Một số hạn chế, bất cập trong triển khai, áp dụng Luật số 69/2014/QH13

PV.

Sau gần 6 năm triển khai, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song việc áp dụng Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, trong đó, một trong những nguyên nhân chính là sự chưa đồng bộ giữa Luật này với các luật chuyên ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trao đổi về những bất cập liên quan đến Luật số 69/2014/QH13, TS. Phạm Thị Tường Vân (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, hiện nay quy định về DNNN chưa đồng bộ. Luật DN năm 2014 quy định DNNN là DN 100% vốn điều lệ. Quy định này tương đồng với quy định trong Luật số 69/2014/QH13 khi xác định phạm vi vốn Nhà nước đầu tư vào DN (Khoản 2, Điều 2). Tuy nhiên, quy định về DNNN tại Luật DN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã được mở rộng hơn.

Theo đó, DNNN bao gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Luật DN sửa đổi cũng quy định cụ thể các loại DN có vốn sở hữu Nhà nước theo 2 mức trên 50% vốn điều lệ và 100% vốn điều lệ (Điều 88, Luật DN sửa đổi). Như vậy, có thể thấy, phạm vi quy định đối tượng là DNNN trong Luật số 69/2014/QH13 không còn phù hợp do chỉ quy định phân chia các loại DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà chưa mở rộng đến đối tượng DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Chia sẻ về những bất cập của Luật, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, đây không phải là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN mà là “Luật Quản lý DNNN”. Bởi thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước quản lý mọi hoạt động của DNNN gồm cả tổ chức, bộ máy, nhân sự, ban lãnh đạo, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị đến kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh; đầu tư vốn, thoái vốn, đầu tư xây dựng… lẫn tiền lương, thu nhập của người lao động. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến DNNN không dám mạnh dạn mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, thẩm quyền giám sát vốn của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo. Theo quy định của Luật số 69/2014/QH13, cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Thẩm quyền giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định tại Điều 57 Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu có đầy đủ các thẩm quyền thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.

Tuy nhiên, có sự chồng chéo về thẩm quyền giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc không có cơ quan giám sát việc đại diện chủ sở hữu của các cơ quan này. Nói cách khác, chưa có quy định cụ thể về giám sát các cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện hành và cũng chưa có quy định làm rõ thẩm quyền giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đối với các DN do SCIC làm đại diện chủ sở hữu. Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Lê Đăng Doanh, là do mô hình giám sát vốn nhà nước vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN. Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh vừa có quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, vừa có quyền quản lý nhà nước đối với DN, do đó vẫn chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu với giám sát trong vai trò quản lý nhà nước. 

Ngoài ra, theo TS. Phạm Thị Tường Vân, hiện nay vẫn chưa đồng bộ trong các quy định về thầm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu dẫn đến khó xác định cơ quan chủ quản và chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư công, các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, Luật số 67/2014/QH13 (Luật Đầu tư 2014) và Luật số 69/2014/QH13 đều không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu với các dự án này.

Luật Đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Trong khi đó, Luật số 69/2014/QH13 và Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước quy định thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc phê duyệt một số dự án có quy mô nhất định của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với đầu tư, xây dựng mua bán tài sản cố định; đầu tư ra ngoài DN; đầu tư ra nước ngoài. Như vậy, mục đích, tính chất, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thẩm quyền phê duyệt dự án theo quy định của Luật số 69/2014/QH13 là khác nhau.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: Kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hôm 7/4, các chuyên gia cũng cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập khác như: Quy định về đầu tư ra nước ngoài của DN: phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư, phân phối lợi nhuận sau thuế; nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của DNNN; bảo toàn và phát triển vốn của DN...

Ngoài ra, một số bất cập khác còn nằm ở việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn; quyền hạn, trách nhiệm, phương thức quản lý người đại diện và nhóm người đại diện vốn nhà nước tại DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu và công tác giám sát; quản lý của DNNN đối với công ty con do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ…

Trước những bất cập trong quá trình triển khai Luật số 69/2014/QH13 cùng với một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đã thay đổi, đặt ra đòi hỏi cần đẩy nhanh việc hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này.