Dòng vốn FDI đã chất lượng hơn
Mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2018 chỉ bằng 81,6% so với cùng kỳ năm trước, song theo đánh giá, dòng vốn này đã đi vào chất hơn, có tác động tích cực đối với nền kinh tế.
Thiếu vắng dự án tỷ USD
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,9 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, đây là tháng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm thu hút FDI không đạt được kết quả bằng với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều người quan tâm tới hoạt động thu hút FDI băn khoăn, phải chăng FDI vào Việt Nam đã đến giai đoạn chững lại?
Trước đó, một số chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về việc dường như kết quả thu hút FDI các tháng đầu năm 2018 chưa tương xứng với tốc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Bởi, mặc dù nhận được sự đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, song từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa có thêm bất cứ một dự án tỷ USD nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, nhận định chung về tình hình thu hút FDI 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Chưa thể có những nhận định thiếu tích cực về kết quả thu hút FDI năm 2018 vì hiện tại còn chưa hết quý II. Trong quý I, do chưa có những dự án lớn nên thu hút FDI nhìn chung thấp hơn năm 2017. Tuy nhiên, chỉ cần một vài dự án “tỷ đô” sẽ thúc đẩy thu hút FDI tăng rất nhanh”.
Nhận định của ông Toàn là có cơ sở bởi những thoả thuận hợp tác đầu tư lớn đã bắt đầu xuất hiện, hứa hẹn kích hoạt dòng vốn FDI vào Việt Nam nhiều hơn trong các tháng tới đây. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến 2 dự án đều của nhà đầu tư Singapore, đó là Dự án Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree vừa được cấp chứng nhận đăng ký tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD; và Dự án đầu tư, phát triển điện khí Dung Quất với quy mô trên 2 tỷ USD do nhà đầu tư Sembcorp thực hiện theo biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ngãi. Cả hai dự án quy mô tỷ USD này đều là sự “chờ đợi nhiều năm” của các địa phương và đã “đơm hoa” sau hành trình nhiều năm nhà đầu tư đeo đuổi.
Chọn lọc nhà đầu tư
Lý giải sự sụt giảm vốn FDI 5 tháng đầu năm, ngoài sự thiếu vắng các dự án tỷ USD đăng ký mới, thì việc xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, với định hướng Việt Nam chủ động nhắm đến những dòng vốn chất lượng hơn, cũng tác động đến kết quả thu hút FDI. Theo đó, thu hút FDI đã chuyển dần từ ưu đãi, mời chào, sang chọn lọc sao cho phù hợp với từng địa phương để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của dòng vốn này. Sự thay đổi này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã khiến dòng vốn FDI không đổ vào ồ ạt như trước, mà chậm hơn, nhưng cũng chất lượng hơn.
Thực tế, nhìn vào những dự án tăng vốn đầu tư những tháng qua có thể thấy, đây đều là những lĩnh vực Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư, nhằm tận dụng những lợi thế về dây chuyền sản xuất, công nghệ và chuỗi giá trị toàn cầu.
Điển hình như, Dự án LG Innotek đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào Nhà máy LG Innotek Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 1,05 tỷ USD nhằm hiện thực hoá mục tiêu xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất module camera tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Hay dự án tăng vốn thêm 260 triệu USD của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng với mục tiêu sản xuất giày và quần áo thể thao; rồi dự án tăng thêm 120 triệu USD của Công ty TNHH Kefico Việt Nam nhằm sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương.
Theo các chuyên gia, việc các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị, may mặc vốn cần nhiều lao động tăng vốn đầu tư sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối, học hỏi kinh nghiệm, tận dụng tối đa hiệu ứng lan toả của doanh nghiệp FDI. Đây cũng chính là điều doanh nghiệp Việt Nam đang cần để nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.