Một số giải pháp thúc đẩy thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh Hưng Yên
Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư rót vốn đầu tư vào Tỉnh. Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng đặt ra. Bài viết đánh giá thực trạng thu hút FDI tại Hưng Yên và đưa ra một số giải pháp tăng cường thu hút vốn FDI vào địa phương thời gian tới.
Thực trạng thu hút FDI tại Hưng Yên
Hưng Yên là tỉnh mới được tái lập 20 năm, nên hầu hết hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ và hiện đại. Mặt khác với lợi thế vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Hồng, nơi có nhiều tác động mang tính liên vùng nên được tham gia nhiều vào quá trình trung chuyển hàng hóa giữa hệ thống bến bãi, cảng biển với các tỉnh khác cũng như thuận lợi cho việc xuất - nhập nguyên vật liệu, giảm thiểu chi phí vận chuyển, mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) khi đầu tư ở Tỉnh. Đó chính là những ưu thế, là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vào địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Do môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng kỹ thuật thuận lợi đặc biệt tại các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp nên trong những năm gần đây, Hưng Yên đã trở thành “điểm đến” hấp dẫn của nhiều NĐT.
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh, năm 2016, Hưng Yên đã thu hút được 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 283,6 triệu USD.
Tính đến hết tháng 03/2017, Tỉnh đã thu hút được gần 400 dự án đầu tư FDI với tổng nguồn vốn đăng ký trên 3,5 tỷ USD, tăng 2,78 lần so với năm 2010. Trong 3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 67 triệu USD. Các dự án FDI đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Pháp… trong số đó nhiều nhất là của Nhật Bản với 97 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.106 triệu USD, chiếm 56,07% về tổng số dự án và 72,04% về tổng vốn đầu tư.
Như vậy, tổng số vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI hiện chiếm khoảng 80% tổng vốn đăng ký. Các doanh nghiệp FDI cũng đã chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước: Năm 2016, thu ngân sách khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.319 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 257 tỷ đồng.
Có được kết quả này, trong thời gian qua Tỉnh đã thành lập được Ban hỗ trợ DN Nhật Bản tại Hưng Yên đặt tại KCN Thăng Long II, nhằm thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi và hỗ trợ các NĐT Nhật Bản thực hiện hoạt động đầu tư vào địa bàn Tỉnh.
Với phương châm thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm có tính cạnh tranh. Vì vậy, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh Hưng Yên tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị, cơ khí, sản xuất linh kiện điện tử, tin học, công nghiệp dệt may, thức ăn chăn nuôi, kinh doanh hạ tầng,…
Nhìn chung, các dự án này khi hoạt động đều sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Từ đó sẽ có sự kết nối, hợp tác, chuyển giao và học hỏi giữa DN trong và ngoài nước trên địa bàn Tỉnh về công nghệ hiện đại, về trình độ quản lý tiến tiến, về kinh nghiệm, về tác phong và văn hóa làm việc.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại trong việc thu hút nguồn vốn FDI ở tỉnh Hưng Yên, cụ thể:
Thứ nhất, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Tỉnh hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối về địa bàn đầu tư và ngành nghề đầu tư. Thực tế cho thấy, nguồn vốn FDI tập trung chủ yếu ở các huyện, như: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, các huyện còn lại chỉ thu hút được một vài dự án nhỏ. Phần lớn các dự án FDI chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, trong khi ngành nông nghiệp của Tỉnh đang rất cần đầu tư để nâng cao năng suất.
Thứ hai, các dự án FDI chưa tận dụng được các nguồn lực tại chỗ, tỷ lệ nội địa hóa thấp, đa phần sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, hầu hết các KCN hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, bởi hệ thống xử lý nước thải và rác thải công nghiệp còn lạc hậu thiếu sự đầu tư.
Thứ ba, về quản lý KCN, thực tế cho thấy hầu hết các DN FDI trên địa bàn Tỉnh đều tập trung ở các KCN, trong khi đó việc quản lý còn nhiều bất cập (giải phóng mặt bằng bị chậm, hầu hết các KCN triển khai không đúng với quy hoạch và yêu cầu của KCN…) những điều này ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và cản trở việc thực hiện đầu tư của các DN FDI trên địa bàn Tỉnh.
Thứ tư, một số NĐT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cho rằng, nhiều lao động của Tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do sự hạn chế và thiếu sự đồng đều về trình độ và tay nghề...
Giải pháp thúc đẩy thu hút FDI vào tỉnh Hưng Yên
Để có thể thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI vào Tỉnh, Hưng Yên cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, chính quyền địa phương cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, công khai minh bạch về quy hoạch sử dụng đất, các cơ chế chính sách ưu đãi của Tỉnh. Để thu hút của các DN FDI cũng như các dự án FDI đã đầu tư vào Tỉnh được triển khai đúng và nhanh, cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, các dịch vụ viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế trong và ngoài KCN đồng bộ và tập trung thống nhất với quy hoạch. Mặt khác, cần huy động các nguồn lực để phát triển, xây dựng các khu nhà ở trong KCN với các điều kiện sinh hoạt đầy đủ sẽ khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả hơn.
Hai là, Tỉnh cần tiếp tục cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời rà soát việc cải cách thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa cho tinh gọn nhất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI trong việc xin cấp phép đầu tư, xây dựng, giao nhận đất hay đăng ký kinh doanh.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Tỉnh, Hưng Yên cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo người lao động và cán bộ quản lý các ngành, các cấp. Hưng Yên cũng cần có những chính sách thu hút lao động có trình độ tay nghề có thể đáp ứng yêu cầu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại của các DN FDI.
Bốn là, đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, chủ động tìm kiếm đối tác đầu tư, tăng cường ngân sách cho xúc tiến đầu tư. Hưng Yên cần phải chủ động tìm đến các đối tác nước ngoài. Tỉnh cần xác định xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các Sở, ngành, Ban quản lý KCN tại địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. UBND tỉnh Hưng Yên (2016). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên năm 2016;
2. PV(2017). Khởi sắc thu hút đầu tư vào tỉnh Hưng Yên, truy cập từ http://baohungyen.vn/kinh-te/201703/khoi-sac-thu-hut-dau-tu-fdi-vao-hung-yen-730136;
3. Các trang điện tử: Chinhphu.vn; tapchitaichinh.vn;fia.mpi.gov.vn...