của Tỉnh liên tục đạt mức tăng trưởng bình quân 11,02%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,67%/năm... góp phần giúp Hưng Yên chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả này có phần đóng góp quan trọng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Thực trạng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp
Theo số liệu của Cục Thống kê Hưng Yên, sau hơn 10 năm thực hiện việc tăng cường chính sách thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước (từ năm 2005), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hưng Yên tăng liên tục theo năm.
Đến nay, Hưng Yên đã có khoảng trên có 230 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp đang hoạt động (chiếm khoảng trên 60% tổng số dự án) với số vốn thực hiện trên 1.908 nghìn USD (chiếm khoảng trên 57% tổng số vốn đăng ký).
Thu hút FDI phân theo các giai đoạn đầu tư
Nếu như giai đoạn 1997-1999, Hưng Yên không thu hút được dự án FDI nào, thì đến giai đoạn 2000-2005, Hưng Yên thu hút được 45 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 234 triệu USD. Trong đó, tiêu biểu có một số dự án quy mô lớn như: Công ty TNHH Global Sourcenet; Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam; Công ty TNHH Tae Yang Việt Nam…
Giai đoạn 2006-2010, với chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, Hưng Yên đã trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài. Minh chứng là trong giai đoạn này có tới 134 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 1.115 triệu USD, tăng gấp 4,7 lần so với giai đoạn 2000-2005.
Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao của các tập đoàn kinh tế lớn như: Dự án sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử kỹ thuật cao của Công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký 128 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất nhôm của Công ty TNHH nhôm Hyundai Aluminium Vina 78 triệu USD; Nhà máy Hoya Glass Disk Việt Nam II của Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam 200 triệu USD; Nhà máy NIKKISO Việt Nam của Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam 38 triệu USD...
Giai đoạn 2011-2015, Hưng Yên tiếp tục thu hút thêm được 160 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1.388 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án sản xuất các linh kiện ô tô và mô tô; gia công, lắp ráp và đóng gói các linh kiện và phụ tùng của ô tô và mô tô của Công ty TNHH Hamaden Việt Nam 45 triệu USD; nhà máy Musashi Auto Parts Việt Nam của Công ty TNHH Musashi Auto Parts Việt Nam 51 triệu USD; dự án sản xuất các thiết bị vệ sinh và các phụ kiện liên quan đến thiết bị vệ sinh của Công ty TNHH Toto Việt Nam 90 triệu USD…
Năm 2016, khi hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Hưng Yên, với 34 dự án FDI có tổng số vốn đăng ký là 301 triệu USD, tăng 13,34% so với năm 2015. Tính đến hết năm 2017, Hưng Yên đã thu hút được hàng trăm dự án FDI từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD.
Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư đăng ký lớn nhất tại các khu công nghiệp với 107 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD; Hàn Quốc với 37 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 412,5 triệu USD… Các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các dự án FDI vào các khu công nghiệp (KCN) tại Hưng Yên gồm: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị; công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, tin học; công nghiệp dệt may, linh kiện máy bay, tàu biển, ô tô; sản xuất sản phẩm, linh kiện nhựa...
Những đóng góp của FDI vào phát triển kinh tế - xã hội
Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI về tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh tăng dần qua hàng năm và và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (Năm 2005 chiếm 9,72%, năm 2012 chiếm 13,38%, năm 2015 chiếm 14,70% và năm 2016 chiếm 14,63%).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của khu vực nông nghiệp.
Sau hơn 20 năm thu hút FDI, tỷ trọng của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong cơ cấu kinh tế tại Hưng Yên giảm mạnh từ mức 51,87% năm 1997, xuống còn 12,84% năm 2016; Tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng gấp hơn hai lần từ 20,26% năm 1997 lên 51,15% năm 2016; tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng từ 27,87% năm 1997 lên 36,6% năm 2016.
Tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng đã tạo ra sự thay đổi khá mạnh mẽ giữa các các ngành, bước đầu hình thành một số ngành, lĩnh vực và sản phẩm quan trọng tạo động lực phát triển cho kinh tế của Tỉnh như: Sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử, may mặc, giày dép, sắt thép, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm... Đó là sự chuyển dịch đúng hướng và phù hợp với yêu cầu của xu thế chung.
Nguồn vốn của khu vực FDI vẫn duy trì mức độ tăng mạnh qua các năm, nhất là từ khi địa phương có các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư phát triển của khu vực FDI năm 1997 chiếm 12,5% tổng nguồn vốn của Tỉnh, năm 2010 chiếm 31,79%, đến năm 2017 nguồn vốn này chiếm khoảng 34% và tăng gấp 2,5 lần so với năm 1997.
Việc thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước, nhất là các dự án FDI đã góp phần tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Vì vậy, tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh tăng dần hàng năm và cao hơn trung bình của cả nước, trong đó: Năm 1997 chiếm 35,56%; năm 2001 chiếm 42,25%; năm 2006 chiếm 62,61%; năm 2010 chiếm 48,62%; năm 2011 chiếm 49,34%; năm 2015 chiếm tới 53,78% và năm 2017 chiếm khoảng 55%.
Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân trong Tỉnh và khu vực.
Tính bình quân giai đoạn 1997-2017, mỗi năm khu vực FDI tạo thêm việc làm cho khoảng 4 nghìn lao động/năm và tỷ lệ lao động làm việc trong các dự án FDI tăng theo từng năm.
Lĩnh vực thu hút được nhiều lao động nhất là ngành sản xuất trang phục với hơn 2,3 vạn lao động; đứng thứ hai là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính với gần 1 vạn lao động; đứng thứ ba là ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn khoảng hơn 8 nghìn lao động; tiếp đến là ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan khoảng hơn 7 nghìn lao động…
Kinh tế phát triển nhanh, nhất là sự phát triển của sản xuất công nghiệp của các dự án FDI trên địa bàn Tỉnh đã tạo nguồn thu ngân sách ngày càng cao, đáp ứng tốt nhu cầu chi đầu tư phát triển và chi tiêu dùng xã hội.
Năm 2017, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Hưng Yên đạt 13 nghìn tỷ đồng và là một trong những Tỉnh tự cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước.
Việc nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao nên đời sống dân cư ở cả thành thị và nông thôn đều đã được cải thiện rõ rệt, các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác được củng cố và tăng cường...
Mặc dù, đạt được kết quả nhất định nhưng thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Hưng Yên còn có những hạn chế, đó là:
- Số lượng đối tác đầu tư tăng chậm, cơ cấu chưa hợp lý. Thu hút FDI vào Hưng Yên chủ yếu từ các nước châu Á, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ chưa có nhiều dự án đầu tư, chiếm dưới 10% tổng số dự án FDI trên địa bàn Tỉnh.
Ngoại trừ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Á có dự án FDI vào Hưng Yên đều là các nước không có nhiều tiềm lực về vốn, công nghệ cao, chủ yếu tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và dồi dào trong Tỉnh, các nhà đầu tư này mang đến những công nghệ lạc hậu.
- Tốc độ thu hút dự án FDI vào công nghiệp thiếu ổn định và không đồng đều giữa các năm.
- Quy mô vốn bình quân còn thấp, đạt mức 9,6 triệu USD/dự án so với quy mô vốn trung bình của một dự án FDI ở Việt Nam là 13 triệu USD/dự án. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án có quy mô vốn dưới 1 triệu, nhiều dự án FDI không đủ tiềm lực thuê đất, xây dựng nhà xưởng mà phải đi thuê nhà xưởng để sản xuất.
- Các dự án FDI về công nghiệp phân bố không đồng đều giữa các huyện trong Tỉnh, chủ yếu tập trung ở huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ, huyện Mỹ Hào và tập trung trong các KCN như: Phố Nối A, Thăng Long II, dệt may Phố Nối, Minh Đức. Các huyện còn lại số lượng dự án thu hút được không nhiều, quy mô dự án nhỏ.
- Các dự án FDI về công nghiệp có vốn đầu tư lớn, hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao tiếp nhận vào còn ít. Một số dự án chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho Tỉnh.
Một số giải pháp tiếp tục thúc đẩy thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp
Để thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp vào tỉnh Hưng Yên, trong thời gian tới cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Một là, các ngành nghề ưu tiên trong chiến lược thu hút FDI mới cần được thay đổi để ưu tiên nhiều hơn cho công nghệ xanh, hiện đại và càng tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 càng tốt.
Hai là, có kế hoạch và các chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI... Tiếp tục đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng cứng (đường, điện, nước, thông tin…), cũng như hạ tầng mềm (tài chính ngân hàng, dịch vụ kỹ thuật công nghệ) để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tiếp nhận và phục vụ đầu tư nước ngoài ngày càng tốt hơn.
Ba là, có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các huyện phía nam của Tỉnh chưa có nhiều dự án công nghiệp vào đầu tư nhưng có nguồn lao động lớn như: Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Thành phố Hưng Yên…
Bốn là, thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực có kết cấu hạ tầng công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường; lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng; công nghiệp hỗ trợ, mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh; lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực… Xúc tiến, kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn mạnh về nguồn vốn, công nghệ hiện đại của các nước phát triển vào đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê Hưng Yên (các năm từ 2005-2016), Niên giám thống kê các năm từ năm 2005 đến năm 2016, NXB Thống kê Hưng Yên;
2. UBND tỉnh Hưng Yên (2016), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên năm 2016;
3. PV (2017), Khởi sắc thu hút đầu tư FDI vào Hưng Yên, http://baohungyen.vn/kinh-te/201703/khoi-sac-thu-hut-dau-tu-fdi-vao-hung-yen-730136;
4. Đào Ban (2017), Hưng Yên thu hút nước ngoài vào khu công nghiệp, http://baohungyen.vn/kinh-te/201709/hung-yen-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-khu-cong-nghiep-755778/index.htm.