FDI “đổ xô” vào nhiệt điện than
Nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh đi kèm với chiến lược phát triển nguồn điện phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án nhiệt điện. Nguồn cung điện vì đó sẽ tăng, nhưng hệ lụy môi trường cũng rất đáng ngại.
Tại sao lại là nhiệt điện?
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, kể từ đầu năm tới nay đã có hai dự án nhiệt điện than đã được cấp phép, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4,8 tỷ USD, chiếm 23,98% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá. Dự án này có tổng công suất 1.200 MW.
Thứ hai là dự án nhà máy nhiệt điện than BOT Nam Định 1 do một công ty Singapore đầu tư. Với tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD, dự án này sẽ có công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Hai dự án kể trên đã góp phần nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện nước lên 18,4 tỷ USD, và số dự án là 113. Thực tế, không phải đến năm nay lĩnh vực sản xuất điện than mới thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những năm trước, một loạt các dự án lớn như Nhiệt điện Mông Dương 2, Nhiệt điện Hải Dương, Nhiệt điện Duyên Hải 2 và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đều đã được cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đó là chưa kể đến một loạt các dự án nhiệt điện khác đang được các tập đoàn nước ngoài nghiên cứu như Nhiệt điện Dung Quất, Nhiệt điện Long An 1 và Long An 2, Nhiệt điện Quỳnh Lưu và Nhiệt điện Sóc Trăng.
Điểm chung của tất cả các dự án nhiệt điện này là đều sử dụng than là nhiên liệu đốt. Nếu như tất cả các dự án trên đều được cấp phép, tổng số vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực nhiệt điện than sẽ lên tới hàng chục tỷ USD.
Nhìn vào quy hoạch phát triển điện của Việt Nam từ nay đến năm 2030 thì cũng dễ hiểu vì sao nhiệt điện than đang là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực hiện nay của Việt Nam, hay còn gọi là Quy hoạch điện VII, dự kiến sẽ có 55 GW điện than vào năm 2030, tăng so với 14 GW hiện nay. Quy hoạch điện VII dự báo số phần trăm của nhiệt điện than trong cấu trúc phát điện của Việt Nam vào năm 2030 tăng đến 53.2% công suất lắp đặt.
Một báo cáo của công ty Economic Consulting Associates thực hiện theo đơn đặt hàng của Tiểu nhóm Năng lượng, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và được công bố đầu tháng 6 vừa qua, cho thấy Việt Nam hiện nay xếp hạng thứ 20 toàn cầu về sử dụng các nhà máy nhiệt điện than.
Vào năm 2030, lượng than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than sẽ gấp 15 lần khiến cho Việt Nam trở thành nước sử dụng than nhiều thứ tám trên thế giới.
Sở dĩ Chính phủ muốn tăng các nhà máy nhiệt điện than là vì nhu cầu điện của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng phản ánh tình hình phát triển kinh tế đất nước.
Theo nghiên cứu của Economic Consulting Associates, trong giai đoạn từ năm 2000 và 2015, phụ tải đỉnh tăng từ 4,9 GW lên 25,8 GW hoặc tính trung bình tăng 12% hàng năm. Những dự báo gần đây cho thấy phụ tải đỉnh tiếp tục tăng trưởng hai con số đạt 42 GW vào năm 2020, 63,5 GW vào năm 2025 và hơn 90 GW vào năm 2030.
“Trước đây, trong các nguồn năng lượng sơ cấp ở Việt Nam, thủy điện chiếm tỷ lệ chi phối. Tuy nhiên, thực tế này đang thay đổi nhanh chóng.
Trong năm năm, tỷ trọng nhà máy nhiệt điện than trong tổng sản lượng đã tăng gấp đôi từ 17% năm 2010 đến 34% năm 2015… Theo kế hoạch hiện nay sẽ tiếp tục mở rộng nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu vì các nguồn thủy điện trong nước bắt đầu cạn kiệt”, bản báo cáo của Economic Consulting Associates nhấn mạnh.
Chưa kịp mừng đã vội lo
Số lượng các dự án nhiệt điện than tăng sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đó có thể coi là điều đáng mừng. Nhưng báo cáo của Economic Consulting Associates cho thấy dòng vốn FDI đổ nhiều vào các dự án nhiệt điện than chưa hẳn hoàn toàn vui.
Cũng Economic Consulting Associates trích dẫn lại trong một nghiên cứu do tổ chức Hòa Bình Xanh và Đại học Havard cùng thực hiện đã dự báo rằng, ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ giết chết khoảng 4.300 người ở Việt Nam hàng năm và con số này sẽ tăng lên 25.000 người mỗi năm nếu các nhà máy ở châu thổ sông Mekong đi vào hoạt động.
“Than sẽ còn tiếp tục có vai trò ngày càng lớn và khiến cho Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực hiện được các cam kết của mình về sức khỏe, môi trường và biến đổi khi hậu trong tương lai.
Sử dụng các chi phí do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính toán, chúng tôi ước tính rằng chi phí chi cho ảnh hưởng sức khỏe và môi trường của kế hoạch phát triển điện hiện tại sẽ vào khoảng 15 tỷ đô la hàng năm vào năm 2030,” báo cáo nhấn mạnh.